Làm thêm bán thời gian lương 1.000 USD/tháng
Tại Hà Nội, rất nhiều trường ĐH tiếp nhận hàng trăm SV nước ngoài sang du học. Bên cạnh các trường khối ngoại ngữ như: ĐH Hà Nội, ĐH Sư phạm ngoại ngữ, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), các trường khối tự nhiên như: ĐH Bách khoa, ĐH Y Dược, ĐH Kinh tế, ĐH Tài chính… cũng nhận SV nước ngoài.
Tại Trung tâm SV quốc tế (Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT), số lượng SV tăng hằng năm. Ông Nguyễn Hồng Luyên - cán bộ quản lý SV, cho biết hiện có hơn 300 SV thuộc 15 quốc tịch. Trong khi số SV các nước Đông Âu đến du học tại VN giảm thì số SV của Úc, Canada, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… tăng trong những năm gần đây.
Vốn năng động và nhanh nhạy nên chỉ sau một thời gian ngắn sang VN, SV nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây, đã có thể gia nhập thị trường lao động bằng việc đi làm bán thời gian. Ben (người Úc) - cựu SV ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay: “Công việc dễ nhất mà SV nước ngoài thường chọn khi mới sang VN đó là dạy ngoại ngữ. Tôi cũng khởi đầu công việc này từ mối quan hệ quen biết tại quán bia trên phố cổ. Với vốn tiếng Anh sẵn có, tôi đã được mời vào dạy tại một trung tâm ngoại ngữ mà chẳng cần phải phỏng vấn, thi tuyển…”.
Cũng giống như Ben, Aslan (Thổ Nhĩ Kỳ) - SV năm thứ 4 trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) có thâm niên 3 năm đi làm thêm, tâm sự: “Năm đầu qua VN du học, bố mẹ vẫn phải gửi tiền sang. Từ năm thứ 2, mình tìm được công việc trợ giảng tại trường quốc tế với mức lương 1.000 USD/tháng. Thỉnh thoảng có đoàn khách từ Thổ Nhĩ Kỳ sang mình được mời làm phiên dịch. Nói chung, kiếm việc ở VN thật dễ, tiền đi làm cũng xông xênh đủ trang trải. Nếu mình học ở Thổ Nhĩ Kỳ, học phí và tiền sinh hoạt rất đắt đỏ”.
Theo lời Ben, ở VN cậu dư sức kiếm được 3.000 USD/tháng, nhưng đổi lại cậu chẳng còn thời gian học tập, vui chơi. “Nhiều SV và gia đình VN khá giả sẵn sàng trả tôi 30 USD/giờ dạy kèm tiếng Anh, nhưng tôi vẫn từ chối. Tôi thích một cuộc sống thoải mái, tự do không gò bó. Với tôi, thu nhập 2.000 USD/tháng là quá ổn. Tôi muốn sống ở VN bởi vừa dễ kiếm tiền, vừa chẳng phải đóng thuế, lại thoải mái đi du lịch khắp nơi”, Ben chia sẻ.
Nhiều sinh viên nước ngoài lựa chọn làm thêm bán thời gian ở trung tâm ngoại ngữ - Ảnh: Ngọc Thắng
Mải kiếm tiền quên học
Ngoài dạy ngoại ngữ mang lại thu nhập ổn định, gần đây, nhiều SV nước ngoài còn có xu hướng thích đi làm hướng dẫn viên du lịch, MC, đóng phim truyền hình, phim quảng cáo hoặc tham gia các game show giải trí truyền hình vì “vừa được ăn được nói, lại được cả gói mang về”. Đặc biệt là “bỗng dưng” trở thành người… nổi tiếng.
Ben tiết lộ: “Chẳng cần phải diễn xuất, chỉ cần lướt qua màn hình ti vi tôi cũng kiếm được 2 triệu đồng. Còn tham gia game show cũng kiếm được 1-1,5 triệu đồng/chương trình”. Theo một cán bộ quản lý SV làm việc lâu năm tại Trung tâm SV quốc tế, so với các nước khác, SV nước ngoài học ở VN kiếm tiền dễ hơn rất nhiều bởi ở VN cơ chế rất thoáng, không ai quản lý. Người nào “chăm” cũng kiếm được vài ngàn USD/tháng, số tiền mà nhiều bạn trẻ đã tốt nghiệp ĐH phải mơ ước.
Tuy nhiên, cũng chỉ vì mải mê kiếm tiền, không ít SV nước ngoài sống cẩu thả, tự do trong sinh hoạt, quên cả mục tiêu chính là học tập. Điển hình nhất là trường hợp V. - một “hotboy” (quốc tịch Romania). V. không chỉ nổi tiếng trong số SV tại Trung tâm SV quốc tế vì kiếm tiền giỏi mà anh chàng còn nổi với những “thành tích” vô kỷ luật, sống cẩu thả, bê bối trong sinh hoạt, học hành bê trễ. Đã học 6 năm nhưng V. vẫn chưa tốt nghiệp ĐH, trung tâm buộc phải “mời” ra khỏi ký túc xá.
Thanh niên