Trung Quốc hiện đang phải đấu tranh với tình hình lạm phát tăng cao. Tháng 2 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà phân tích cho rằng, việc tăng giá đồng NDT so với đồng USD có thể hạ giá hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc, từ đó giúp giảm bớt chi phí.
Ảnh minh họa
Các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc trong đó có Mỹ đã cáo buộc rằng, Trung Quốc cố tình ghìm giá đồng NDT thấp một cách giả tạo để thu lợi xuất khẩu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo, việc bất ngờ tăng giá đồng NDT sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Trung Quốc. Theo ông, đó phải là một quá trình lâu dài và sẽ điều chỉnh đồng NDT dựa theo các tác động của nó đối với tình hình doanh nghiệp và thị trường việc làm.
Giá tiêu dùng leo thang tại Trung Quốc đã trở thành chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm. Tháng 2/2011, giá thực phẩm tại nước này đã tăng 11% so với năm trước đó, mặc dù chính phủ và ngân hàng trung ương không ngừng áp dụng các biện pháp đa dạng nhằm duy trì giá cả ở mức kiểm soát.
TTg Ôn cho biết, trên thực tế, giá tiêu dùng tại Trung Quốc đang bị chi phối bởi các yếu tố trên thế giới chứ không phải chỉ do các điều kiện và nhu cầu tại nước này.
“Lạm phát hàng nhập khẩu có tác động lớn đối với Trung Quốc và là yếu tố không dễ kiểm soát,” ông nói.
Ông cũng chỉ ra rằng, lãi suất thấp tại các nước phát triển đã tạo ra dòng tiền khổng lồ tràn vào châu Á từ các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố đang tạo ra áp lực lên giá hàng hóa tăng cao tại Trung Quốc và các nước châu Á.
Theo ông, một số nước theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng và điều đó đã gây ra biến động mạnh lên tỷ giá hối đoái của một số loại tiền tệ chính và giá cả hàng hóa trên toàn cầu.
stockbiz.vn