Mọi đội bóng, dù với mục tiêu nào (trụ hạng hay vô địch) đều sẽ tận dụng hết khả năng tài chính của mình nhằm kích thích các cầu thủ. Bức tranh đồng tiền thống trị V-League đã dần hiện rõ hơn bao giờ hết.
Muốn vô địch cần hàng chục tỷ đồng
Cú ngã ngựa không khiến nhiều người bất ngờ của SLNA trên sân Chi Lăng chỉ càng làm cuộc đua ngôi vô địch trở nên nóng bỏng. Về lý thuyết, với 6 vòng đấu còn lại, cả đội dẫn đầu SLNA (39 điểm) lẫn SHB.ĐN, HN.T&T đến đội xếp thứ tư là LS.TH (32 điểm) đều có cơ hội nâng cao chiếc cúp vô địch cuối mùa. Tuy vậy, không phải ngẫu nhiên khi chính 2 đội bóng HN.T&T và SHB.ĐN hiện lại được đánh giá có nhiều cơ hội nhất. Lẽ đơn giản, đứng sau hậu thuẫn cho 6 vòng đấu cuối cùng đầy gian nan của hai CLB này là bầu Hiển, người luôn sẵn sàng phá két để chi những khoản thưởng kỷ lục.
SHB.ĐN đã nhận đến 1,7 tỷ đồng từ bầu Hiển cho trận thắng SLNA. Ảnh: Minh Hoàng
Nhìn lại những vòng đấu đã qua, không khó tìm minh chứng cho nhận định này. Sau trận thắng sớm của HN.T&T ở vòng 20, Công Vinh và các đồng đội hồ hởi nhận ngay 1,45 tỷ đồng. Đấy là mức thưởng kỷ lục của V-League nhưng đáng nói hơn, kỷ lục ấy chỉ tồn tại chưa đầy 24 giờ, đến khi SHB.ĐN hạ gục SLNA 3-1. Tổng cộng 1,7 tỷ đồng đã được bầu Hiển tuyên bố chi ngay bên lề đường pitch khiến cả cánh phóng viên lẫn người hâm mộ có mặt trên khán đài choáng váng. 2 trận đấu chỉ cách nhau 24 giờ, bầu Hiển đã chi đến hơn 3 tỷ đồng. Vậy cứ nhân lên 12 trận (của cả HN.T&T và SHB.ĐN), nếu muốn cạnh tranh ngôi vô địch, bầu Hiển sẽ phải "dội bom" tiền thưởng lên con số bao nhiêu? Chưa ai dám chắc, nhưng tổng giá trị chắc chắn không thể thấp hơn hàng chục tỷ đồng.
Như vậy, nếu HN.T&T hoặc SHB.ĐN vô địch mùa giải này, đó cũng sẽ là chức vô địch đắt giá nhất trong lịch sử V-League. Nó cho thấy "tiền mua thành công" đang trở thành xu thế thống trị bóng đá Việt Nam. Nhưng để đạt được mục tiêu vào cuối mùa, ông bầu của các CLB đang lao theo xu thế ấy như "thiêu thân", thậm chí chẳng ngán phải chi cả chục tỷ như chính những gì bầu Hiển đã khẳng định với các cầu thủ.
Đồng tiền lên ngôi
V-League trong giai đoạn khốc liệt cuối cùng sẽ trở thành giải đấu nhuốm màu tiền bạc. Điều này hầu như là không thể tránh khỏi, khi các CLB bước vào thời điểm nhạy cảm quyết định thành bại. Ước tính, nếu bị tụt hạng, giá trị thương mại của một đội bóng có thể mất đến vài chục tỷ đồng. Thế nên, không ngạc nhiên khi bầu Hiển có thể chi 1,7 tỷ cho SHB.ĐN, thì ở sân Hàng Đẫy, lãnh đạo HP.HN cũng thưởng đến 1,5 tỷ đồng, sau khi chứng kiến thầy trò HLV Nguyễn Thành Vinh giành 3 điểm trong trận "chung kết ngược" với V.NB.
HP.HN cũng giống như nhiều đội bóng khác đang nằm trong khu vực nguy hiểm sẵn sàng chi đậm cho mục tiêu trụ hạng. Dĩ nhiên, nếu lũy kế khoản tiền thưởng trong 6 vòng đấu cuối, khoản tiền chi ra có thể phải mất đến hàng chục tỷ, con số chẳng hề thua kém "cái giá" cho ngôi vô địch.
Con số ấy có thể sẽ gây sốc cho rất nhiều người, nhất là khi nó đặt trong bối cảnh hầu hết các CLB Việt Nam chưa thể tự kiếm tiền nuôi sống mình. Những ai còn nhớ hơn hai năm trước, Thể Công sau khi giải thể chỉ cần "bán nhanh" suất dự V-League cho LS.TH cũng đã thu đến 100 tỷ đồng. Chưa kể, dự V-League nghĩa là tần số xuất hiện trên mặt báo, phương tiện truyền hình sẽ đậm đặc hơn, hiệu quả quảng cáo cho việc kinh doanh của các ông chủ cũng hứa hẹn mang lại thành công lớn hơn. Bởi vậy, dẫu phải chi vài tỷ hay cả hàng chục tỷ, lãnh đạo các CLB đang tranh chấp trụ hạng như V.HP, V.NB hay ĐT.LA vẫn khẳng định họ sẵn sàng, miễn sao đội bóng đảm bảo giữ được suất trụ hạng.
Tiền bạc thống trị V-League đang khiến dư luận có nhiều đánh giá trái chiều về giải đấu. Có thể, sẽ không hay ho, khi các cầu thủ phải cần đến tiền mới có động lực chiến đấu cho đội bóng của mình. Đó không phải là biểu hiện chuyên nghiệp của một giải đấu đang tiến lên chuyên nghiệp. Nhưng ít ra, thì phía sau câu chuyện tiền bạc của V-League, người ta còn thấy ở đó những khía cạnh tích cực khi nhờ "doping" tiền, nguy cơ tiêu cực hậu trường chi phối có thể giảm bớt phần nào.
Giadinh