Từ câu chuyện X-Factor 2016
Sau đêm liveshow thứ 4 của X-Factor 2016, giám khảo Tùng Dương bị dân tình ném "gạch đá" vì tỏ ra nghiêm khắc với thí sinh 16 tuổi Minh Như khi nhắc nhở cô bé cần lắng nghe những lời góp ý thẳng thắn.
Nhiều người cho rằng, với thí sinh nhỏ tuổi thì nên bao dung, khích lệ hơn.
Nhưng hậu quả của sự khích lệ quá đà đó là, Minh Như cuồng phô diễn giọng hát liên tục trong khi chưa vững vàng kĩ thuật, dẫn tới tổn hại thanh quản, có nguy cơ ảnh hưởng giọng hát lâu dài.
Minh Như
Những lời khen tới tấp từ phía khán giả càng khiến Minh Như tưởng rằng hát như vậy là hay, để ngày một ham mê khoe giọng, đánh mất thẩm mỹ, tư duy âm nhạc, đánh mất đi tài năng bẩm sinh của mình.
Khán giả thường vì chữ "nhỏ tuổi" mà đánh giá dễ dãi, dẫn tới sự thiếu định hướng cho các em.
Đến câu chuyện của những ca sĩ trẻ, ca sĩ nhí
Khán giả hiện nay rất sính ca sĩ nhí, ca sĩ nhỏ tuổi. Những chương trình như The Voice Nhí, Vietnam Idol nhí, Gương mặt thân quen Nhí… chiếm lượt view rất cao. Các ca sĩ nhí thì luôn được khán giả yêu quý, nên thành ra dễ dãi, chỉ cần biết hát là được.
Trong một cuộc thi âm nhạc thì những thí sinh ít tuổi mà hát hay bao giờ cũng nổi bật, được yêu thích hơn, đồng nghĩa với việc dễ dãi trong đánh giá hơn, vì đã có chữ "nhỏ tuổi" làm bùa hộ mệnh. Khán giả tự cởi bỏ thẩm mỹ âm nhạc của mình để tung hô các ca sĩ nhí.
Rất nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí mở ra
Khi có ý kiến trái chiều, lập tức người ta sẽ đáp lại bằng một câu quen thuộc: "Còn nhỏ mà hát được như thế là hay lắm rồi".
Chính thói bao biện trong chữ "còn nhỏ" đã cho thấy sự dễ dãi của khán giả và tạo hào quang ảo xung quanh các ca sĩ trẻ này, khiến các em ngộ nhận về tài năng của mình.
Hậu quả của việc ngộ nhận này là, các ca sĩ trẻ sau khi thi xong sẽ lao vào chạy show, tìm kiếm sự nổi tiếng, tiền bạc mà quên đi việc rèn luyện tài năng, chuẩn bị hành trang cho tương lai.
Nhìn từ thế giới
Các diva lớn như Whitney Houston, Celine Dion, Mariah Carey, Beverly Sills… lúc nhỏ hát rất hay. Nhưng, chẳng ai trong số họ được tung hô quá đà rồi lao vào showbiz để khoe giọng hết tốc lực cả.
Tất cả họ đều phải rèn luyện thầm lặng trong hàng chục năm trời mới được phép bước lên sân khấu, khi giọng hát lẫn nhận thức trưởng thành.
Maria Callas, hay Hà Trần đều trải qua thời niên thiếu rèn luyện khổ cực đến phát ngất với hàng chục tiếng luyện thanh một ngày. Và họ chấp nhận điều đó chứ không chạy ngay lên sân khấu khi vừa biết hát.
Giọng nữ cao kịch tính vĩ đại Birgit Nilsson mãi tới năm 29 tuổi mới thành công với vở opera Macbeth. Nhưng ngay sau đó bà rời sân khấu, quay trở lại trường học để trau dồi thêm.
Huyền thoại Birgit Nilsson
Hai giọng nữ cao opera kinh điển thế kỉ 20 là Beverly Sills và Mirella Freni đều chiến thắng các cuộc thi khi mới 10 tuổi.
Nhưng họ đều được khuyên bảo và đào tạo để giọng hát có cơ hội phát triển tự nhiên, đầy đủ nhất trước khi bước ra sân khấu.
Trong khi đó, rất nhiều ca sĩ nhí hát opera "giả cầy" trong các cuộc thi lớn, được tung hô ngập trời nhưng mất hút khi trường thành, để cho những ca sĩ có sự chuẩn bị lâu hơn vượt mặt.
Charice nổi tiếng khi còn rất bé với giọng hát già dặn. Cô bé được tung hô ngập trời, được mời đi diễn khắp thế giới. Khi ấy, người ta còn gọi Charice là diva, sẽ soán ngôi Whitney Houston, Mariah Carey, Celine Dion.
Charice
Hào quang ảo ấy khiến Charice lao vào chạy show, gồng gánh giọng hát cho ra dáng diva như khán giả tung hô, nhưng chưa hề nắm vững kỹ thuật hát.
Thanh quản còn chưa phát triển hết nhưng lại bị vắt kiệt bởi guồng quay showbiz. Để rồi bây giờ, Charice mất giọng khi vẫn còn trẻ, danh tiếng giảm sút, tư duy âm nhạc không thay đổi được, loay hoay trong sự nghiệp.
Trong khi đó, SoHyang trải qua tới 20 năm vô danh và chỉ bắt đầu có chút danh tiếng khi đã 34 tuổi. Suốt 20 năm đó, SoHyang đã tự rèn luyện kĩ thuật bền bỉ, để đến bây giờ, cô trở thành một trong những ca sĩ hiếm hoi có giọng hát và kĩ thuật bậc nhất châu Á.
Nhìn về Việt Nam
Hương Tràm, nổi tiếng và được tung hô rầm rộ chỉ sau 1 đêm thi The Voice với giọng hát trời phú khi mới có 17 tuổi.
Nhiều khán giả Việt khi đó còn lên tận kênh Youtube của Whitney Houston để ngợi ca Hương Tràm không kém gì Whitney. Nhưng rồi bây giờ, Hương Tràm ngày càng đi xuống về kĩ thuật.
Hương Tràm
Ngược lại, Thu Minh tuy cũng được giải cao từ năm 16 tuổi, nhưng lận đận suốt mười mấy năm trời và chẳng có ai tung hô. Trong thời gian đó, cô tự rèn luyện giọng hát để bây giờ trở thành một trong những nữ ca sĩ có kĩ thuật hàng đầu Vpop.
Thu Minh
Phương Mỹ Chi bước ra từ cuộc thi The Voice Nhí liên tục chạy show, bị vắt kiệt trong guồng quay showbiz. Khi mà đáng lẽ cô bé phải được học hành, đào tạo để phát triển.
Phương Mỹ Chi
Ở Việt Nam, hầu hết các tài năng nhí được tung hô quá đà đều bị con dao hai lưỡi của showbiz chặt mất đôi cánh.
Nhận định đúng đắn từ giới chuyên môn
Về chuyện tung hô các tài năng trẻ, nhà nghiên cứu âm nhạc - Tiến sĩ Glenn Winters đã từng chia sẻ:
"Đứa trẻ ấy sẽ bắt đầu quen với việc dù ở đâu cũng là người biểu diễn thành công nhất. Các em được nghe những lời nịnh nọt.
Nhưng chính điều đó lại dẫn đến một vấn đề: Khi những nghệ sĩ nhí ấy tiếp tục học chuyên sâu về nhạc cụ, chúng thường thỏa mãn với việc chơi 80% hoàn hảo chỉ với 40% cố gắng.
Và rồi chúng bị vượt mặt bởi những sinh viên kém tài năng hơn nhưng lại chơi được 95% hoàn hảo với 110% cố gắng".
Tùng Dương
Ở Việt Nam, ca sĩ Tùng Dương đã đưa ra một quan điểm nghiêm khắc rằng:
"Con người luôn phải có sự nỗ lực và khắt khe, khắc nghiệt với chính mình. Sự dung dưỡng, tặc lưỡi sẽ làm cho người nghệ sĩ sớm tự mãn và giết chết chính mình...".
Quan điểm trên chắc chắn sẽ bị gạch đá vô số, rằng sẽ khiến thí sinh suy sụp, không mang tính khích lệ… Nhưng, với nghệ thuật đích thực, chỉ nghiêm khắc với bản thân và tự cho mình sự khắc nghiệt mới có thể thành công lâu dài.
Dễ dãi chỉ có thể ăn sổi ngày một ngày hai mà thôi. Các tài năng nhí cần có sự chỉ bảo tận tình về nghề nghiệp trước khi ánh hào quang chiếm lấy bản thân các em.
Theo Ttvn.vn