Trong status mới nhất của mình, đạo diễn Quang Huy đã đặt ra câu hỏi mà bản thân anh cũng như nhiều nhà sản xuất, đạo diễn... trăn trở trong suốt thời gian qua: "Các nghệ sĩ Việt Nam bây giờ đã có thể tự mình làm được nhiều thứ, vai trò của producer/manager (nhà sản xuất, quản lý) bây giờ như thế nào?".
Từ câu hỏi này, Quang Huy cũng chỉ ra thực tế, ở những nền công nghiệp giải trí phát triển (US, UK, Korea, HongKong) producer vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Anh cũng chia sẻ quan điểm rằng, ngày nào một nghệ sĩ có thể tự mình làm hết tất cả, ngày đó nền giải trí của chúng ta chưa thể gọi là phát triển được. Bởi có thể việc tự mình làm hết được cho là giỏi nhưng nó cũng cho thấy thị trường giải trí (mà anh ẩn dụ là "game") còn quá đơn giản nên mô hình nhỏ lẻ mới sống tốt. Và mô hình công ty quản lý ở Việt Nam không phát triển nhiều cũng vì "game" còn nhỏ, người chơi nhỏ hoặc hình thức ca sĩ solo dễ tồn tại hơn.
"Họ chỉ cần 1 bài hit, 1 cái MV, cho lên internet, xong, thậm chí không cần cả debut (ra mắt). Nếu thắng thì tốt, thua thì từ từ, làm tiếp cái nữa sau. Flop (ám chỉ nhóm nhạc có danh tiếng bị tuột dốc), không hề có khái niệm ở Việt Nam. Vì, quanh đi quẩn lại ngần ấy gương mặt, kiểu gì khách hàng cũng cần. Việc một ngôi sao ở Việt Nam bị flop vài dự án vẫn không bị mất giá là chuyện bình thường.
Vậy, họ cần một producer/manager để làm gì? Đúng, có thể họ không cần. Nhưng ngành giải trí thì cần. Vì việc tạo lên một chiến lược đường dài chưa bao giờ là công việc của nghệ sĩ, đó là việc của producer/manager. Một nền công nghiệp giải trí không thể phát triển với lèo tèo một vài ngôi sao mà không có một chiến lược phát triển dài hạn. Mà nó cần có những nhà lớn xuất hiện, quậy phá, và cho ra lò những dự án mang tầm chiến lược, tạo nên một giải đấu lớn chứ không phải chỉ là vài MV, vài dự án nhỏ lẻ như những bàn thắng trong các trận cầu nhỏ" - đạo diễn Quang Huy nhận định.
Bên cạnh đó, Quang Huy cũng không giấu ý định vẫn có thể làm về nghệ sĩ, bên cạnh việc làm phim và quảng cáo. Mặc dù bản thân anh cũng nhìn ra Việt Nam chưa có luật pháp bảo vệ nhà sản xuất giải trí, không có hiệp hội nhà nghề như Mỹ, không có sự bảo hộ và liên kết chặt giữa các nhà lớn với nhau như Hàn Quốc nên đầu tư vào con người, đặc biệt là nghệ sĩ rủi ro sẽ cao hơn họ rất nhiều.
"Tuy nhiên, càng rủi ro thì càng cần phải tiếp tục làm. Vì nếu các producer/manager không tiếp tục làm, thì mãi mãi chúng ta chẳng bao giờ có cái gọi là nền công nghiệp giải trí. Buồn, tổn thương, chỉ là khái niệm của một cá nhân, tự cá nhân phải dẹp bỏ. Nếu nhà sản xuất nào cũng thấy khó, bỏ qua nghề khác kiếm tiền dễ hơn thì mãi mãi ở Việt Nam sẽ chỉ có những nghệ sĩ nhỏ lẻ bằng lòng với những thành công nhỏ nhoi mà với họ nó đã rất to lớn rồi. Những thành công đó chỉ lớn với những cá nhân người nghệ sĩ đó, nhưng lại quá nhỏ bé với một nền công nghiệp. Chúng ta có nhiều nghệ sĩ có siêu xe, siêu nhà, siêu quần áo, nhưng lại quá thiếu những siêu dự án. Và con số không bao giờ biết nói dối: tổng doanh thu của toàn bộ talent (tài năng) Việt Nam không bằng doanh thu của một công ty công nghệ hoặc nhiều ngành nghề khác. Ai sẽ có những đóng góp chiến lược, đầu tư, phát triển cho công nghiệp giải trí nếu không phải là producer?", anh chia sẻ.
Lam Khánh (Theo nld.com.vn)