Đêm chung kết cuộc thi Sao Mai 2017 vừa mới kết thúc cách đây không lâu, phần giải thưởng ở 3 phong cách Thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng khán giả và người yêu nhạc. Điều khá thú vị và ấn tượng khi người đoạt giải thưởng năm nay đều là nữ.
Đặc biệt với phong cách thính phòng, cô gái đến từ Thái Nguyên - Lê Nhung đạt giải nhì khiến khán giả sửng sốt với dáng người mảnh khánh, nhỏ bé nhưng lại sở hữu chất giọng cao vút, có đủ thể lực để đắm mình trong ca khúc "Vũ khúc balle Mùa Xuân" - một ca khúc khó nhất đêm chung kết Sao Mai từ trước tới nay đối với những thí sinh nữ.
Chào Lê Nhung! Cuộc sống của bạn có thay đổi nhiều sau khi giành giải Nhì dòng nhạc Thính phòng của cuộc thi Sao Mai?
- Tôi là ca sĩ thuộc biên chế của Đoàn Văn công Biên phòng nên sau cuộc thi trở về với đơn vị, tôi vẫn tiếp tục công việc của mình. Tất nhiên, với thành tích đạt được ở mùa Sao Mai năm nay, tuy không phải là giải cao nhất nhưng đó cũng là sự khích lệ và động viên rất lớn, mang đến niềm vui không chỉ riêng tôi mà cả đơn vị cũng vui lây. Ngay sau đó, tôi nhận được Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đó là những phần thưởng rất lớn với tôi.
Hoạt động biểu diễn của bạn có khác trước, ví dụ như tiền cát-xê cao hơn chẳng hạn?
- Tôi nhận được nhiều lời mời biểu diễn hơn, tuy nhiên, cá nhân tôi rất ý thức được công việc của mình. Mặc dù cơ quan rất hỗ trợ và thoải mái với các nghệ sĩ trong việc biểu diễn nhưng chúng tôi vẫn luôn biết rằng, công việc của đoàn là ưu tiên hàng đầu. Còn thù lao ư, cũng tùy từng chương trình người ca sĩ sẽ được trả mức khác nhau.
Cô là ca sĩ trẻ nhất được vào biên chế của Đoàn Văn công Biên phòng
Được biết, các thí sinh Sao Mai phải đầu tư rất nhiều, thậm chí có người bỏ tiền tỷ để đầu tư các chặng thi của Sao Mai, từ việc phối khí, làm nhạc, thiết kế trang phục… Có người cho rằng, nếu thí sinh không có "mạnh thường quân" khó mà theo đuổi chặng đường dài ở Sao Mai, bạn nói gì về nhận định này?
- Đúng là có nhiều thí sinh có điều kiện kinh tế, sẵn sàng chi nhiều tiền để có được hình ảnh đẹp nhất trên sân khấu, riêng một bộ trang phục thôi cũng hàng chục triệu đồng. Việc dàn dựng, làm nhạc, phối khí cũng đầu tư kỹ lưỡng và tốn kém. Tôi may mắn được đơn vị hỗ trợ toàn bộ việc làm nhạc, phối khí nên các chi phí để đầu tư cho cuộc thi cũng nhẹ nhàng, chưa đến 100 triệu đồng.
Cũng nghe phong thanh nhiều chuyện hậu trường sau các cuộc thi, chẳng hạn chuyện các Quán quân, Á quân của các cuộc thi hát thường hay bị cám dỗ vì được những "đại gia" để mắt. Thực hư việc này thế nào?
- Những ca sĩ ở dòng dân gian hay nhận được sự ưu ái của công chúng hơn vì có lẽ dòng nhạc dân gian với sự mềm mại, nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người. Dòng nhạc Thính phòng với đặc trưng nặng về học thuật thô cứng sẽ khó được người nghe đồng cảm ngay. Còn về việc "đại gia" để mắt ư, chuyện đó đúng với một vài cá nhân và đó cũng là chuyện bình thường của cuộc sống. Mọi người cứ nghe chữ “đại gia” là nghĩ đến điều gì đó khủng khiếp, nhưng nếu nhìn ở góc độ là một mạnh thường quân nào đó vì say mê giọng hát của ca sĩ mà hào hiệp giúp đỡ giọng hát ấy được bay cao hơn thì sẽ thấy bình thường. Với cá nhân tôi, đến thời điểm này, tôi vẫn đi bằng thực lực và sự cố gắng của mình.
Sau cuộc thi, Lê Thị Nhung được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao tặng Bằng khen
Như bạn chia sẻ, dòng nhạc Thính phòng có sự khó khăn riêng do đặc thù dòng nhạc nặng về học thuật, ngay cả ở đêm thi chung kết, bạn cũng lựa chọn một Aria "đặc" chất thính phòng khiến phần đông khán giả khó tiếp nhận. Bạn tính toán con đường đi sau này thế nào, sẽ đậm tính cổ điển hay mềm hóa, trữ tình như nhiều ca sĩ khác đang lựa chọn?
- Đây cũng là câu hỏi tôi tự chất vấn mình nhiều năm qua. Khi thi Sao Mai, tôi muốn giám khảo và khán giả nhìn nhận được kỹ thuật mà tôi đang có, vì thế tôi đã chọn một Aria "Glitler and be gay" rất khó để biểu diễn. Còn trong hoạt động nghệ thuật tôi đang hướng đến sự trữ tình, mềm mại hơn, theo dòng nhạc bán cổ điển. Từ nhỏ tôi thần tượng chị Anh Thơ, khi theo học âm nhạc chuyên nghiệp tôi được các cô giáo Hà Phạm Thăng Long, NSND Thanh Xuân hướng dẫn nên học được các thầy cô những kỹ thuật và kinh nghiệm biểu diễn. Sắp tới, tôi sẽ cho ra mắt MV cá nhân theo dòng bán cổ điển. Trong tương lai, tôi muốn trở thành một giáo viên thanh nhạc. Nhân đây, tôi cũng muốn gửi lời cám ơn tri ân sâu sắc tới các thầy cô tại trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc đã đặt nền móng cho sự nghiệp của Lê Nhung ngày hôm nay.
Cám ơn Lê Nhung về cuộc trò chuyện!
Ca sĩ Lê Nhung sinh năm 1991. Tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân Đội. Công tác tại đoàn văn công bộ đội biên phòng. Tháng 11/2016 giành huy chương bạc Tài năng trẻ âm nhạc toàn quốc. Tháng 6/2017 giành giải nhất Tiếng hát truyền hình Hải Phòng, Hải phòng Sao Mai. Tháng 8/2017 giải nhất Sao Mai khu vực miền Bắc - dòng Thính phòng. Tháng 10/2017 giành giải nhì Sao Mai toàn quốc - dòng Thính phòng. |
Hoàng Mai (Theo Giadinhvietnam.com)