Ngày đầu tiên về làm dâu, tôi đã có một buổi nói chuyện rất lâu với mẹ chồng. Hay nói đúng hơn là chỉ mình mẹ chồng ngồi độc thoại để tôi biết về những thói quen sinh hoạt của gia đình chồng.
Tuy là nói nhiều nhưng bà chỉ nhấn mạnh vào hai việc: một là không làm những việc bố chồng không thích, hai là phải chăm sóc chồng thật chu đáo. Bổn phận làm vợ, tôi phải hiểu rõ nết ăn thói ngủ của chồng để chiều và nhất là không được gây gổ làm mất hòa khí chung của gia đình.
Khi lấy vợ, chồng tôi đã mang nặng trong tâm tưởng mọi phụ nữ đều giống mẹ của mình. Có nghĩa là một người vợ đảm đang luôn chu toàn bổn phận với ba bữa cơm nóng sốt ngon lành hằng ngày, nhà cửa luôn sạch bóng, quần áo thơm tho và thẳng tắp. Một người mẹ chăm con thật tốt dù bận tối mặt với việc nhà.
Nhưng hoàn cảnh ngày nay khác xa với thời chồng tôi còn bé, một mình người chồng đi làm không đủ lo cho cả gia đình. Vì vậy người vợ cũng phải làm việc, chung vai gánh nặng tài chính với chồng. Nói thật lòng, mẹ chồng tôi đúng là một người nội trợ đảm đang. Việc nhà từ trong ra ngoài bà đều quán xuyến đâu đó gọn ghẽ, bài bản. Tôi thua xa bà về mặt này nhưng bù lại tôi không để chồng mình phải lo lắng mỗi khi tới tháng trả hóa đơn.
Tôi biết mặt mạnh mặt kém của mình nhưng nhà chồng thì không. Gia đình muốn tôi phải là một người vợ hoàn hảo. Mỗi sáng, tôi không tài nào nấu kịp cho bố chồng một bữa cơm canh đầy đủ mà chỉ có thể ra quán mua phở, hủ tiếu, hay một dĩa cơm sườn về. Mỗi chiều đi làm về, tôi không đủ sức để làm thức ăn trước 19 giờ và ủi hết một sào quần áo cho năm người lớn và một trẻ nhỏ. Tôi chỉ đủ thời gian phụ bếp và lo cho con ăn no, sạch sẽ.
Mẹ chồng rất hay “vô tình” để tôi nghe bà than thở: Dâu con thời nay sao làm biếng khom lưng quét nhà, lau góc kẹt cho nó sạch. Hở chút lại lôi máy hút bụi, cây lau nhà ra xài. Vừa tốn điện, vừa không sạch lại vừa làm bà nhức đầu…
Dạo gần đây, mỗi chiều đi làm về, thay vì cười với vợ, chồng tôi chỉ cho tôi thấy gương mặt bực dọc. Tôi chẳng biết mình đã làm sai chuyện gì nên ngậm miệng im lặng cho qua chuyện. Suốt một thời gian dài, cả ngôi nhà đều bị bao trùm bởi không khí ngột ngạt, nặng nề mỗi khi có mặt tôi. Nhiều lần cả nhà đang quây quần cười nói xôm tụ nhưng chỉ vừa thấy mặt tôi, mọi người lập tức im bặt và tảng lờ như không có gì xảy ra.
Đến bây giờ tôi mới hiểu tất cả chỉ vì tôi không giỏi giang và đảm đang như chồng tôi hằng tưởng. Sự khó chịu này tích tụ từ những vụn vặt như chuyện tấm thảm còn vài vết ố sau khi tôi đã giặt, đến chuyện quần áo đi làm của chồng không có mùi thơm của nước xả vải hoặc những món đồ chơi của con bị vỡ mà tôi đã không để ý mà vứt vào sọt rác, phòng tắm không được chà sạch mỗi ngày thay vì mỗi chủ nhật… Mọi thứ đều đổ dồn lên đầu tôi và bắt tôi phải chịu.
Niềm hạnh phúc làm mẹ, làm vợ dần thế chỗ cho gánh nặng và nghĩa vụ. Tôi không tìm thấy được niềm vui trong hôn nhân và sự tự do cho bản thân mình. Tôi mệt mỏi, bế tắc và muốn thoát khỏi. Trong đầu tôi cứ mãi lởn vởn hai chữ: ly dị.
Thanh niên