Đề tài Osin gần gũi mà sâu sắc
Từ “Osin” xuất phát từ bộ phim truyền hình cùng tên của Nhật Bản, phát sóng tại Việt Năm vào năm 1994, 1995. Nó được sử dụng thông dụng trong cuộc sống, các bộ phim truyện sau này và thậm chí còn được đưa vào từ điển Việt Nhật, Nhật Việt và Việt Việt. “Osin” dùng để chỉ những người phụ nữ giúp việc trong gia đình, nói nôm na như người xưa là “đi ở đợ” hay theo cách hiện đại là “bà nội trợ lấy tiền”.
Ba diễn viên vào vai Osin lúc nhỏ, khi trưởng thành và lúc già
Bộ phim dài 300 tập “Osin” kể về cuộc đời gian khổ và quá trình xây dựng sự nghiệp của người phụ nữ sáng lập ra chuỗi cửa hàng bách hóa đầu tiên tại Nhật Bản. Bắt đầu từ những công việc thấp hèn và sau đó dần vươn lên khẳng định bản thân để thành công, Osin cùng hàng trăm, hàng vạn nhân vật mang số phận tương tự đã góp phần không nhỏ đưa Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế phát triển. Thông qua câu chuyện cuộc đời của người phụ nữ dũng cảm, tác giả muốn phản ánh diện mạo xã hội Nhật Bản đương đại và mang đến nhiều thông điệp về niềm tin, nghị lực sống và tình yêu.
Không có nhiều bối cảnh công phu tốn kém, cũng không có những lời thoại triết lý sáo rỗng, bộ phim chiếm trọn tình cảm của khán giả bằng tình tiết gần gũi, câu chuyện bình dị. Những sóng gió trong cuộc đời Osin là hội tụ điển hình của các số phận người phụ nữ lao động, tầng lớp dưới của xã hội. Người có cảnh ngộ tương tự sẽ cảm thông, thấu hiểu còn người có địa vị cao hơn thì thương cảm và xót xa chia sẻ. Nếu ví những bộ phim giải trí thị trường là “mỳ ăn liền cứu đói tức thời” thì có lẽ “Osin” sẽ được so sánh với bữa cơm bình dị mà ngon miệng.
Câu chuyện gần gũi chiếm trọn trái tim hàng triệu khán giả toàn cầu
Mặc dù đối với một bộ phận khán giả 8X, 9X, bộ phim này có đôi chút xa lạ, thậm chí có nhiều người sẽ cho rằng đây là một tác phẩm quá lỗi thời và dài dòng. Tuy nhiên, trên thực tế “Osin” lại là một vật báu vô giá không chỉ với ngành giải trí mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong công tác giáo dục lối sống cho thanh thiếu niên hiện đại.
"Tết cháy Osin" có sự tham gia của những diễn viên trẻ giàu kinh nghiệm
Phát hiện đề tài gần gũi với cuộc sống người Việt, trước dịp tết Canh Dần 2010, đạo diễn Tất Bình đã bắt tay thực hiện bộ truyền hình đầu tiên khai thác "nghề Osin" trong xã hội Việt Nam đương đại. “Tết cháy Osin” được sản xuất đúng vào thời điểm mà các ông bà chủ sống tại thành thị đang cuống cuồng lo lắng vì sẽ không có người giúp đỡ công việc trong thời gian nghỉ lễ. Xoay quanh tuyến nhân vật có xuất thân, hoàn cảnh và tính cách khác nhau, “Tết cháy Osin” đã mang đến cho người xem những tình tiết “dở khóc dở cười” về mâu thuẫn giữa 3 người giúp việc và các chủ nhà khó tính khó chiều. Đó là câu chuyện của một cô giúp việc trót mê ông chủ, một bà giúp việc có cảm giác mình là mẹ của cả nhà và một “bà nội trợ lấy tiền” nhiều toan tính mưu mô.
Với những tình huống hài hước, sinh động mà người xem có thể bắt gặp trong cuộc sống thường nhật và yếu tố nhân ái , xúc động lòng người, bộ phim đã bước đầu tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả Việt.
Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền vào vai cô giúp việc câm đem lòng yêu cậu chủ khiếm thị
Bộ phim Việt Nam thứ hai khắc họa tuyến nhân vật đặc biệt này là “Lâu đài tình ái” với sự tham gia diễn xuất của HH Nguyễn Thị Huyền. Câu chuyện về người giúp việc có hoàn cảnh éo le đã tạo nên dấu ấn khác biệt và nhấn mạnh thêm thông điệp của tác giả. Cô gái câm (Ly) làm giúp việc trong một gia đình giàu có và được ông Ngoại hết mực yêu thương giúp đỡ. Ly có tình cảm với cậu chủ khiếm thị (Huy) nhưng bị bà mẹ kế tìm mọi cách chia rẽ vì lo sợ tài sản gia đình sẽ bị san sẻ. Nội dung phim là những tình huống đời thường mộc mạc nhưng ẩn chứa tình người cảm động và sâu sắc.
Một bộ phim nữa cũng khai thác đề tài này là “Kính thưa Osin” của đạo diễn Trần Cảnh Đôn dựa trên phóng sự nổi tiếng cùng tên của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ngay từ tên phim khán giả đã có thể cảm nhận được nét dí dỏm trong góc độ khai thác câu chuyện. Phim xoáy sâu vào những tình huống phát sinh trong cuộc sống đời thường của người dân đô thị. Một nhân vật nhỏ kéo theo những phiền toái, lo âu và cả trách nhiệm cho người sử dụng đã làm thay đổi toàn bộ cục diện gia đình.
Trang Nhung (trên) và Phi Thanh Vân (dưới) trong "Kính thưa Osin"
Trong đó, hai vai diễn để lại dấu ấn khó quên nhất trong lòng khán giả là Osin chảnh chọe, "điêu toa" Nắng Mai Hồng (Phi Thanh Vân) và Osin hiền lành, thật thà tốt bụng Như Mây (Trang Nhung). Với kịch bản xoay quanh cuộc sống của những người giúp việc hài hước, cá tính và thậm chí có đôi chút lập dị, “Kính thưa Osin” đã tạo nên được một phong cách mới lạ trong việc xây dựng và “đẩy” nhân vật nhỏ lên tuyến chính câu chuyện.
Scarlett Johansson diễn cặp ăn ý với diễn viên nhí trong "Nhật ký bảo mẫu"
Tại “kinh đô điện ảnh” Hollywood cũng từng xuất hiện nhiều bộ phim khai thác đề tài tương tự như Jennifer Lopez trong “Cô hầu phòng ở Manhattan” năm 2002, Scarlett Johansson trong “Girl with a Pearl Earring” năm 2003 và gần đây là “Nhật ký bảo mẫu”. Câu chuyện về nhân vật “Osin” trong xã hội Âu Mỹ được phân thành thể loại phim. Đầu tiên là mô tuýp “cô bé lọ lem” với thân phận thấp nhưng tốt bụng, hiền lành, được “hoàng tử bạch mã” đem lòng yêu thường và tạo cơ hội đổi đời. Bên cạnh đó là hình thức xây dựng “tinh thần Osin” – dũng cảm, kiên cường, trở thành nhịp cầu nối giải tỏa khúc mắc hoặc rắc rối cho “chủ nhân” của mình.
Những câu chuyện dung dị về tình người và lẽ sống trong "Bảo mẫu"
gây ấn tượng khó quên với khán giả!
Ngoài ra, điện ảnh Hoa ngữ cũng khai thác rất phong phú đề tài người giúp việc trong xã hội đương đại. Chỉ tính riêng thể loại phim truyền hình nói về nhân vật này tại khu vực đại lục đã có hơn 10 tác phẩm. Trong số đó, tiêu biểu nhất là “Bảo mẫu” thực hiện năm 2007 với câu chuyện cảm động về nghị lực kiên cường của một cô gái tỉnh lẻ làm rung động trái tim lạnh giá của cả một gia đình đô thị khắt khe, trưởng giả.
"Công chúa tuyết" Sung Yuri và tạo hình trong phim "Romance Town"
Trong khi đó, làng giải trí Hàn Quốc lại lựa chọn cách làm nhẹ nhàng hài hước khi đề cập tới số phận của “bà nội trợ lấy tiền”. Ví dụ điển hình có thể nhắc tới là bộ phim truyền hình “Romance Town” do nữ diễn viên Sung Yuri thủ vai chính. Trong số đó, nhân vật Son Geum là một thiếu nữ thẳng thắn, nhanh nhẹn và gan dạ. Mặc dù mang tâm lý bất ổn khi lý lịch gia đình phức tạp (mẹ và bà ngoại đều là người giúp việc, cha đẻ rượu chè phá phách) nhưng sau khi đón nhận công việc này, Son Geum đã dựa vào nghị lực bản thân để thành công trên con đường kiếm tìm hạnh phúc.
24h