Qua các thời kỳ M.U luôn có các thủ lĩnh trên sân để động viên đồng đội ở thời điểm khó khăn nhất.
Một trong những lý do M.U bị ghét được các anti (tạm dịch: chống lại) M.U đồng tình hơn cả chính là vì họ cho rằng M.U luôn ăn may. “M.U Rùa” là một biệt danh mới mà các fan bóng đá Việt Nam đặt cho M.U. Đó là một hiện tượng khá “tâm linh” mà những người hâm mộ bóng đá trên thế giới hoàn toàn không thể hiểu nỗi dù rất “cú”.
Có vẻ như từ năm 1999, năm M.U thành công vang dội với cú ăn trong đó có cú ngược dòng quái lạ trước Bayern Munich để đoạt cúp C1, Quỷ Đỏ đã “ký hợp đồng” dài hạn với vị thần may mắn và hợp đồng đó đến nay vẫn còn chưa hết hiệu lực. Mùa bóng nào có chức vô địch, M.U dường như đều có những trận thắng ở những giây phút cuối. Chỉ mới hai mùa bóng trước đây thôi, họ cũng lại có được cúp Champions League nhờ cú trượt chân vô cùng ma quái của John Terry trên chấm phạt đền. Và trong mùa này, họ lại có không ít lần chiến thắng ở những giây phút muộn màng. Thậm chí khi không phải xỏ giày ra sân, Quỷ Đỏ cũng “ăn may” do các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ, như Arsenal chẳng hạn, quá đen đủi trên sân...
Trong thực tế, nói như giới chuyên gia thì “may mắn chỉ đến với những người chuẩn bị đón nhận may mắn”. Có đến 90% công sức của người “ăn may” đã phải đổ ra, và 10% còn lại là công việc của những ngẫu nhiên. Hãy xem ở những trận đấu bất lợi, các cầu thủ của M.U trong các phút cuối đều dồn quân lên vây hãm khung thành của đối phương một cách dồn dập, không hề có sự nản chí. Hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác của họ đã khiến cho đối phương chao đảo, và với xác suất tạo ra cơ hội cao đến vậy, việc họ có bàn thắng gỡ hoà hay chiến thắng cũng là điều có thể hiểu được. Lại nữa, những “may mắn” liên tiếp diễn ra với mình làm cho các cầu thủ M.U luôn có sự tự tin đến phút cuối rằng mình sẽ lật ngược được thế cờ và chính sự tự tin đó phần nào đã giúp họ lạnh lùng, tỉnh táo kết liễu đối phương.
Hơn 20 năm dưới triều đại của Alex Ferguson, M.U lúc nào cũng có một thủ lĩnh tinh thần. Trước đó là Eric Cantona, sau nữa là Roy Keane và bây giờ là Vidic. Những cầu thủ này luôn vực dậy tinh thần của đội bóng khi họ gặp bất lợi. M.U chơi không hoa mỹ mà thực dụng, “công nghiệp” đến hơi khô khan. Trong đội hình của mình, ngài Alex phân công lao động rất rõ và mỗi cầu thủ chỉ là một người làm thật tròn nhiệm vụ trong từng vị trí đã định. Ông chỉ cho phép một vài “nghệ sĩ” như Paul Scholes, Giggs, Ronaldo, Nani có thể chơi ngẫu hứng với những kỹ thuật điêu luyện của mình. Vị huấn luyện viên lỗi lạc này còn là người biết nhìn xa trông rộng, luôn chăm lo cho đội ngũ kế tục. Hơn hai thập kỷ qua M.U chưa bao giờ bị “đứt gãy thế hệ” kiểu như Arsenal đã bị và Chelsea đang bị. Thế hệ tài năng này chưa qua đi, ngài Alex đã chuẩn bị cho một thế hệ tài năng mới, đan xen lẫn nhau. Không còn Cantona thì đã có Keane, mất Schmeichel đã có Van Der Sar, Beckham, Ronaldo đi thì Valencia, Nani trưởng thành...
Người yêu M.U rất nhiều (theo các fan M.U, đến nửa tỉ người trên khắp thế giới!). Người ghét M.U cũng lắm. Hễ cứ sau mỗi lượt đấu của Premier League là các fan hâm mộ M.U và “anti” M.U lại “đánh nhau” đến sứt đầu mẻ trán trên mạng vì khích bác, dè bỉu nhau. Bỏ qua yếu tố cảm tính chủ quan, Quỷ Đỏ bắt tay với “thần may mắn”, có gì khó hiểu? Và cứ như thế mà họ tiếp tục trêu ngươi những người ghét họ...
Sài Gòn tiếp thị