Sửa một bóng đèn cũng chờ
Như nhiều KTX khác trên cả nước, Ban quản lý (BQL) KTX 135B Trần Hưng Đạo thuộc trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM hiện vẫn chưa được tự chủ, tự quyết định vì lệ thuộc tài chính vào trường. Ông Hứa Văn Hoàng - đại diện BQL KTX này nói: “Chúng tôi cũng muốn chuyển đổi KTX sang cơ chế phục vụ để đáp ứng nhu cầu phong phú cho SV”. Dù muốn vậy, nhưng ông Hoàng cho rằng việc chuyển đổi rất khó vì mặt bằng ở trung tâm thành phố còn hạn chế cộng với cơ chế xin - cho vẫn tồn tại. Ông Hoàng cho biết thêm: “Ngay việc sửa một cái bóng đèn cho SV, chúng tôi cũng chờ xin trường cấp. Thỉnh thoảng, chúng tôi phải gửi SV qua KTX Bách khoa hoặc KTX ĐH Y Dược để các em có sân chơi”.
SV sống trong KTX ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Lê Thanh
Tỏ ra tâm đắc với hội thảo “Bàn về công tác học sinh, sinh viên nội trú” do Bộ GD-ĐT tổ chức trong tháng 6.2011 tại TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Hùng - Trưởng BQL khu nội trú trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thẳng thắn bày tỏ: “Theo tôi, hội nghị này vạch ra điểm yếu lớn nhất trong tình hình nội trú hiện nay là cơ chế quản lý xin - cho. Xin - cho là một mô hình bế tắc. Chúng tôi cũng đang trong hoàn cảnh này!”.
Ông Hùng giải thích: “Hiện BQL chúng tôi chưa được độc lập về mặt tài chính, nhà trường chỉ cho trong hạn mức. Chẳng hạn, muốn sửa mô-tơ bơm nước trong khu nội trú bị cháy, chúng tôi cũng phải báo phòng quản trị tài sản rồi trình ban giám hiệu, kế toán, các bên duyệt xong mới đem cho mình. Phải chờ lâu nên khó trong điều hành”. Mô hình xin - cho, theo ông Hùng, đã hạn chế công tác phục vụ SV. “Do vậy, cần phải được cởi trói, mở gút theo hướng phục vụ - dịch vụ. Lúc đó, SV nội trú sẽ được xem như là chủ thể tương ứng, là khách hàng nên không ai được đối xử theo kiểu mệnh lệnh dẫn đến thiếu tôn trọng SV” - ông Hùng nhấn mạnh.
Không chỉ là nơi ở
Sau khi được xây mới, KTX trường ĐH Bách khoa TP.HCM còn trống một số chỗ trong năm 2009. Tuy nhiên, những năm sau đó, 2.440 chỗ trong KTX này đều được lấp kín mà vẫn không đáp ứng đủ số SV đăng ký. Đặc biệt, KTX này được xem như là một trong những mô hình kiểu mẫu để nhiều nơi khác học hỏi. Bàn về cách điều hành, thạc sĩ Phan Đình Mãi - Giám đốc KTX trường ĐH Bách khoa chia sẻ: “Số lượng SV đông thì không thể buông lỏng quản lý. Nhưng quản lý phải có nhìn trước nhìn sau, không gây phiền hà, ức chế cho SV. Thời buổi này nếu chỉ quản lý mà không có phục vụ, dịch vụ thì cũng không được. Ví dụ, một bóng đèn trong khu nội trú hư thì không thể chờ đến chục người ký vào biên bản, rồi chờ thêm 5-7 ngày nữa mới sửa. Quản lý - phục vụ - dịch vụ phải gắn bó chặt chẽ với nhau. Quản lý để việc phục vụ, làm dịch vụ tốt hơn, tạo thuận lợi cho người ở”.
Trong khi đó, KTX ĐH Quốc gia TP.HCM hiện có khoảng 10.000 chỗ ở, đáp ứng 60 - 70% nhu cầu nội trú của SV. Ngoài ra, KTX chuẩn bị tiếp nhận khu A mở rộng và khu B, nâng tổng số chỗ ở lên thành 60.000. “Đây quả là một nỗi lo khi tiếp quản một lượng SV quá lớn như vậy!" - ông Trần Thanh An, Giám đốc Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định.
Theo ông An, từ năm 2006, KTX đã có những bước chuyển đổi rõ nét về cách điều hành: “Chúng tôi nhận thấy không thể duy trì mãi cách quản lý theo lệnh. Tư duy "quản không được thì cấm" hay cơ chế xin - cho đã lỗi thời. Bởi lẽ, SV ở đây như sống trong một xã hội thu nhỏ. Do đó cần phải có những nét mang tính chất thanh niên, thoải mái và có cái gì đó thoáng hơn một tí chứ không phải như là hình ảnh của một trại lính. Tóm lại, nơi đây vừa kết hợp những nội quy của khu nội trú lẫn tính chất của cộng đồng trẻ và là môi trường tự rèn luyện của SV”. Ông An cho biết thêm: “Chúng tôi xác định đội ngũ cán bộ KTX không phải làm quan của SV, cũng không phải người ra lệnh mà phải là những người phục vụ”.
Trên thực tế, có khá nhiều thay đổi trong khu nội trú ĐH Quốc gia TP.HCM. Trước đây, KTX này chỉ có một nhà ăn, còn nay SV có nhiều sự lựa chọn hơn nhờ có nhiều doanh nghiệp được vào cạnh tranh. SV cũng được chọn chỗ ở theo nhóm, theo trường, theo địa phương, khác với việc "xếp đâu ở đó" như trước. "Ngày xưa, SV dễ bị ức chế nên thường xảy ra tình trạng ném đồ đạc, đốt chiếu… Nhưng những năm gần đây không còn xảy ra những chuyện đó nữa. Bởi vì cuộc sống của họ đã được phục vụ và chúng tôi xác định đây là những khách hàng - thượng đế" - ông An so sánh.
Trưởng BQL khu nội trú trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay: Dự kiến trong năm học 2011-2012, cùng với việc tiến hành xây mới nhiều hạng mục, KTX này sẽ chuyển đổi dần mô hình từ quản lý sang trung tâm phục vụ SV. Theo đó, trung tâm sẽ có nhiều mảng như: nội trú, phục vụ - dịch vụ SV, khu vui chơi. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của chính BQL thì khu nội trú này hiện vẫn còn bị “mắc kẹt” ở nhiều vấn đề như: trình độ, khả năng thích ứng, cung cách phục vụ SV của một số nhân viên còn yếu kém; chưa ứng dụng phần mềm quản lý, máy quét thẻ; một số cơ sở hạ tầng còn chắp vá; cơ chế tài chính lệ thuộc… Vì lẽ đó, bước chuyển đổi sang mô hình phục vụ - dịch vụ có thành công hay không đòi hỏi phải có sự thay đổi đồng bộ của nhiều yếu tố.
Thanh niên