Thật ra cũng khó trách các CLB như HN.T&T hay SLNA chỉ vì họ đã coi sân chơi châu lục như là bãi tập trận, bởi bản thân VFF cũng đã làm như thế, mà ví dụ gần nhất là ở VCK Asian Cup nữ năm ngoái.
Còn nhớ, khi ấy VFF đã cử tới giải một thành phần mà các nhà chuyên môn phải nhận xét là: “Đội hình này đá ở SEA Games còn chẳng có cơ hội, nói gì tới VCK Asian Cup”, và kết quả cuối cùng đúng như dự liệu trước giờ lên đường, khi ĐT nữ VN có thành tích theo kiểu phú quý giật lùi, với việc thua Australia 0-2 ở trận ra quân, và sau đó bại trận 2 lần liên tiếp trước Trung Quốc và Hàn Quốc cùng với tỷ số 0-5.
Không ai ngạc nhiên vì điều này, bởi trước ngày lên đường dự giải, VFF đã tuyên bố VCK Asian Cup nữ năm 2010 chỉ được xem là cơ hội cho ĐT nữ VN cọ xát chuẩn bị cho SEA Games 26 năm 2011. Trên thế giới này, có lẽ chỉ có ở bóng đá Việt Nam mới tồn tại kiểu tư duy dùng sân chơi châu lục để rèn giũa cho đấu trường khu vực.
Bởi vậy, trước khi trách móc các CLB làm mất thể diện bóng đá Việt Nam bằng những kết quả kém cỏi ở sân chơi châu lục, thì các nhà điều hành nền bóng đá nước nhà cũng nên tự hỏi họ đã làm gì để các đội bóng lấy đó làm gương mà nhìn vào?
Khó trách các CLB như HN.T&T (trái) hay SLNA chỉ vì họ đã coi sân chơi châu lục như là bãi tập trận - Ảnh: D.A
Ngay cả cách đặt mục tiêu của VFF ở vòng loại Olympic London 2012 và vòng loại World Cup 2014 tới đây cũng vậy, người ta cũng chỉ nói là cố gắng lọt vào càng sâu càng tốt vì bộ mặt của bóng đá Việt Nam, chứ chẳng dám xác định mục tiêu cụ thể, rằng chúng ta sẽ phấn đấu vượt qua vòng loại thứ nhất, thứ hai hay thứ ba.
Tất nhiên, với thực lực hiện có của bóng đá Việt Nam, việc cạnh tranh sòng phẳng ở sân chơi châu lục vẫn là nhiệm vụ bất khả thi. Trước Việt Nam thì Thái Lan rồi Singapore cũng đã từng nêu chỉ tiêu vươn lên tầm châu Á, và dù vẫn chưa một lần thành công, nhưng lần xuất ngoại nào các đại diện của bóng đá Thái Lan và Singapore cũng đều đá hết mình và họ cũng được LĐBĐ QG hỗ trợ hết mình vì mục tiêu đó, còn chúng ta, sự hỗ trợ lớn nhất mà các CLB nhận được chỉ là việc điều chỉnh lịch thi đấu hoặc một khoản kinh phí nhỏ cho những đội bóng quá khó khăn mà thôi.
V-League lâu nay vẫn được coi là giải đấu số một Đông Nam Á, nhưng xét về độ máu mê so với đấu trường quốc tế thì chúng ta còn kém xa so với Thai-League. Chỉ sau 2 năm không được tham dự AFC Champions League, Muang Thong United lập tức đã bỏ tiền tấn đưa về HLV Calisto với phục vụ mục tiêu chinh phục sân chơi châu lục, còn với V-League, sau B.BD năm 2009 thì bây giờ chẳng có bất cứ đội bóng nào dám nêu ra chỉ tiêu vươn khỏi ao làng Đông Nam Á, và để xảy ra tình trạng như thế thì không phải là trách nhiệm của riêng các CLB.
Thể thao & Văn hóa Online