Liên đoàn bóng đá VN (VFF) vừa lập một kỷ lục... không giống ai: Phạt bác sĩ Vũ Trọng Hạnh của đội Ninh Bình 5 triệu đồng và cấm không được làm nhiệm vụ 2 trận! Các nhà báo cũng như ông Hạnh đã cất công ngồi tra lục lịch sử bóng đá thế giới, nhưng cũng chưa tìm thấy có một vụ nào tương tự là Ban tổ chức giải kỷ luật bác sĩ.
Xét về lý thuyết, thật ra Ban tổ chức một giải đấu có quyền ra kỷ luật tất cả những ai liên quan đến sân chơi mà mình là quản trò. Thậm chí đến khán giả, chúng ta cũng thấy ở nước ngoài, người ta đã từng cấm những nhân vật quậy phá đến sân vì có khả năng làm ảnh hưởng đến trận đấu. Tương tự, nếu một ông bác sĩ có hành vi làm ảnh hưởng đến trận đấu, Ban tổ chức cũng có quyền kỷ luật. Nhưng xưa nay chưa hề có chuyện đó, cũng có thể bởi chưa có ông bác sĩ nào làm điều gì gây phương hại đến một trận đấu; nhưng cũng có thể chẳng Ban tổ chức nào đi “canh me” bác sĩ. Đơn giản bởi công việc của người bác sĩ là chăm sóc sức khỏe cho một cầu thủ khi họ gặp sự cố về sức khỏe. Vì vậy, cho dù có thể có ông bác sĩ nóng nảy chạy vào sân sớm một tý, hay ra muộn một tý nhưng cũng chẳng ai chấp làm gì, bởi suy cho cùng thì ông đang thực thi một nhiệm vụ mang tính nhân đạo. Nói một cách ngắn gọn, Ban tổ chức giải hay trọng tài nên có một chút lòng nhân ái với những con người hành nghề chăm sóc sức khỏe cho cầu thủ.
Vì vậy, ở trận đấu Ninh Bình - Khánh Hòa diễn ra hôm 12-6, khi một cầu thủ Ninh Bình bị chấn thương nằm sân, bác sĩ Hạnh có chạy ra sát đường biên để chờ trọng tài cho phép vào sân chăm sóc cầu thủ, rồi trong lúc đang đứng chờ thì bị trợ lý trọng tài đuổi và ông có đôi co lại đôi chút thì cũng chẳng đáng để xử lý kỷ luật. Nếu các vị trọng tài và những người của Ban kỷ luật của VFF có chút lòng nhân, ắt bác sĩ Hạnh đã không bị kỷ luật!
Nhân nói đến lòng nhân ái, lại chợt nhớ đến chuyện cựu vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ bị bắt đi nhổ cỏ dù chuyên môn của cô là làm HLV đội trẻ; hay chuyện HLV bóng chuyền Vũ Thị Huệ bị bắt đi quét rác vì chấn thương. Nếu có lòng nhân ái, ắt các vị sếp của chị Nụ, chị Huệ đã không hành xử thiếu tình người như thế.
Và chuyện thiếu lòng nhân ái trong thể thao là một chuyện không nhỏ. Nên nhớ, đây là lĩnh vực mà sự đối nhân xử thế đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Cũng một đội bóng ấy, cùng những VĐV ấy, nhưng nếu gặp ông HLV A. có lòng nhân ái, biết thương yêu VĐV thì họ sẵn sàng chiến đấu bằng 101% sức lực của mình. Còn nếu gặp phải một HLV B sống thiếu tình người, thì VĐV chỉ chơi với 50% phong độ là điều bình thường.
Cái chữ “Nhân” ấy, hình như đang thiếu lắm trong làng thể thao Việt Nam...
Công An Thành Phố Hồ Chí Minh