Không quá lời nếu bảo rằng chính Lục Tiểu Linh Đồng đã tạo nên một Tôn Ngộ Không "nên vóc nên hình" trên màn ảnh cũng như trong trí ức của nhiều thế hệ trẻ em. Nhắc đến nhân vật này là người ta nghĩ ngay đến ông, nên dù đã có nhiều diễn viên khác tái diễn nhưng Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng như bức trường thành sừng sững, không ai có thể đạp đổ.
Không phải là người đầu tiên thể hiện vai Bao Công, song hình ảnh một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình” qua nhân dáng của Kim Siêu Quần đã được khán giả công nhận là kinh điển.
Lần lượt có đến 2 diễn viên là Huỳnh Dịch và Lý Thạnh diễn lại vai Tiểu Yến Tử, nhưng trái tim của hàng triệu triệu khán giả say mê câu chuyện nàng công chúa dân gian trong series phim Hoàn Châu cách cách chỉ có Triệu Vy để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Vì cô là người đầu tiên "khai sinh" hình ảnh Tiểu Yến Tử, đồng thời đã thể hiện quá xuất sắc nhân vật này.
Trước Lý Nhược Đồng, đã có nhiều thế hệ nữ diễn viên đàn chị khác được đánh giá cao khi đảm nhận vai Tiểu Long Nữ, đáng chú ý nhất là Trần Ngọc Liên. Tuy nhiên, vẻ đẹp liêu trai, vóc dáng mảnh mai như "tiên giáng trần" của cô đã xây dựng hình ảnh một thiếu nữ quốc sắc thiên hương, chỉ cần nhìn qua là mê là đắm trong bản dựng Thần điêu đại hiệp 2006. Có lẽ vì vậy mà việc nữ diễn viên Đài Loan Trần Nghiên Hy kém xinh, kém duyên được giao tái hiện vai này đã bị dư luận "ném đá" dữ dội.
Lâm Đại Ngọc - một trong 3 nhân vật nữ chính trong truyện Hồng Lâu mộng, người được miêu tả như "cây thiêng giáng trần" đã từ lâu được gắn liền với hình ảnh, tên tuổi của nữ diễn viên Trần Hiểu Húc. Chính cái chết trẻ của Trần Hiểu Húc đã khiến cho vai diễn này trở thành kinh điển, khó có ai làm lu mờ.
Cũng giống như Trần Hiểu Húc, việc qua đời khi tuổi đời vừa bước sang 30 của Ông Mỹ Linh như chất keo dính đặc biệt tạo nên "bức tượng đài" Hoàng Dung bền vững mãi mãi trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả yêu thích bộ phim TVB Anh hùng xạ điêu (1983). Vì vậy, những Hoàng Dung sau này qua diễn xuất của Chu Ân, Châu Tấn hay Lâm Y Thần đều chấp nhận làm cái bóng lặng lẽ.
Rất nhiều lần được đưa lên màn ảnh, song chỉ đến khi xuất hiện qua nhân dáng của Triệu Nhã Chi trong bộ phim Tân Bạch Nương Tử truyền kỳ, nàng Bạch Xà mới thật sự có "tuổi thọ". Không chỉ là "rào chắn" khiến nhiều diễn viên đàn em không thể vượt qua, thành công của nhân vật Bạch Xà cũng đã xóa đi những vai diễn ấn tượng khác trước đó của chính Triệu Nhã Chi.
Trong rất nhiều phiên bản Sở Lưu Hương, nhân vật do Trịnh Thiếu Thu thể hiện tạo được dấu ấn mạnh mẽ nhất. Ngoại hình, khí chất của ngôi sao TVB này đã làm sống động hình ảnh một Sở Lưu Hương đào hoa, người đàn ông trong mơ tưởng của các phụ nữ, một đạo soái (ăn trộm đẹp trai) phong lưu, thích mạo hiểm, thich hưởng thụ, thích cấp thời hành lạc, không bị danh lợi bó buộc, chỉ làm những gì mình thích. Bởi vậy, ngoài đời mọi người đã đặt cho ông biệt danh "Hương soái".
Gia Cát Lượng - nhà chính trị gia, nhà quân sự, học giả và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật trong thời Tam Quốc từ trang sách đã thẳng tiến lên phim bằng hình ảnh khó phai của nam nghệ sĩ Đường Quốc Cường. Sau này, dù có nhiều diễn viên khác tái hiện nhân vật lịch sử nổi tiếng này nhưng không ai thành công như Đường Quốc Cường.
Nhân vật "ái nam ái nữ" Đông Phương Bất Bại có mặt trong khá nhiều bản dựngTiếu ngạo giang hồ, song do chỉ là vai thứ nên hình ảnh mờ nhạt. Mãi đến khi đạo diễn Từ Khắc đưa lên vai chính trong bộ phim điện ảnh Đông Phương Bất Bại thì người ta mới giật mình vì không ngờ nhân vật này lại có sức công phá mạnh mẽ. Thành công ấy thuộc về công của mỹ nhân Lâm Thanh Hà, cô đã xây dựng một Đông Phương Bất Bại… bất bại trước bất cứ diễn viên nào.
Theo Tri Thức