Một bầu không khí làm phim "sung" như thời chiến!
Dựa trên tuyến đường vận tải bằng đường biển cùng tên, có thật trong lịch sử, bộ phim truyền hình Ðường Hồ Chí Minh trên biển - Ðoàn tàu không số (40 tập, biên kịch: Ðình Kính, tổng đạo diễn: Hồ Ngọc Xum) đã huy động toàn bộ nhân lực của Hãng phim Giải Phóng dồn về Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hai ngày quay đại cảnh phối hợp không quân, hải quân lớn nhất (25 và 26-7).
5 giờ sáng của ngày quay đầu tiên, phát nhanh cho nhau ổ "bánh mì trường kỳ", từng chiếc máy quay được các thành viên trong đoàn khiêng lên xe, chuẩn bị sẵn sàng tiến vào bãi trống thuộc khu di tích căn cứ Minh Ðạm. 9 máy quay, 18 đạo diễn, phó đạo diễn và trên 250 diễn viên quần chúng (thuộc sư đoàn bộ binh 302) được huy động.
“Diễn viên” chính - máy bay trực thăng và bầu không khí “sung” như thời chiến - Ảnh: Nga Linh
Cơ hội làm nghề 15 giờ ngày 26-7, nhiều giờ sau khi chiếc tàu BCF mắc cạn được xử lý trở về khơi, tại nhà ga hàng không sân bay Vũng Tàu, các phi công được lệnh lái máy bay trực thăng thực hiện bối cảnh phối hợp. Lưng buộc dây, vai vác máy, chấp chới ngồi ở cửa máy bay, nhà quay phim Đặng Phúc Yên cùng các tay máy ở hai trực thăng còn lại đã có những đúp quay trên không để đời. “Chúng tôi phải phối hợp với sáu máy quay phía dưới. Không được phép có bất kỳ một sai sót nào, vì làm gì có cơ hội thực hiện lần hai” - nhà quay phim nói. Ngay sau khi nhóm phóng viên trở về Sài Gòn, được biết đoàn phim Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn đang tiếp tục có những cảnh quay tăng cường trên tàu vào ngày 27-7. “Lênh đênh cả ngày trời, ai nấy đều say sóng rã rời. Nhưng vui vì được làm nghề” - đạo diễn trẻ Đinh Thái Thụy nói qua điện thoại. Căng lên như dây đàn cũng bởi êkip thực hiện đang chịu áp lực hoàn thành bộ phim trước ngày 30-9. |
Toàn bộ bối cảnh được dàn dựng công phu để ghi lại khoảnh khắc của các "diễn viên chính" là hai chiếc OH-1, một chiếc MI-8, "đóng vai" trực thăng, máy bay của chính quyền Sài Gòn trong những đại cảnh đổ quân khẩn cấp xuống bìa rừng, bên bờ biển, cảnh bao vây, giáp chiến với thủy thủ tàu không số của tuyến đường vận tải trên biển.
"Chỉ còn kém mỗi Hollywood!"
Con đường sình lầy dẫn vào bãi trống làm lắc lư từ xe quân đội chuyên dụng cho đến xe đạo cụ, dễ dàng đánh thức cơn ngái ngủ của bất kỳ ai. Bao quanh trước mắt là những sườn núi phủ đầy cây rừng rậm rạp. Êkip chính như tổng đạo diễn Hồ Ngọc Xum, các đạo diễn Nguyễn Xuân Cường, Ðinh Thái Thụy mỗi người một phía chỉ đạo góc máy. Chủ nhiệm phim Bùi Huy Lũy quát oang oang vào điện thoại.
Ðể phục vụ bối cảnh quay phối hợp cực kỳ quan trọng, ông chủ nhiệm phải bố trí những "diễn viên" còn lại như súng ống và hơn 30 xe các loại: jeep, GMC, xe quân đội chuyên dụng, xe tải khói lửa, xe ánh sáng, thậm chí xe cứu thương trong thế sẵn sàng. Ðội ngũ lính trẻ hóa trang thành lính chế độ cũ dàn đội hình đều tăm tắp, nhiệt thành làm theo chỉ đạo, không ngụm nước
hay thù lao hỗ trợ.
Bốn giờ đầu tiên trôi qua. Ðạo diễn Nguyễn Xuân Cường tay cầm que vẽ lia lịa trên đất, giải thích với một chuyên gia hỗ trợ mang quân hàm thiếu tá Quân chủng phòng không không quân: "Hai trực thăng phải cách nhau 100m, bay đi bay lại anh nhé!". Trước đó, máy bay và trực thăng đã được đổ đầy xăng, từ sân bay Tân Sơn Nhất đáp an toàn xuống gần khu vực đoàn phim đang tập trung. Sáu phi công chính (hai người/máy bay) và 10 kỹ thuật viên chỉ còn chờ hiệu lệnh là cất cánh.
Bối cảnh ngoài trời nhưng không khí đặc quánh, ngạt thở. Khi tiếng hô "chén!" (từ lóng trong nghề, thay cho mệnh lệnh "bấm máy!") đồng loạt vang lên, cũng là lúc từng cá nhân tự động ngụy trang kỹ bằng lá cây để không lọt vào khuôn hình. Chiếc MI-8 bé như con chuồn chuồn từ từ hiện rõ trên monitor. Không xa, hai chiếc OH-1 hạ thấp, đổ xuống quân lính bảo an, một đại úy cùng nhóm lính ào ào nhảy xuống, chạy tới báo cáo tình hình với thiếu tá Hai Rạng (diễn viên Lý Hùng đóng) và đại úy Ba Hoàng (Lâm Minh Thắng thủ vai). Lời thoại không quá ba dòng.
Máy bay đi đẹp vào từng khuôn hình, diễn viên kết hợp diễn xuất nhịp nhàng. Ðại cảnh hoành tráng hoàn thành ngay sau "đúp" đầu tiên. Tiếng động cơ xa dần, mồ hôi tuôn ướt áo, đạo diễn Xuân Cường quật tay vào không khí, hưng phấn đùa vui với mọi người: "Chỉ còn kém mỗi Hollywood!".
Cảnh quay phối hợp không quân, hải quân - cơ hội làm nghề hiếm hoi cho êkip phim truyền hình - Ảnh: Nga Linh
Tốn kém và rủi ro
Ðể có đại cảnh như một mâm cơm bày sẵn giúp các nhà làm phim thỏa sức sáng tác, đằng sau đó là nhiều cuộc điện thoại cứu nguy, dày đặc sự hỗ trợ của các đơn vị có chuyên môn, sự tư vấn, hỗ trợ phương tiện kỹ thuật của Bộ Quốc phòng, Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh hải quân, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị).
Ba đại cảnh tiếp tục được thực hiện trót lọt trong ngày: cảnh đổ quân xuống vườn khoai mì (vườn khoai được "mua đứt" từ người dân để làm bãi đáp), cảnh trực thăng bay quanh đồi phát loa chiêu hàng, cảnh đổ quân xuống làng cát để bao vây, truy tìm các chiến sĩ Việt cộng... Ðại tá Ðỗ Văn Thân - sư đoàn 370 - tiết lộ máy bay trực thăng tham gia toàn là "diễn viên" chuyên nghiệp, lại có chiếc vừa được gửi ra nước ngoài để "thẩm mỹ" lại cánh quay, động cơ... Rồi ông hồ hởi liệt kê: "Mấy chiếc này đóng phim từ thời Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Hồng hải tặc... hay gần nhất là Ðừng đốt.
Nửa đêm sau ngày quay đại cảnh đầu tiên, có tin vỡ kế hoạch cảnh kết hợp không quân, hải quân. Chủ nhiệm Bùi Huy Lũy căng thẳng thông báo: "Tàu BCF sập ngay cát bồi! Bối cảnh ba tàu chiến, hai tàu BCF, bốn canô vây tàu không số HQ 20 có lẽ vỡ mất! Làm phim lịch sử là thế đấy. Tạo dựng một bối cảnh cực kỳ tốn kém, cơ hội thực hiện cũng là duy nhất trong đời nhưng rủi ro vô cùng lớn".
Tên phim là Ðường Hồ Chí Minh trên biển nhưng đoàn phim chủ trương không quá lạm dụng những cảnh quay tái hiện đường trên biển. "Một mặt, điều kiện làm phim của ta chưa cho phép. Mặt khác, đây còn là câu chuyện xúc động trên tàu dưới bến của các thủy thủ và cả những người lính bốc dỡ nơi hậu phương. Các bối cảnh hoạt động trên bờ sẽ được khai thác tại Bình Thuận (dựng lại làng cát), Vùng 2 hải quân (tái hiện kho đạn), căn cứ thành Tuy Hạ, bến phà Cát Lái..." - đạo diễn Hồ Ngọc Xum quấn chặt khăn rằn lên đầu trước khi gọi điện hỏi về con tàu BCF mắc cạn.
Tuổi Trẻ