Mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp nơi công sở đóng vai trò quan trọng, giúp bạn có sự chia sẻ về công việc, cuộc sống và gắn bó với công ty hơn. Nhưng khi bạn ghét một đồng nghiệp nào đó, ghét cay ghét đắng, thậm chí coi như kẻ thù thì bạn lại muốn rời bỏ công ty càng sớm càng tốt. Bạn chỉ muốn thoát khỏi đồng nghiệp đáng ghét kia và không bao giờ phải đối diện nữa.
Thế nhưng, trái đất tròn và chẳng có gì là không thể. Khi tìm được một vị trí ưng ý, háo hức đến với cuộc phỏng vấn nhà tuyển dụng đã hẹn, bạn sững sờ khi thoáng thấy bóng dáng đồng nghiệp kia cũng đang ngồi ở phòng đợi. Bạn vẫn tiếp tục bước đến, chờ tới lượt mình, vẫn hỏi han người kia hay cứ im lặng ra về vì không muốn tái ngộ kẻ đáng ghét kia nữa?
Mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp nơi công sở đóng vai trò quan trọng, giúp bạn có sự chia sẻ về công việc, cuộc sống và gắn bó với công ty hơn - (Ảnh minh họa)
Có người lại rơi vào tình huống sắp phải nhận đồng nghiệp xấu vào công ty, thậm chí là vào phòng mình làm việc. Họ cảm thấy thật khó để nói cho người tuyển dụng hiểu vì nếu không khéo, có thể gây hiểu nhầm.
Sau đây là những lời khuyên giúp bạn có cách ứng xử phù hợp nếu chẳng may rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" này:
- Đánh giá tình hình
Theo Cynthia Shapiro - chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp, ưu tiên số một lúc này là bảo vệ công việc của bạn. Nếu bạn đã được chọn từ vòng trước, đang có mặt ở công ty để đợi phỏng vấn thì chẳng có lý do gì bạn phải rút lui để cho đồng nghiệp đáng ghét kia trúng tuyển.
Trường hợp người đó sắp vào công ty bạn, bạn càng nên cân nhắc. Tất nhiên, nếu người đó thực sự biết lỗi và muốn hòa bình, muốn được làm việc cùng bạn, bạn không nên từ chối. Người ta vẫn nói, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người quay lại. Shapiro cho rằng, mọi sai lầm trong quá khứ nên bỏ qua nếu thực sự họ mong muốn được tha thứ. Nhưng nếu đó là kẻ thù xấu xa, thực sự là người không nên đưa vào công ty vì có thể làm ảnh hưởng đến văn hóa công ty mới thì bạn nên có hành động cụ thể như nói thẳng với sếp, nhờ nhân sự can thiệp...
Nếu việc đồng nghiệp kia vào công ty có thể gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa công sở, bạn nên có ý kiến với người quản lý - (Ảnh minh họa)
- Trung thực
Nếu đồng nghiệp đáng ghét kia đang ứng tuyển để vào làm việc cho công ty nhỏ của bạn, có thể, những người ở công ty sẽ hỏi han bạn về người đó. Bởi lẽ, họ không thể hiểu rõ nhân viên mới chỉ ngày một ngày hai trong khi lại không muốn có những phần tử xấu vào công ty. Lúc này, bạn nên trung thực, nói thật với họ những điều bạn biết. Đừng phóng đại nhưng cũng không cần phải giấu diếm, bao che cho kẻ xấu.
Theo Shapiro, bạn hãy cư xử và trả lời một cách lịch sự "trung thực mà nói, đây không phải là người bạn nên chọn vào công ty". Nếu công ty thực sự cần, bạn nên giới thiệu cho họ những đồng nghiệp, người quen thực sự có năng lực và làm việc hiệu quả, chân thành với mọi người trong công ty.
- Hiểu rõ nguy cơ
Nếu công ty không tham khảo ý kiến của bạn, vẫn tuyển đồng nghiệp đáng ghét kia vào làm, bạn có thể nói chuyện thẳng thắn với người tuyển dụng: "Tôi biết, ông/bà đã kỳ công cho cuộc chọn lựa ứng viên lần này và tôi rất tôn trọng, nhưng về vấn đề bảo mật, tôi muốn một nhân viên khác chứ không phải là nhân vật này". Đó là một bước đi để bảo vệ cho công việc của bạn.
Bạn có thể cảm thấy ghét chính mình vì đã làm người khác mất việc, cảm thấy mình như một kẻ nhân cơ hội để trả thù nhưng thực sự, nếu người này đã cư xử đúng mực trong quá khứ thì không bao giờ có kết cục như ngày hôm nay. Nếu họ vào công ty, văn hóa công ty có thể bị tác động xấu. Việc bạn làm chỉ là có trách nhiệm với công ty chứ không có gì sai trái để phải áy náy cả.
Bưu điện Việt Nam