Đầu tiên là pha thoát xuống chớp bóng, khiến hậu vệ đội khách phải phạm lỗi và một quả penalty cho đội chủ nhà (F.Endene sút thành công). Kế đến Hải và Endene đập nhả như xiếc gần vạch 16m50, trước khi chuyền bóng tìm trúng cái đầu của Almeida. Và sau cùng, với bàn thắng thứ 2 của Almeida, Quang Hải đã là người chuyền bóng.
Cuộc đối đầu với B.BD ở lượt trận sau đó, Quang Hải không trực tiếp chuyền thành bàn cho Được Em, Endene hay Leandro, nhưng lối chơi đồng đội của Hải rất đáng hoan nghênh. Quang Hải vẫn là một trong những cầu thủ chơi hay nhất bên phía N.SG buổi chiều hôm đó và đội chủ sân Thống Nhất đã có chiến thắng thứ 2 liên tiếp.
Nhưng, cũng ở trận đấu với B.BD, vào thời điểm mà N.SG đang tạo được lợi dẫn 2 bàn cách biệt về cuối trận, người ta thấy Quang Hải luôn lưỡng lự trước những pha bóng một đối một ở sát vạch 16m50.
Quang Hải cần phải ích kỷ hơn trước khung thành |
Hải hoàn toàn có thể đột phá qua người và ghi bàn, nhưng anh lại chọn giải pháp khác: chờ đồng đội băng lên và nhường cơ hội cho họ. Hỏi tại sao không ích kỷ một chút (tiền đạo có quyền ích kỷ trong xử lý), hay đúng hơn là cá nhân một chút (tiền đạo cũng có quyền chơi cá nhân ở những tình huống bóng có thể dứt điểm), Hải chỉ cười: “Đội đang dẫn trước và phải chọn hệ số an toàn. Cầm bóng mà nhỡ để mất, phiền phức lắm”.
Hải thiếu tự tin, hay anh sợ điều gì đó hay do chiến thuật của HLV buộc anh phải làm thế, phải chơi đồng đội và phục vụ đồng đội, thay vì phục vụ chính mình? Ai đó đã nói, tiền đạo phải thở bằng bàn thắng, nhưng lập luận này có vẻ không được Quang Hải hưởng ứng. Ở cả 2 trận đấu với Thanh Hóa và B.BD, Quang Hải đều chơi chính ở vị trí sở trường: tiền đạo lùi và có những cơ hội ghi bàn khá rõ ràng. Nhưng Hải đã lại từ chối nhận phần về mình và nhường nó cho đồng đội.
Eximbank V-League 2011 mới chỉ ở vạch xuất phát. Và Quang Hải vẫn còn đủ thời gian để xem lại và để điều chỉnh.
Thể thao & Văn hóa Online