“Quân thua thì chém tướng” lẽ thường là thế. Việc một số đội bóng đã, hoặc đang rục rịch thay thế các nhân vật ở tầm quản lý cũng là để nhằm tìm một ai đó phải chịu trách nhiệm, đồng thời hy vọng vào sự mát tay của người mới.
1. Sau Becamex Bình Dương, đến lượt Vicem Hải Phòng tiến hành cuộc cách mạng ở cấp thượng tầng. Chủ tịch CLB Bùi Văn Thịnh đã phải rời khỏi cương vị. Đây là lần thứ hai ông Thịnh “giữa đường đứt gánh”, lần trước là ở cương vị GĐĐH. Thay thế ông Thịnh là ông Trần Duy Sơn - đương kim giám đốc Công ty Xi măng Hải Phòng, nhân vật có tiếng nói quyết định ở đội bóng kể từ khi bầu Thành thăng chức.
Việc thay ông Thịnh không khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi dấu ấn của vị chủ tịch này quá mờ nhạt. Và việc ông Trần Duy Sơn chính danh cũng là cách để thể hiện trách nhiệm với bóng đá đất Cảng. Bấy lâu, người Hải Phòng vẫn chưa thực sự tin ông Sơn sẽ sống chết với đội bóng của mình (ông Sơn người Nghệ An). Người đàn ông này khá kín tiếng và không tỏ ra chịu chơi như cựu chủ tịch Lê Văn Thành.
2. Dư luận Hải Phòng đang rộ lên tin đồn vị GĐĐH trẻ tuổi Trần Đình Hùng cũng có thể nối gót cựu chủ tịch Bùi Văn Thịnh. Ai cũng hiểu, cái ghế ông Hùng ngồi vô cùng nóng. Lâu nay, nhiều người nhìn vào đó với con mắt thèm thuồng, bởi người ta tin rằng, ngồi ở đó rất… ấm. Thế mới có chuyện, lãnh đạo luôn phải nghe những tin rất khác nhau về nội bộ của đội bóng. Thay vì đồng lòng vượt khó, một số thành viên cốt cán ở đội bóng luôn ở trạng thái phòng thủ triệt để và cảnh giác với “đòn thù”.
Lại nói về GĐĐH Trần Đình Hùng. Dù trẻ tuổi nhưng ông Hùng có biệt tài cố kết lòng người. Các cầu thủ nổi tiếng là cá tính của Hải Phòng cũng rất nể nhân vật này. Đặc biệt là HLV Vương Tiến Dũng, người đã “nói không” với lời mời từ Hải Phòng nhưng rồi đã bị thuyết phục bởi sự nhiệt tình của GĐĐH Trần Đình Hùng. Thế nhưng, một mình ông Hùng chỉ như cánh én nhỏ giữa bầu trời bao la. Nói cho cùng, V.HP cần sự nỗ lực của cả một tập thể, của một chính sách táo bạo và nhất quán, mà điều này thì không hề có kể từ khi bầu Thành rời đội bóng.
3. Người ta bảo, ông Thịnh phải nhường ghế vì không gần các cầu thủ, thiếu những quyết định nhằm duy trì sự ổn định của đội bóng. Nói vậy cũng có nghĩa là sự kỳ vọng vào ông Trần Duy Sơn rất lớn. Nếu ông Sơn chỉ nhận cương vị chủ tịch cho có mà thiếu sự hiện diện thường xuyên ở đội bóng cùng những quyết định hợp lòng người thì việc thay đổi vừa qua cũng chỉ là “đánh bùn sang ao”.
V.HP đã thay tướng. Nhưng vấn đề cần thiết nhất lúc này không chỉ là sự mát tay của người mới. Điều mà đội bóng cần chính là “tân quan, tân chính sách”. Bởi nói cho cùng, ông Thịnh, ông Hùng hay bất cứ ai khác ở bộ phận điều hành đội bóng cũng phải thực thi các chính sách từ Công ty Xi măng Hải Phòng như bấy lâu. Và một khi cái “vòng Kim cô” không được phá bỏ thì đừng mong tìm sự đột phá cho đội bóng, dù người cầm đội bóng là ai.
Việc thay đổi nhân sự chỉ mang tính hình thức, không thể giải quyết triệt để những bài toán ở V.HP nếu thiếu những giải pháp đồng bộ và táo bạo. Hay nói cách khác, đội bóng đất Cảng cần sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố, công ty Xi măng Hải Phòng và cả Tập đoàn Xi măng Việt Nam.
BongdaPlus