Trong lịch sử của hai nửa Xanh-Đỏ thành Manchester, thường thì nỗi buồn của kẻ này là niềm vui của kẻ khác. Những năm tháng M.U ở trên ngôi cao thì Man City lại lận đận ở tốp dưới, còn khi Man City có thành công thì M.U lại xuống dốc. Ví dụ điển hình nhất có lẽ phải là mùa giải 1936/37, khi Man City vô địch còn... M.U xuống hạng. Lịch sử bóng đá Anh mới chỉ duy nhất một lần chứng kiến hai đội bóng thành Manchester chiếm 2 vị trí dẫn đầu của hạng đấu cao nhất, đó là mùa giải 1967/68 (Man City vô địch, M.U về nhì). Còn ở London, đơn giản như một bài toán tổ hợp, họ có quá nhiều đội bóng giàu lịch sử nên việc ngôi vô địch và á quân cùng hội tụ nhiều như cơm bữa. Chỉ trong một thập kỷ qua, người ta đã chứng kiến 2 lần điều này xảy ra khi Arsenal và Chelsea dẫn đầu Premiership.
Man City (áo sáng) đang có cơ hội giành ngôi á quân Premiership |
Nhưng điều thần kỳ Manchester có thể sẽ quay trở lại. Ngay sau chiến thắng đậm đà 5-0 trước Sunderland, HLV Roberto Mancini đã mạnh miệng tuyên bố Man City có thể giành lấy vị trí thứ nhì trên BXH. Dẫu tuyên bố này có phần sống sượng (vì mới tháng trước ông còn khẳng định họ có cơ hội vô địch), nhưng lại rất hợp lý. Đang có hơn một yếu tố ủng hộ lời của ông Mancini.
Vòng 31 Premiership chứng kiến sự tương phản quá đỗi của London và Manchester. Trong khi M.U làm nên một cuộc lội ngược dòng đẳng cấp trước West Ham, Man City thắng “cục xương” Sunderland với một tỷ số mà chính ông Mancini cũng phải ngạc nhiên, thì cả Chelsea và Arsenal đều bị cầm hòa. Đó chính là yếu tố đầu tiên ủng hộ mục tiêu về nhì của Man City. Chelsea chưa bao giờ thực sự ổn định từ đầu mùa này, còn Arsenal đã nổi tiếng vì truyền thống hụt hơi và vẫn đang thể hiện điều đó. Man City thì đang có đội hình dày nhất Premiership và chiến thắng 5-0 trước Sunderland cho thấy tinh thần của họ vẫn rất tốt, bất chấp cú sốc Europa League và sự gièm pha của dư luận về những vấn đề hậu trường.
Yếu tố thứ hai ủng hộ Man City là lịch thi đấu. Trong phần còn lại của mùa giải, họ là đội gặp ít khó khăn nhất (chứ không phải nhiều thuận lợi nhất) trong số các đội bóng đang đặt mục tiêu về nhì. Chelsea sẽ phải gặp M.U và Tottenham, Arsenal sẽ gặp Liverpool, M.U và Tottenham. Còn Man City, họ “chỉ” còn Liverpool và Tottenham là hai đối thủ đáng ngại nhất.
Cộng với cái thế băng băng về ngôi vô địch khó cưỡng lại của Man United, thì việc Manchester trở thành thủ đô mới của bóng đá Anh đang rất hứa hẹn. Thậm chí, nếu không có sự thay đổi nào lớn, 3 đội bóng xếp ngay dưới Man Xanh và Man Đỏ sẽ là 3 đại gia thành London: Arsenal, Chelsea và Tottenham. Khó có cách tiếm ngôi nào ấn tượng hơn thế.
Con số:
1 - Với 3 bàn vào lưới West Ham, Wayne Rooney trở thành cầu thủ đầu tiên của Premiership lập hat-trick trên sân khách kể từ tháng 11/2009. Hat-trick cuối cùng của Premiership trước trận M.U-West Ham cũng thuộc về Rooney.
1 - Quả penalty được hưởng ở phút 83 trận gặp Aston Villa là lần đầu tiên trong mùa này, Everton được hưởng phạt đền. Trước loạt đấu này, cả 17 đội còn lại đều đã được hưởng penalty.
23 - Với trận hòa Everton, Aston Villa đã để mất tổng cộng 23 điểm trong thế dẫn trước. Nếu không để bị lội ngược dòng lần nào, Aston Villa giờ đã xếp thứ 3 trên BXH.
Chân sút hàng đầu
20 bàn: Dimitar Berbatov (M.U)
19 bàn: Carlos Tevez (Man City)
13 bàn: Darren Bent (Aston Villa)
12 bàn: Kevin Nolan (Newcastle)
BongdaPlus