Tuy nhiên, việc các ngôi sao bóng đá Việt Nam góp mặt trong các sản phẩm quảng cáo danh tiếng đến nay chỉ đếm được trên số ngón của 1 bàn tay. Vì sao như thế?
Đầu năm 2010, một công ty quảng cáo đã gọi điện thoại cho cầu thủ Công Vinh với ý định mời anh cùng cầu thủ Philani của B.Bình Dương tham gia vào chiến dịch cổ vũ World Cup 2010 do Coca Cola tổ chức. Tuy nhiên, khi người đại diện cho Vinh hỏi thẳng phía công ty này, rằng những hình ảnh của Vinh góp mặt trong những buổi giao lưu ấy, phía Coca Cola có dùng được quảng cáo cho sản phẩm của họ? Câu trả lời là có. Bởi sự lập lờ của công ty quảng cáo ấy trong việc mời giao lưu bóng đá cộng đồng và sử dụng hình ảnh quảng cáo, kéo theo đó là việc trả tiền thù lao không thỏa đáng, nên người đại diện và Công Vinh đã từ chối tham gia.
Sau đó, khi World Cup 2010 diễn ra, người ta thấy trên một số đường phố ở Việt Nam xuất hiện những poster của cầu thủ Phan Thanh Bình và Philani quảng cáo cho Coca Cola. Qua tìm hiểu được biết, hợp đồng quảng cáo của 2 cầu thủ này được trả với giá khá rẻ, và với cái giá đó thì những người mẫu bình thường còn chê chứ đừng nói là những ngôi sao. Tuy nhiên, với những người trong giới thể thao, việc cầu thủ Phan Thanh Bình trong suốt vài năm gần đây thi đấu mờ nhạt mà vẫn có người mời quảng cáo sản phẩm, nên số tiền dù có rẻ thì vẫn là rất may mắn…
Nhiều ngôi sao bóng đá như Tài Em dù nổi tiếng nhưng giá chào mời quảng cáo vẫn quá thấp. Ảnh: Nhật Anh |
Việc giới quần đùi áo số lâu nay khi tham gia các chương trình quảng bá sự kiện hầu như chẳng hề đòi hỏi cát sê, bởi với họ “vui là chính”. Vì thế, họ thường bị các công ty tổ chức sự kiện hoặc quảng cáo ký hợp đồng với giá rẻ mạt, đã vậy còn thường bị “bắt nạt” như kiểu trong thời gian hợp đồng quảng cáo, nếu có vấn đề gì làm ảnh hưởng đến sản phẩm mà họ làm đại diện thì phải bồi thường. Vì không biết rõ hình ảnh và tên tuổi của mình đáng giá bao nhiêu, cũng như không có người đại diện để đàm phán và ký kết trong các hợp đồng quảng cáo thường là trói buộc từng câu chữ chứ không xuề xòa như giới thể thao, khiến các cầu thủ lẫn những VĐV thể thao rất ngại khi được mời làm đại diện quảng bá sản phẩm. Bởi tiền thì chẳng được là bao, nhưng có chuyện gì thì lại mang vạ.
Thời gian gần đây, bóng đá Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn, kéo theo tiền trả cho cầu thủ cũng nhiều hơn, khiến họ cũng biết hơn về giá trị và tên tuổi của mình. Đồng thời, một số cầu thủ còn có những người quản lý đứng sau trợ giúp về việc đàm phán hợp đồng, nên cũng ít bị “hớ” hơn trong các phi vụ ký kết quảng cáo. Tuy nhiên, tiền cát-sê của ngôi sao bóng đá dù cao, nhưng có lẽ vẫn chưa là bao nếu so với các ngôi sao ca nhạc hay điện ảnh cùng tham gia đóng quảng cáo.
Hai ngày qua, 3 tuyển thủ Công Vinh, Tài Em, Phước Tứ đã phải bay lượn, nhảy nhót và “hí ha hí hửng” bên các sản phẩm của hãng điện tử Panasonic, mà những hình ảnh ấy có thể chỉ xuất hiện vài chục giây trên truyền hình vào tháng tới. Sau 2 ngày quần thảo, 3 chàng “diễn viên quảng cáo” mặt méo xệch và than thở là còn mệt gấp mấy lần buổi tập và thi đấu. Đồng thời, họ kết một câu rất cảm thán: “Đúng là tiền kiếm được chẳng dễ!”.
Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp dù đã có được chữ ký của các ngôi sao thể thao (đặc biệt là bóng đá), cũng như đang bắt đầu phần hậu kỳ cho những clip quảng cáo sản phẩm, nhưng xem ra vẫn chưa an tâm, vì không biết thời gian tới liệu các cầu thủ ấy sẽ thi đấu ra sao, có làm gì để ảnh hưởng đến sản phẩm của mình không? Bởi nếu có vấn đề gì xảy ra, tất cả sẽ “đổ sông, đổ biển”, mà việc này thì đúng là… hên xui!
Vì dù mang tiếng là chuyên nghiệp, nhưng chưa chắc các cầu thủ Việt đã hành xử chuyên nghiệp khi biết cách giữ gìn hình ảnh, tên tuổi của mình, cũng như cho sản phẩm mà họ đang đại diện. Về chuyện này, có lẽ cũng cần nhắc đến Văn Quyến. Cách đây vài năm, hình ảnh chàng tiền đạo này xuất hiện rầm rộ để quảng bá sản phẩm tivi LG chưa lâu, nhưng chỉ vài tháng sau Quyến dính vào vụ bán độ ở SEA Games 2005, lập tức những hình ảnh và đoạn quảng cáo ấy biến mất không tăm tích.
Lý do nào các “sao” thể thao Việt Nam không… hot với các sản phẩm quảng cáo, hay những nhà sản xuất thà chọn một gương mặt “no name” đại diện cho sản phẩm của họ, còn hơn chọn 1 ngôi sao thể thao? Qua bài viết trên, có lẽ mọi người đã tự hình dung được câu trả lời. Tuy nhiên, nếu các VĐV lẫn giới cầu thủ Việt Nam biết cách gìn giữ lẫn đánh bóng tên tuổi của mình qua thành tích thi đấu và những hành xử đúng mực trong thể thao lẫn ngoài đời, khi ấy có lẽ họ sẽ được các doanh nghiệp quan tâm hơn chăng?
Sài Gòn Giải Phóng Online