Một trong những lý do khiến cho bóng đá Hải Phòng sa sút là tiền thưởng mùa này sụt giảm nghiêm trọng. 3 mùa trước, Hải Phòng luôn nằm trong top những đội bóng thưởng lớn của V-League. Mỗi chiến thắng của họ ít thì nửa tỷ và nhiều có khi lên tới cả tỷ đồng. Giờ thưởng ít hơn nên các cầu thủ đá không có động lực và nếu thắng cũng không còn quá phấn khích. Đấy là thông tin từ trong lòng đội bóng lan ra.
Nếu như vấn đề của huấn luyện viên, của lực lượng đội bóng vẫn còn tranh cãi đúng sai, thì vấn đề “tiền tệ” tức là vì tiền mà Hải Phòng đá tệ, ai cũng nhất trí.
Đấy là vấn đề mang tính con người, và đấy cũng là vấn nạn chung của V-League. Có thể tin rằng bất cứ đội bóng nào năm trước thưởng to, năm sau thưởng bé tất thảy đều sa sút cả, chứ không phải chỉ các cầu thủ Hải Phòng mới có thói hư tật xấu ấy.
Bởi, phàm đã là con người mà được cho ăn ngon mặc đẹp quen rồi thì đến khi ăn khổ mặc xấu bao giờ cũng có chuyện về tinh thần. Ngay cả khi bạn cho vật nuôi ăn ngon mỗi ngày thì bỗng nhiên cho nó ăn cơm nguội không thôi nó tất cũng sẽ chê, bỏ ăn phản đối.
2 năm trước, cả V-League kinh ngạc trước câu chuyện các cầu thủ Quân khu 4, nay đã giải tán đội bóng, được tư lệnh thưởng cho bát phở sau mỗi chiến thắng. Đó là trường hợp duy nhất và từ khi đội bóng đó lên hạng rồi thì thưởng cũng phải bằng tiền. Chỉ có điều Quân khu 4 vẫn thưởng ít hơn so với mặt bằng 2-3 trăm triệu là tối thiểu.
Hải Phòng (trái) sa sút vì tiền thưởng mùa này giảm nghiêm trọng
Nếu không nhầm, kiểu lấy tiền ra để dụ cầu thủ gắng sức ở Việt Nam thì Thể Công (nay đã giải tán) đi vào lịch sử như là CLB có mức thưởng treo cụ thể cho từng trận đấu cách nay 13 - 14 năm. Thể Công mùa 1997 rồi 1998 dưới thời ông Hà Quang Liêm tạo ra bước đột phá khi treo thưởng cho các cầu thủ dựa trên số phút họ hiện diện trên sân. Ở thời điểm đấy và trước nữa cũng có chuyện tiền thưởng, nhưng thưởng theo kiểu khoán như thế, phải sau này các CLB mới bắt đầu học tập và đến thời kỳ xuất hiện các đội bóng như HA.GL, Bình Dương thì nó được đẩy lên tầm mức mới để cả nền bóng đá phải theo.
Không hiểu, có nền bóng đá nào lại có thứ văn hóa thưởng như Việt Nam hay không trong khi cái mà người ta biết là mức thưởng ở các CLB châu Âu chỉ gắn liền với thành tích cuối mùa? Chẳng hạn, bản hợp đồng của Ronaldo với Real Madrid quy định nếu đội bóng Hoàng gia vô địch Liga, Champions League thì siêu sao người Bồ sẽ có vài triệu euro đút túi, còn không thì thôi.
Thế nên, chúng ta không nghe được những chuyện hài hước là Barca thua Real Madrid vì ông chủ Perez của đội bóng áo trắng thưởng 1 tỷ còn ông Sandro Rosell chẳng thưởng xu nào.
Còn các ông bầu ở Việt Nam thì chuẩn mực để đánh giá không phải là phát triển thương hiệu, kiếm tiền từ bóng đá mà rất đơn giản: tiền thưởng. Một ông bầu được ca tụng phải là người biết xuất hiện trước đội bóng với tuyên bố nếu thắng trận này các bạn sẽ được bao nhiêu tiền. Mấy năm trước các cầu thủ Thanh Hóa ngất ngây bàn tán hình như ông chủ mới của đội máu lắm vì các cầu thủ còn chưa biết tên ông này là ai thì ngay trong buổi gặp mặt đầu tiên ông đã rút ngay tiền ra thưởng rồi, nhưng sau đấy họ lại cho rằng ông ta có vấn đề vì không còn thưởng nữa.
Giữa các cầu thủ với ông bầu trong chuyện “vì thiếu tiền mà đá tệ” thì lỗi không nằm ở các cầu thủ. Bởi cũng giống như chuyện con cái tiêu tiền và khi bố mẹ không còn chu cấp nữa là đi trộm cắp, lỗi đầu tiên là ở bố mẹ nuông chiều và giáo dục không đúng cách.
Chắc chắn nhiều ông bầu rất hiểu điều này, nhưng bây giờ, đố ông bầu nào không thưởng tươi mà đội mình vẫn thắng?
TTVH Online