Khán giả truyền hình quen gọi Lê Thiện là “bà nội” vì sau khi hoàn thành vai diễn bà nội trong bộ phim truyền hình dài 200 tập Dù gió có thổi, bà lại được mời vào vai bà nội trong phim Vừa đi vừa khóc. Hình ảnh bà Nguyễn Thị Nội bá đạo, quái chiêu của Lê Thiện chính là điểm nhấn thú vị, hấp dẫn cho bộ phim.
“Bà nội xì-tin”
Mặc chiếc áo sơ mi đen đơn giản, mái tóc ngả màu hoa râm búi gọn gàng, NSƯT Lê Thiện bước vào quán cà phê nhỏ ven đường. Nhiều người trẻ mừng rỡ nắm tay: “Chào bà nội! Bà nội trông trẻ quá!”. Ngoài đời, NSƯT Lê Thiện chẳng khác trong phim là bao, nhất là nụ cười móm mém tươi như hoa mà thời trẻ từng khiến nhiều người… chết mê chết mệt. Trong suốt buổi trò chuyện, bà hay trêu ghẹo rồi tự cười khúc khích như một đứa trẻ, có lúc lấy tay che miệng… mắc cỡ như một thiếu nữ tuổi đôi mươi.
Với một tâm hồn rất trong trẻo, vô tư, người đàn bà đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” - NSƯT Lê Thiện không ngại nhắc đến tuổi tác: “Tôi ngoài 70 rồi đó! Ngoảnh đi ngoảnh lại thấy thời gian trôi nhanh quá! Mới đó mà đã 2 màu tóc”. Bà đưa tay vuốt nhẹ lên mái tóc và đôi má dần hằn vết nhăn thời gian, có một cái gì đó tiếc nuối lẫn tự hào: “Hồi còn con gái, tóc tôi dài mượt, da mặt rất trắng mịn. Tôi không bao giờ đến tiệm làm tóc hay xài son phấn”.
NSƯT Lê Thiện ở ngoài đời
Bà kể về những ngày lặn lội theo đoàn làm phim, chấp nhận guồng máy làm việc căng thẳng, cực nhọc một cách rất hào hứng. “Hồi đóng phim Mùa sen cạn, tôi từng bị té xuống sông vì quay mấy cảnh dưới sông nước. Trong phim Vừa đi vừa khóc, có những cảnh quay phải lội bì bõm xuống sông nhưng tôi chẳng thấy cực nhọc, chỉ thấy thú vị!”. Rồi bà cười: “Tôi nhìn bề ngoài già vậy chứ khỏe re à!”.
NSƯT Lê Thiện coi sức khỏe là số 1. Chuyện làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống giờ giấc, tập thể dục, bà chẳng cần ai nhắc nhở. “Ngày xưa dù công việc đi diễn, làm quản lý bận rộn, tôi vẫn dành thời gian đi bộ, tập thể dục. Bây giờ mỗi ngày tôi vẫn dành ít nhất 1 giờ để vận động cơ thể” - bà cho biết. Bà kể mình có 2 lần trong cơn thập tử nhất sinh: “Một lần ở chiến trường, trong hầm có 7 người bị sốt rét nhưng chỉ mình tôi sống sót. Lần thứ 2 cách đây khoảng 30 năm, tôi mổ u gan. Gia đình làm điếu văn rồi nhưng tôi vẫn qua khỏi. Giờ thì tôi ít khi ốm đau, mỗi ngày thấy càng khỏe hơn”.
Ngoài thói quen giữ sức khỏe một cách khoa học, NSƯT Lê Thiện còn có bí quyết giữ sự tươi trẻ trong tâm hồn. Ở đoàn làm phim, bà được mệnh danh là “bà nội xì-tin”, “bé thần đồng” hay “hot girl Nguyễn Thị Nội”. “Tính tôi thích vui vẻ nên gặp ai cũng chọc ghẹo, làm họ cười. Họ cười thì mình cũng vui, mà vui thì khỏe. Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ mà !” - bà lý giải.
Cánh chim không mỏi
Nếu khán giả truyền hình mới chỉ biết đến NSƯT Lê Thiện qua 2 vai diễn “bà nội” mới đây thì dân mộ điệu cải lương ai cũng biết bà là một “đào thương” có tiếng một thời.
Ngày ấy, bà được ngưỡng mộ không chỉ bởi sắc đẹp mà còn vì tài năng. Khán giả tri âm bà vẫn không thể nào quên những vai diễn trong các vở: Dệt gấm, Khuất Nguyên, Tiếng sấm Tây Nguyên, Mùa Xuân, Ánh sáng phù du, Thạch Sanh - Lý Thông, Hòn đảo thần Vệ Nữ… Đặc biệt, một Lê Thiện với tiếng cười xuất thần trong vai Lý Thần Phi trong vở Rạng ngọc Côn Sơn đến bây giờ vẫn được nhắc nhớ như vai diễn “để đời” của bà.
Để có một Lê Thiện được khán giả biết đến như vậy là cả một quá trình phấn đấu khắc nghiệt với nghề. “Lúc đó cái gì tôi cũng phải học, học múa, học hát, học diễn. Khi qua sân khấu cải lương, tôi càng phải rượt đuổi với người ta vì bị trễ mất 2 năm. Tôi phải lao vào học hỏi, rèn luyện với thời gian biểu rất khắt khe” - NSƯT Lê Thiện kể.
Ngoài tài năng ca diễn, nhiều năm liền bà còn làm quản lý với cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, phụ trách Đoàn Cải lương xung kích Trần Hữu Trang thời đó. Khi trách nhiệm trên vai không còn là nghệ sĩ mà là một người quản lý, những nỗi niềm của bà cũng khác đi. Nếu ngày trước, bà đau đáu với những vai diễn chưa ưng ý thì lúc đó lại trăn trở với lớp trẻ kế thừa. Kinh tế khó khăn, nghệ sĩ rất nghèo, nhiều người muốn bỏ nghề nhưng bà luôn động viên: “Muốn thành danh phải rèn luyện từng bước, như một đứa trẻ phải bò, chập chững đi rồi mới đến chạy. Hơn hết là đừng để người khác coi thường mình”.
NSƯT Lê Thiện trong phim Vừa đi vừa khóc.
Những tháng ngày khổ ải của người con gái xa gia đình đi kháng chiến mấy chục năm đã rèn cho bà tính tự lập và sự mạnh mẽ khác thường. Ở Nhà hát Trần Hữu Trang lúc đó, ai cũng gọi Lê Thiện là “bố” vì bà quán xuyến, gồng gánh công việc không biết mệt mỏi, kể cả lo những việc hậu trường như trang phục, cơm nước cho nghệ sĩ. “Tôi cũng có gia đình, con cái nhưng ráng thu xếp để cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Nhìn lại quãng đường đó, tôi thấy vui vì mình đã không phí hoài những năm tháng tuổi trẻ” - bà tâm sự.
Giấu bi kịch vào lòng
Ai gặp Lê Thiện cũng ấn tượng bởi gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ nên thường nghĩ bà ít vướng phải buồn lo. Song, bà cũng có những nụ cười sũng nước mắt, những đêm khóc thầm lặng lẽ chẳng ai hay. “Tôi vui thì nhiều người nhìn thấy nhưng đau khổ thì ít ai biết. Tôi luôn giấu nỗi buồn vào trong, tự sắp xếp, điều tiết, xua tan nó đi chứ không để đeo đẳng bên mình” - bà thổ lộ.
Cuộc đời không ai trọn vẹn. Ai cũng có bi kịch, dù lớn hay nhỏ, ai cũng đi qua những thăng trầm. Cuộc đời NSƯT Lê Thiện cũng có lúc đi qua những khúc quanh co nghiệt ngã nhưng theo bà, “nghiệt ngã hay không là do cách mình nghĩ”. Bà cũng có lúc tưởng chừng không nắm giữ được hạnh phúc nhưng cuộc sống vợ chồng không bao giờ đơn giản như bát nước, cầm hắt đi là xong. “Thôi thì nghĩ người ta có bắc 10 cái thang cũng không đến được vị trí như mình” - Lê Thiện tự trào.
Có lẽ những nỗi đau nên lẳng lặng quên đi để khi đã trải qua, người ta thấy mình trưởng thành hơn, tự mình hiểu là đủ. NSƯT Lê Thiện luôn biết thành thật với bản thân mình để biết cái gì là quan trọng nhất. Để sau những tan nát, bây giờ “gương vỡ lại lành”, bà vẫn đủ sức nắm giữ những yên vui của gia đình.
Ước được chết trên sân khấu
NSƯT Lê Thiện tên thật là Tô Đặng Thị Thiện, sinh ngày 19-8-1945 tại xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình nông dân. Năm 12 tuổi, bà thoát ly theo đoàn văn công tham gia kháng chiến, đến năm 31 tuổi mới trở về.
Hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, NSƯT Lê Thiện bảo đến giờ bà không sợ già hay cô đơn, chỉ sợ một ngày không được làm nghề nữa. Sinh ra tại sân khấu, bà ước gì cũng được chết tại sân khấu.
Theo Người lao động