Cuốn thứ nhất: Trịnh Công Sơn - Tôi là ai? Là ai..., nhiều tác giả, dày 500 trang, tập hợp các bài viết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có bài chưa công bố và bài viết của nhiều tác giả trong và ngoài nước, với tranh ảnh, tư liệu mới về Trịnh Công Sơn. Sách do nhà thơ Nguyễn Duy và nhà báo Nguyễn Trọng Chức cùng gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức sưu tầm và hoàn thành bản thảo.
Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Cuốn thứ hai: Trịnh Công Sơn - Ngôn ngữ và ám ảnh nghệ thuật của Bùi Vĩnh Phúc, 250 trang, tập trung nghiên cứu về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Đây là chuyên luận cho thấy Trịnh Công Sơn không những là một nhạc sĩ, mà còn là nhà sáng tạo ngôn ngữ và là “một thi sĩ qua những ca từ ông đã cất giấu, hé lộ, bật mở, nâng đỡ những hình ảnh ông đã nhìn thấy và làm cho chúng cất cánh bay lên”.
Cuốn thứ ba chắc chắn sẽ là cuốn sách gây chú ý nhiều nhất: Thư tình gửi một người, 250 trang, theo NXB Trẻ sách gồm “hàng trăm bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi một người, được người đó lưu giữ cẩn thận trong nhiều chục năm qua và mới đây đã dành tặng lại cho gia đình nhạc sĩ để công bố rộng rãi. Thông qua những lá thư, người đọc sẽ hiểu được những lo âu, dằn vặt triền miên về kiếp người, về lòng tin và những điều tốt đẹp đang bị mai một dần trong cõi nhân gian. Bên cạnh gia tài đồ sộ về âm nhạc, đây có thể được xem là một áng văn chương ấn tượng trong đời hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ”.
Theo nhiều tác giả, các tình khúc của Trịnh Công Sơn thấp thoáng đây đó tên của những người tình đi qua đời ông. Chẳng hạn Diễm (trong Diễm xưa), Nguyệt (trong Nguyệt ca), hoặc Quỳnh trong “Quỳnh thơm hay môi em thơm”. Còn Thư tình gửi một người - là “người” nào? Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, nói “xin được giữ bí mật” và hẹn sẽ giải đáp chi tiết trong một ngày gần đây. Tất cả các cuốn sách trên sẽ phát hành cuối tháng 3.2011 này.
Thanh Niên