Với mỗi CLB, đi tour vừa cọ xát với các đối thủ, vừa tranh thủ “làm kinh tế”. Còn gì tiện lợi hơn thế?
M.U, Man. City, Newcastle, Everton... lặn lội sang Mỹ. Chelsea, Liverpool, Arsenal... tìm đến châu Á. Không khó nhận ra đây chính là những thị trường quan trọng trong mùa Hè của Premier League.
Cổ động viên Mỹ chào đón Man. City - Ảnh AP
Châu Á đương nhiên là thị trường truyền thống. Ngay từ khi ra đời, Premier League đã hướng đến địa bàn rộng lớn và đầy ắp “máu” bóng đá này. Những đại gia như M.U xây dựng được một nền tảng fan đông đảo, từ đó khuyếch trương dễ dàng các hoạt động thương mại dựa vào thương hiệu như bán đồ lưu niệm hay thậm chí cả thẻ tín dụng như visa card mang tên “Manchester United” ở Malaysia và Hàn Quốc!
Trong khi đó, Mỹ lại là thị trường đầy tiềm năng. Bóng đá có thể còn lép vế so với bóng rổ, bóng chày, bóng bầu dục... nhưng nhìn theo khía cạnh tích cực, nơi này rực màu hồng tương lai. Sau khi ổn định ở thị trường châu Á, M.U đã sớm khai phá “Tân thế giới” và đang khá thành công mà điển hình đây là năm thứ hai liên tiếp, Mỹ được chọn là địa điểm du đấu mùa Hè của “Quỷ đỏ”. Tuy nhiên, không phải cuộc chinh phục nào cũng đơn giản. Chelsea hướng đến bên kia Đại Tây Dương trong vài năm gần đây, song không gặt hái được kết quả nhưng mong muốn. Mùa Hè này, “The Blues” quay về với châu Á quen thuộc.
Chuyến du lịch rầm rộ
Chiếc máy bay của Turkish Airlines chở M.U lang thang nước Mỹ đang chật ních. Sau một loạt những vụ chuyển nhượng vừa qua, Sir Alex Ferguson đem theo gần như toàn bộ các học trò cả cũ lẫn mới. Chỉ vài trường hợp như Darren Fletcher tiếp tục điều trị hay vài cái tên dự bị chắc chắn bị bán là vắng mặt trong chuyến du đấu này. Bên cạnh đó, còn phải kể đội ngũ huấn luyện đông đảo, các chuyên gia y tế, nhân viên kỹ thuật, truyền thông, các đại sứ Old Trafford như Bryan Robson hay Denis Irwin và thậm chí cả những đầu bếp riêng. Tờ Daily Mail đùa rằng khi Chicharito nhập cuộc lúc M.U đến New York, có thể phải chịu cảnh ngồi trong... toilet vì hết chỗ!
Trong gần 2 tuần lễ, M.U sẽ “phiêu bạt” qua 4 thành phố và thậm chí gặp lại cả Barcelona tại Washington. Xét trên khía cạnh lợi nhuận, họ thu được không nhỏ. Đơn giản như các trận đấu luôn có số vé bán được cỡ trên 60.000, gấp đôi số khán giả trung bình ở giải MLS. Ngoài ra còn các hoạt động phục vụ nhà tài trợ Nike hay đối tác thương mại là nhà tài trợ áo đấu Aon. Bên cạnh đó, thương hiệu M.U càng được quảng bá rộng rãi hơn.
Về chuyên môn, không thể nói là không có gì. MLS đã tiến bộ mạnh mẽ trong vài năm gần đây và những trận giao hữu kiểu này chính là cơ hội tốt để các tân binh hòa nhập, các gương mặt trẻ thể hiện mình như Chicharito đã làm trên đất Mỹ mùa Hè năm ngoái. Đó là chưa kể màn tái ngộ với Barcelona cũng khá hấp dẫn.
Nhưng không phải “du khách” nào cũng nhận được sự đón chào nhiệt thành như M.U. Thực tế, không khí fan Mỹ dành cho “Quỷ đỏ” vẫn thua xa độ nóng ở các chuyến du đấu châu Á. Ngay cả trận M.U gặp Seattle Sounders giữa tuần này cũng chỉ nhận được sự chú ý cỡ... một cột báo trên báo chí địa phương. Thành ra, không ngạc nhiên chút nào khi trận Man. City gặp Club America tại San Francisco vừa qua chỉ lôi kéo được 11.000 khán giả đến sân. Ở xứ sương mù, Man. City đang mạnh miệng thách thức M.U và hứa hẹn là một tên tuổi lớn mùa tới. Nhưng ở những thị trường như Mỹ, Man. City vẫn vô danh!
Sau các chuyến du đấu “làm kinh tế” kiểu này, đội bóng nào cũng tuyên bố thành công mỹ mãn từ mục đích tập luyện chuẩn bị mùa giải mới cho tới ý nghĩa cao đẹp “thúc đẩy sự phát triển bóng đá” hay riêng tư hơn là tăng cường lợi nhuận cho CLB. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng đúng như vậy. Lấy ví dụ Arsenal và huấn luyện viên Arsene Wenger đều ca ngợi tour châu Á vừa qua là “hoàn hảo” nhưng một nhóm nhỏ fan “Pháo thủ” lặn lội từ Anh theo chân CLB đã “tố” rằng nhiều điều không đúng như tô vẽ. Trận gặp Hàng Châu Greentown ở Yiwu được đưa tin là chật kín khán giả song thực tế chỉ có 20.000 người xem mà lí do chính là giá vé khá chát.
Mặt trái của những chuyến đi
Đang có những phàn nàn ở xứ sương mù rằng tình trạng các CLB Premier League lũ lượt đi “tour” Hè là không khôn ngoan, quá hướng về những thị trường ngoại mà thờ ơ thị trường nội địa.
Đúng là danh tiếng của Premier League lên như diều nhờ sự quảng bá rầm rộ, độ phủ sóng cao ở các thị trường quan trọng trên thế giới như châu Á. Nhưng thực tế, phần quan trọng trong nguồn thu của mỗi CLB vẫn đến từ “sân nhà”. Có những đội bóng khôn ngoan biết kết hợp tốt như Arsenal vừa du đấu, vừa vẫn tổ chức Emirates Cup đáp ứng người hâm mộ “nội”. Tuy nhiên, đa số đội khác bỏ bẵng nhu cầu này. Liệu các fan Anh có cảm giác mình bị đội nhà bỏ rơi trong mùa Hè?
Một lo ngại lớn hơn là ném mình vào những chuyến đi dằng dặc như vậy, liệu các cầu thủ có mỏi mệt hay tệ hơn là dính chấn thương khi mùa giải mới còn không xa? HLV Newcastle Alan Pardew vừa phải lên tiếng trấn an người hâm mộ là hành trình tới Mỹ của “Chích chòe” không có gì là kiệt sức cả bởi nhiều đối thủ còn đi... xa hơn. Newcastle bay khoảng 11.820 dặm với tổng thời gian trên không là 25 tiếng. Nhưng họ mới chỉ đứng thứ 10 trong danh sách “phiêu bạt” mùa Hè của Premier League. Đứng đầu là Chelsea du đấu châu Á với tổng hành trình lên tới 19.061 dặm. Tiếp đến cũng là những CLB đến châu Á khác là Liverpool (18.938 dặm) và Arsenal (17.829 dặm). “Tham” cả Mỹ lẫn châu Âu, Man. City sẽ phải đi tới 14.560 dặm cả thảy. Mệt thì có mệt. Nhưng lợi thì không ai có thể bỏ qua cả, nhất là khi “Luật công bằng tài chính” đang khiến các đội bóng càng phải miệt mài tăng thêm doanh thu...
Rắc rối visa
Không ít “du khách” của Premier League gặp khó khăn trong chuyện xin visa khi du đấu nước ngoài. Đen đủi nhất là Newcastle khi có tới 3 cầu thủ không được cấp visa theo đội đến Mỹ. Joey Barton và Nile Ranger với nhiều “tiền án” bạo lực bị từ chối đã đành. Tân binh Yohan Cabaye mới đến từ Lille cũng mất cơ hội hòa nhập cùng các đồng đội mới bởi “một lỗi nhỏ” trong hồ sơ xin visa Mỹ. Tiền vệ này đành phải theo chân đội dự bị đến luyện tập ở Hà Lan.
Các đội bóng Anh đi đâu?
- Arsenal: Ngày 5/7, đội bắt đầu tập trung và sau đó lên đường du đấu châu Á với trận gặp Malaysian XI ngày 13/7 rồi đến Trung Quốc.
- Aston Villa: Ngày 8/7, tân HLV Alex McLeish gặp gỡ các học trò. Họ sẽ tới Hong Kong dự giải Barclays Asia Trophy, cũng có sự tham dự của Chelsea, Blackburn và một đội bóng chủ nhà.
- Blackburn: Tập trung sớm nhất, từ ngày 3/7. Cuối tháng sẽ đến Hong Kong dự giải Barclays Asia Trophy. - Bolton: Du đấu Mỹ từ 14/7.
- Chelsea: Du đấu châu Á, trong đó có tham dự giải Barclays Asia Trophy. - Everton: Có hai trận tại Mỹ gặp các đối thủ ở giải MLS.
- Fulham: Sớm tập trung bởi tham dự vòng loại Europa League. Có thể coi việc gặp “bé hạt tiêu” NSI Runavik của Faroe Islands là chuyến du đấu Hè nhẹ nhàng của “Cottagers” (thắng 3-0).
- Liverpool: Du đấu châu Á.
- Man. City: Cũng tham gia Herbalife World Football Challenge ở Mỹ cùng với M.U nhưng hai kình địch láng giềng này sẽ không chạm trán nhau.
- M.U: Du đấu Mỹ.
- Newcastle: Là một trong những đại diện Premier League góp mặt ở Mỹ mùa Hè này.
- Norwich: Tân binh mới lên hạng chọn Đức để “cắm trại”.
- Queens Park Rangers: Mới lên hạng, đội bóng này lựa chọn những trận giao hữu trên sân khách nhưng loanh quanh ở nước Anh trước mùa giải mới.
- Stoke: Khá lặng lẽ tập huấn ở Áo.
- Sunderland: Có những giao hữu không quá xa SVĐ Ánh sáng.
- Swansea: Quanh quẩn ở Anh chuẩn bị cho lần đầu tiên hít thở không khí Premier League.
- Tottenham: Lựa chọn điểm đến là Nam Phi.
- West Brom: Có tour 12 ngày ở Mỹ với 3 trận giao hữu.
- Wigan: Có 4 ngày tập huấn ở Thụy Điển.
- Wolves: Có 5 trận du đấu trước khi kết thúc quá trình chuẩn bị mùa giải trên sân nhà bằng trận tiếp Real Zaragoza.
TT&VH