Sự trở lại đầy mới mẻ và ngẫu hứng của giọng hát đầy nội lực này đã chinh phục người nghe.
Beyonce trên bìa album 4 - Ảnh: EW
Một Beyonce đầy mâu thuẫn
“Mỗi bài hát trong album đều chứa đựng những mâu thuẫn nội tại” - Đó là những dòng nhận xét của trang EW về album 4 của Beyonce. Mâu thuẫn được nói đến chính là việc vừa thể hiện mong muốn có một sự đột phá nhưng vẫn phải quen thuộc với khán giả, vừa nghệ thuật nhưng phải dễ nghe, vừa đầy nhiệt huyết nhưng vẫn giữ được tính khách quan chứ không phải chỉ là những suy nghĩ chủ quan của Beyonce.
Quả thật, Beyonce bắt tay thực hiện album thứ tư của mình với rất nhiều mâu thuẫn. Cô tìm kiếm, chuẩn bị những nguyên liệu cho album mới ngay khi đang phát hành album thứ ba I Am…Sasha Fiece (Tôi là…Sasha Fiece). Nhưng Beyonce đã không ngần ngại “giết” đi Sasha Fierce trong album thứ 4 vì “giờ tôi đã trưởng thành hơn và tôi không thể tiếp tục sống như vậy khi có hai con người trong tôi được”.
Sự mâu thuẫn đó đã tạo nên một thứ âm nhạc vô cùng đặc biệt, chỉ có thể gọi tên là…âm nhạc của riêng Beyonce. Đó không phải pop, không phải R&B, cũng không phải rock mà là một loại âm nhạc riêng, được dệt nên từ chính sự ngẫu hứng và khả năng cảm thụ âm nhạc của một diva tài năng.
Chính vì thế, khi đánh giá album 4, các chuyên gia âm nhạc đã không khỏi lúng túng trong việc xác định chính xác thể loại nhạc cho album này. Alexis Petridis cho rằng album lấy cảm hứng từ nhạc R&B thập niên 1980 trong khi Jon Caramanica của tờ The New York Times cho rằng album mang phong cách của nhạc soul cuối thập niên 1970. Riêng Thomas Conner của tờ Chicago Sun Times lại cho rằng album gợi liên tưởng đến album 21 của nữ ca sĩ Anh Adele vừa phát hành.
Beyonce trình diễn ca khúc 1+1 trong đêm chung kết American Idol 2011
Cuộc cách mạng mang tên Beyonce
Trước khi ra mắt album, Beyonce từng tiết lộ: “Album sẽ là một cuộc cách mạng. Âm nhạc lần này sẽ táo bạo hơn so với những album trước. Tôi càng trưởng thành, càng nhiều trải nghiệm thì sẽ càng có nhiều thú vị hơn để chia sẻ với khán giả”.
Trước hết là bước đột phá của nữ ca sĩ 30 tuổi trong việc thay đổi vỏ bọc thần tượng của mình để tiến đến một hình ảnh mới lạ hơn bằng cách học theo các đàn chị như Diana Ross hay Luther Vandross với những động tác quyến rũ trong Love on Top hay Rather Die Young.
Với single đầu tiên Run the World (Girls) (Tạm dịch: Người Cai Trị Thế Giới (Các cô gái), Beyonce xuất hiện vô cùng mạnh mẽ, choáng ngợp, đưa ra một tuyên ngôn mới về nữ quyền. Ca khúc này đã nhanh chóng leo lên những thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín trên thế giới.
I Was Here - ca khúc đồng sáng tác của Beyonce cùng Diane Warren - đã lọt vào bảng xếp hạng những bài hát tình cảm nhất của Lifetime-movie, trong khi những giai điệu rộn ràng của Party, ghi âm chung với Kanye và Andre 3000, trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các tay DJ tại các quán bar của Mỹ.
Kết thúc album là bài hát End of Time (Kết cuộc của thời gian) với phần hòa âm nghe rất lạ tai, sử dụng tiếng kèn mở đầu giống như Michael Jackson trong bài Off the Wall (Loại bỏ những bức tường) và phần beat độc đáo của Bo Diddley. Tất cả đều được Beyonce sử dụng để thể hiện tình yêu của cô với tất cả mọi người không phân biệt giới tính, tuổi tác, quốc tịch.
4 thật sự là một sự mạo hiểm mà ít có ca sĩ nhạc pop nào dám làm. Riêng Beyonce đã mạnh dạn thay đổi phong cách của mình với cái nhún vai nhẹ nhàng như cách để cô xem nhẹ sự thất bại. Chính sự liều lĩnh đó đã khiến 4 trở thành một bữa tiệc buffet vô cùng hấp dẫn. Mặc dù một số ca khúc chưa được trau chuốt kỹ và chưa xứng với nội lực mạnh mẽ của Beyonce nhưng nó thể hiện đúng tài năng của của một diva hàng đầu.
Và đúng như biên tập viên trang Entertainment Weekly - Adam Markovitz đã nói: “Nếu ngành công nghiệp giải trí được ví như một ngôi trường trung học thì Beyonce sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất để trở thành thủ khoa”.
Tuổi Trẻ