Có không ít khác biệt làm nên khoảng cách về trình độ giữa đội chủ nhà và Olympic Saudi Arabia. Không hẳn vì đối thủ đến từ một quốc gia hùng mạnh về kinh tế, sẵn sàng bỏ ra 500 ngàn USD đưa cầu thủ sang Đông Nam Á thi đấu bằng chuyên cơ, cũng không phải vì Saudi Arabia được truyền đạt phong cách bóng đá cao siêu nào đó đến từ Nam Mỹ hoặc châu Âu khi thành phần BHL và cầu thủ của họ đều là những người Saudi Arabia chính hiệu. Điểm khác biệt đến từ phong thái thi đấu và tư duy chơi bóng.
Phạm trù này có vẻ như khá mơ hồ trong bóng đá hiện đại khi trình độ của các khu vực xích lại gần nhau hơn. Thế nhưng, ngay khi nhìn vào cách cầm bóng, thi triển các bài phối hợp của Saudi Arabia người ta đã thấy sự chênh lệch một cách rõ rệt với các cầu thủ Olympic Việt Nam. Kỹ thuật cơ bản không hơn là mấy nhưng sự tự tin khiến mỗi pha xử lý bóng của cầu thủ đội khách trở nên chuẩn xác và thanh thoát hơn rất nhiều. Trong khi đó, với tư thế là kẻ yếu hơn và đang phải ở trong tình trạng bám đuổi thì Olympic Việt Nam thường xuyên tỏ ra vội vã, hấp tấp ở ngay cả những đường chuyền đơn giản nhất. Bóng đá là môn thể thao tập thể và sự chuẩn xác của mỗi cá nhân sẽ làm cho cả cỗ máy vận hành hiệu quả hơn, do vậy chỉ cần một mắt xích bộc lộ sự thiếu bản lĩnh thì ngay lập tức phần còn lại cũng bị ảnh hưởng. Trong trận đấu ở Mỹ Đình vừa qua, không chỉ một mà là nhiều vị trí của Olympic Việt Nam tỏ ra lúng túng dẫn đến các toan tính chiến thuật của ban huấn luyện không thể phát huy được hiệu quả.
Vậy điều gì làm nên sự tự tin cho Olympic Saudi Arabia? Họ có thời gian chuẩn bị rất chu đáo cho chiến dịch kiếm vé tham dự Thế vận hội London 2012, người Saudi Arabia không “đóng cửa” tập chay và đá giao hữu với các CLB địa phương mà chu du khắp nơi trên thế giới thi đấu để tích lũy kinh nghiệm. Một người lính chỉ có thể thực sự trưởng thành khi trải qua cảm giác chiến trường và sẽ trở thành một chiến binh thiện chiến nếu như liên tục vào sinh ra tử. Trong bóng đá cũng vậy, một đội bóng muốn tiến bộ cần phải thi đấu cọ xát thật nhiều, tiếp xúc với nhiều phong cách bóng đá khác nhau để qua đó, tìm ra lối chơi thích hợp nhất cho mình trước từng đối thủ.
Trái ngược với sự chuẩn bị của Saudi Arabia, HLV Phan Thanh Hùng và các học trò chỉ có 7 buổi tập cho cả hai cuộc đọ sức với đối thủ. Như vậy là quá ít, nhất là khi thành phần triệu tập lần này đa phần là những gương mặt mới còn thiếu kinh nghiệm thi đấu. Một HLV lão làng ở V-League tuyên bố: “Có thánh cầm quân thì đội bóng này cũng không thể chơi tốt sau chừng ấy buổi tập”.
Sự yếu kém về độ tự tin so với đối thủ của Olympic Việt Nam thực chất bắt nguồn từ lịch tập trung và các kế hoạch chuẩn bị quá vội vàng của VFF. Nếu như bóng đá Việt Nam thực sự “máu” thì chúng ta lẽ ra đã phải có sự chuẩn bị kĩ càng hơn rất nhiều để ngay cả khi thất bại thì chúng ta vẫn có quyền được ngẩng cao đầu vì sức mạnh của mình chỉ được như vậy…
Xzone