Trong đó, nhiều chương trình được xem là cột mốc để đưa nhạc Việt trở về thời kỳ đỉnh cao của âm nhạc nghệ thuật.
Những đêm diễn “vàng”
Nếu như thời điểm đầu năm, thị trường nhạc Việt sôi lên với sự hiện diện của các sao ngoại như Bob Dylan (TP HCM), Backstreet Boys (Hà Nội – TP HCM), Super Junior (Bình Dương), 2AM (Hà Nội), JYJ (TP HCM), Alexandra Burke - David Cook (Hà Nội)... thì khoảng giữa và cuối năm, cơn sốt này sẽ tiếp tục với Á quân Thần tượng âm nhạc Mỹ - David Archuleta, vào cuối tháng 7 này.
Ngoài ra, những gương mặt khác cũng nằm trong diện “đang thương thảo” như nhóm Westlife, ca sĩ Chris Brown và có thể là Bon Jovi. Đây chưa hẳn là “điểm rơi” đúng của các sao ngoại so với thời điểm này, nhưng đây là cơ hội hiếm hoi để khán giả Việt được tiếp cận những gương mặt đã từng là đỉnh cao của thế giới.
Tùng Dương cùng Lê Cát Trọng Lý trong gala Album Vàng.
Với sao nội, hàng loạt chương trình cũng đã và sắp diễn ra. Điều đáng nói là thay vì sự nhộn nhạo, thiếu định hình của những show nhạc trẻ như trước, thì những chương trình này đã khẳng định được một chất lượng nghệ thuật nhất định, có sự định hướng khán giả. Đó là đêm nhạc Tùng Dương- Lê Cát Trọng Lý, Tuấn Ngọc – Nguyên Thảo, đêm nhạc đánh dấu sự trở lại của cặp đôi Thanh Lam – Quốc Trung trong Cầm tay mùa hè hay Không gian âm nhạc. Tương tự, đêm nhạc của Nguyên Lê – Tùng Dương mới đây tại Hà Nội hay đêm nhạc của Thu Phương, Trần Thu Hà – nhóm Ngũ cung sắp tới cũng là những đêm nhạc được chờ đón. Một điều khá thú vị là hầu hết những đêm nhạc được đánh giá cao này đều diễn ra tại Hà Nội, không dành số đông đại chúng với giá vé cao ngất ngưỡng, nhưng thu hút rất đông khán giả.
Chung tay diệt trừ “thảm họa”
Thực tế, năm 2011 gần như là năm bùng nổ liveshow, với Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Thanh Thảo, Cẩm Ly... Khán giả ngày càng có nhiều sự lựa chọn cho mình, theo gu âm nhạc của mình. “Càng có nhiều show diễn, thị trường cạnh tranh càng lớn, và đó mới là điều tốt. Nó khiến người làm nghề càng phải đầu tư hơn, chăm chút hơn, thấu hiểu khán giả hơn”, ông bầu Quang Huy, giám đốc công ty WePro, cho biết.
Thanh Lam – Quốc Trung trong live show Cầm tay mùa hè
Sự đón nhận của công chúng đối với những show diễn này, sau bao nhiêu năm được cho là “ngủ đông”, được xem là dấu hiệu đáng mừng cho nhạc Việt. Tuy nhiên, sẽ quá vội vã khi khẳng định rằng nhạc Việt đã khởi sắc. Thực tế, những chiêu trò phi âm nhạc, những ca khúc được gọi là “thảm họa” vẫn xuất hiện nhan nhản hàng ngày. Nó cho thấy sự lay hoay, mất phương hướng của nhạc trẻ, cả với khán giả lẫn người làm nghề. Trong đó, vai trò của người làm nghề là điều cực kỳ quan trọng.
“Trong suy nghĩ của nhiều người, nhạc trẻ bị đánh đồng là “thảm họa”. Điều đó khiến nhiều ca sĩ trẻ rất buồn. Thực tế, không phải chỉ có khán giả mới ngán ngẩm với thị trường nhạc trẻ hiện nay, mà cả ca sĩ cũng thế. Và nếu có sự chung tay của tất cả mọi người, cái được gọi là thảm họa sẽ hết chỗ đứng”, ông bầu Quang Huy nói. Đó là lý do cho sự trở lại đầy khác biệt của chương trình Thế giới V-Pop vào cuối tháng 7 này. Với chủ đề Giải cứu, chương trình hướng tới một thị trường nhạc trẻ “sạch” và nghiêm túc – một cách cứu sự mất phương hướng hiện tại, cũng như tự cứu lấy mình..
Hiệu quả của các show diễn này, xét về tính dài hơi, vẫn là điều khó nói. Nhưng người ta hoàn toàn có lý do để tin vào sự đổi chiều ngoạn mục, khi ý thức được nhìn thấy ngay trong chính người làm nghề.
Đất Việt