Đan Trường
Bộ phim “Thứ ba học trò” kể về lớp 12A1 với 40 học trò được các thầy cô trong trường đặt cho biệt hiệu là “40 tên cướp”. Những trò nghịch ngợm quậy phá của lớp khiến thầy cô nào đến chủ nhiệm lớp này đều phải lắc đầu từ chối. Đến một ngày, nhà trường bổ nhiệm thầy giáo Nghiêm Tuấn (Đan Trường)- một thầy giáo dạy Văn vừa ra trường về làm chủ nhiệm lớp. Mới chân ướt chân ráo về trường, thầy lập tức rơi vào quỹ đạo quậy phá của những học sinh siêu quậy.
Đan Trường vào vai thầy giáo Nghiêm Tuấn trong “Thứ ba học trò”.
Nhưng cũng trải qua những ngày tháng đau đầu đó, Nghiêm Tuấn mới phát hiện được các mảnh đời khác nhau của đám học trò mình. Đa số các em đều sống trong gia đình khá giả nhưng lại nổi loạn vì thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình. Bằng tình thương, sự quan tâm thấu hiểu, thầy Tuấn đã lấy được lòng tin và dần dần cảm hóa được những học trò nghịch ngợm.
Hình ảnh của Đan Trường trong phim là hình ảnh của một người thầy hiền lành, nhã nhặn, đầy tâm huyết và rất tâm lý. Ngoài việc phải "chung sống" với hơn 40 học sinh nghịch ngợm, thầy còn phải giúp cô bé Nunu (do Đông Nhi đóng) nhìn nhận lại tình cảm của mình với thầy. Có lẽ đây là thầy giáo được học sinh mến mộ và gần gũi nhất bởi thầy không chỉ dạy dỗ mà còn là một người bạn thân thiết với các học trò của mình.
Đan Trường với hình ảnh người thầy rất tâm lý.
Quang Vinh
“Nữ sinh” là bộ phim truyền hình dựa theo ba truyện ngắn nổi tiếng: “Nữ sinh”, “Buổi chiều Windows” và “Bồ câu không đưa thư” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh . Những câu chuyện nghịch ngợm, bất ngờ của các nữ sinh được tái hiện sống động trên phim. Bộ phim còn đánh dấu sự góp mặt của “hoàng tử sơn ca” Quang Vinh trong vai thầy giáo Hoàng Gia cùng 3 nữ diễnviên mới toanh: Minh Phương, Ngọc Ánh và Thu Thảo.
“Nữ sinh” là bộ phim đầu tiên Quang Vinh tham gia.
Hoàng Gia là thầy giáo trẻ mới ra trường, được bổ nhiệm về dạy môn Văn đồng thời làm giáo viên chủ nhiệm của lớp 11C. Trước khi đi dạy chính thức, thầy Gia thường ngồi ở quán cà phê gần trường, không ngờ ba cô nữ sinh Xuyến, Thục , Cúc Hương phát hiện ra “ anh chàng” đẹp trai, hiền lành này nên đã ra tay chọc ghẹo. Sau đó họ trở nên thân thiết với nhau.
Một bạn nam cùng lớp với “tam cô nương” vì ghen tỵ với “chàng trai” nên đã dằn mặt bằng cách quăng đá làm “chàng trai” bị thương ở đầu. Cũng nhờ sự kiện này mà tất cả mới hay Hoàng Gia chính là giáo viên sắp về trường mình dạy. Từ đó, xảy ra rất nhiều câu chuyện thú vị giữa thầy giáo trẻ đẹp trai và những cô nữ sinh đáng yêu.
Hình ảnh thầy giáo trẻ lãng tử trong phim.
Phạm Tiến Lộc
“Chạm tay vào nỗi nhớ” kể vể quá trình rèn luyện, học tập của một nhóm sinh viên năm thứ nhất của Học viện cảnh sát. Trong đó, Quân (Saetti Baggi đóng) là một công tử ngang ngược, có cá tính rất mạnh. Quân cậy bố làm cục trưởng nên không coi ai ra gì. Bố mẹ Quân không trị được cậu con trai ngỗ ngược nên nhờ đến sự giúp đỡ của các thầy Minh -giáo viên chủ nhiệm lớp(Phạm Tiến Lộc đóng).
Phạm Tiến Lộc vào vai thầy chủ nhiệm trẻ rất nghiêm khắc.
Thầy Minh cũng đã từng trải qua thời tuổi trẻ xốc nổi và có một điểm rất giống Quân là tình yêu với nghề cảnh sát. Cùng với các bộ lớp, thầy Minh đã giúp Quân lấy lại được niềm tin và có cơ hội thể hiện khí chất, bản lĩnh của mình. Trong quá trình giảng giạy, cùng với các học trò, thầy Minh còn phá được một đường dây tội phạm lớn.
Trong phim, hình ảnh người thầy được xây dựng với vẻ ngoài nghiêm khắc, lạnh lùng nhưng lại vô cùng gần gũi, thấu hiểu tâm lý, hoàn cảnh của học trò. Thầy còn là người truyền lửa giúp các học sinh quyết tâm trở thành những chiến sỹ cảnh sát nhân dân mẫu mực.
Người thầy truyền lửa nhiệt huyết cho các học sinh.
Mạnh Hùng
“Trường nội trú” là bộ phim xoay quanh nhiều vấn đề tại lớp học và những sinh hoạt nội trú của những học sinh lớp 12A.
Giáo viên chủ nhiệm lớp là thầy giáo Tường (Mạnh Hùng). Lúc đầu khi mới vào dạy, thầy bị một nhóm học sinh siêu quậy có biệt danh "nhóm lục quái" bày đủ trò để chọc phá. Rắc rối nhất là có những nữ sinh “sáng nắng chiều mưa” vì lỡ có tình cảm với thầy.
Mạnh Hùng (bên trái) vào vai thầy Tường trong phim “Trường nội trú”.
Tuy học sinh của mình nhiều lần quậy phá, gây rắc rối nhưng thầy Tường luôn dùng những biện pháp mềm mỏng nhất, tuyệt đối không bao giờ đánh các em. Với biện pháp “lạt mềm buộc chặt”, thầy nhận được sự kính nể và yêu quý của cả lớp, nhóm “lục quái” dần dần bị “thu phục”.
Thầy giáo được tất cả học trò yêu quý và kính nể.
Theo 2Sao.vn