Một thời gian dài, không một đại gia nào dòm ngó xứ bưng biền, họ phải chạy ăn từng bữa, đồng lương yếu ớt không giữ chân được những tài năng quê nhà như Thanh Bình, Quý Sửu, Được Em, Duy Khanh… CS ĐT đành phải nhiều đợt cắt lúa non, đưa những cầu thủ mới ra ràng lên đá chính. Vậy mà, sau giai đoạn dài lận đận, từ mùa bóng 2009 cho đến nay họ đã trụ vững ở giải bóng đá cao nhất Việt Nam cho dù ở đầu mỗi mùa giải họ luôn bị điểm mặt là ứng cử viên rớt hạng.
Chảo lửa Cao Lãnh luôn làm chùn chân bất kỳ đội bóng nào. Ảnh: Internet. |
Trước hiện tượng một đội bóng nhà nghèo lại chơi tốt hơn nhiều đội bóng đại gia có của ăn của để. Thậm chí chính những đội đã rút ruột nhân tài của đội bóng nghèo này lại bó tay trước những cầu thủ mới nứt mắt vừa thế chân kẻ ra đi đã dậy lên nhiều cảm xúc cho người hâm mộ làng bóng đá Việt Nam. Người cho rằng CS ĐT ăn may nhờ thời tiết, kẻ lại nói vì đầu mùa giới truyền thông điểm mặt rớt hạng nên các đội bóng khác ỷ y, rồi nhờ tiền đạo ngoại đá hay, nhờ HLV Phạm Công Lộc mát tay chỉ đạo giỏi, nhờ cầu thủ thứ 12,… Những cái đó đều đúng cả.
Nhưng thực ra, đó chỉ là phần bề nổi, vậy thì nền tảng sâu xa để làm sống lại một Cao Su Đồng Tháp là gì?
Có lẽ người Đồng Tháp chỉ xem bóng đá là một trò chơi. Một trò chơi thuần túy bóng đá với những vẻ đẹp đặt trưng riêng của nó. Và đã là trò chơi thì phải vui, và muốn vui thì phải đẹp, phải trung thực và thẳng thắng và nhất là phải chơi hết mình, “chơi cho nó đã”. Ở đâu thì không biết nhưng chỉ có ở xứ Tràm Chim này mới có việc mượn lúa bán để lấy tiền mua vé xem bóng đá, và chỉ có xứ này mới có chuyện mượn xuồng coi đá banh khuya về trả.
Một cầu thủ của CSĐT đang đi ngang một quán cà phê bỗng nghe gọi tên và mời vào uống cà phê. Trong bàn có thể vài thanh niên đồng trang lứa, cũng có thể mấy chú, bác tuổi U50 mà anh chưa từng biết mặt và nếu rảnh rỗi anh ta có thể bước vào quán cùng ngồi nhâm nhi ly cà phê và trò chuyện về bóng đá nhưng những người quen biết lâu năm. Một cầu thủ khác đi chợ Cao Lãnh bỗng một bà đi chợ nào đó kêu lại trách mắng tại sao trận rồi đá tệ vậy hay hỏi thăm một cầu thủ khác bị chấn thương rồi trận sao rồi, trận sau có đá được không? Chỉ có khán giả sân Cao Lãnh hết mình ủng hộ đội nhà cho dù đội có đang bị dẫn điểm khi đang thi đấu với đội mạnh hơn nhưng chính những khán giả này có thể quay sang ủng hộ cho đội khách nếu đội nhà mạnh hơn nhưng đá mãi vẫn không ghi bàn.
Khán giả Đồng Tháp luôn hết lòng vì đội bóng thân yêu. Ảnh: Internet. |
Còn nhớ năm 2010, khi CSĐT thua ĐTLA do phải di chuyển từ xa về đá sân nhà, chính những khán giả này đã phẫn nộ vì cho rằng trận đấu có mùi, cả đội bóng phải xin lỗi khán giả, những người thân của đội bóng cũng phải xin lỗi khán giả và năn nỉ khán giả đừng quay lưng lại với đội bóng.
Những cầu thủ ngoại khi đến CS ĐT lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng sau vài trận đấu họ đều gắn bó với đội, khi ra sân họ có cảm giác như chơi bóng ở quê nhà. Và như thế khi được chơi bóng trên chảo lửa Cao Lãnh, đất quê nhà đỡ từng bước chân của họ. Họ bỗng nhiên trở nên mạnh mẽ, càng chạy càng khỏe và xuất thần trong những pha bóng cống hiến cho những khán giả thân thương.
Và vì vậy, họ đã tồn tại vì chính khán giả của họ, những người yêu quý họ.
Tinthethao