Níu kéo một hạnh phúc đang đứng bên bờ vực thẳm dễ hay khó, điều đó tùy thuộc vào cách ứng xử và quan niệm về tình yêu, hạnh phúc của cả hai người trong cuộc.
Hạnh phúc mong manh
Ngày Hoàng Yến (Q.10, TP.HCM) sinh bé thứ hai, ông bà nội ngoại hai bên đã già yếu, tìm đỏ con mắt vẫn chẳng ra người giúp việc. Tính tới tính lui, phương án Yến nghỉ làm chăm con vẫn là thượng sách. Ai ngờ, chuyện gia đình bắt đầu lục đục từ đó.
Tốt nghiệp đại học, từng làm trợ lý cho một dự án nước ngoài, bỗng dưng trở thành bà nội trợ, Yến bức bối không chịu được. Việc nhà, cộng thêm con mọn khiến Yến phải loay hoay suốt ngày. Trước đây, khi đi làm, nếu có chuyện gì buồn phiền, chỉ cần “tám” với bạn bè đồng nghiệp là nỗi buồn tan thành mây khói. Giờ ở nhà với bốn bức tường và “anh bạn nhỏ”, mẹ vui, mẹ buồn gì cũng chỉ biết khóc oe oe nên hễ chồng và đứa con gái lớn về đến nhà là Yến tranh thủ xả “xì trét” bằng cách cằn nhằn chồng, la mắng con.
Ban đầu cố gắng chấp nhận vì hiểu tâm trạng của vợ, nhưng lâu dần Việt, chồng Yến cũng “xì trét” theo. Vợ chồng cãi nhau liên tục, chuyện bé xé to. Có lần, vì hai vợ chồng vừa cãi nhau, buổi sáng hôm sau, trước khi đi làm Việt đặt tiền lương lên bàn ăn. Chỉ có vậy mà trưa về, Việt phải chịu đựng cảnh Yến mặt sưng mày sỉa, cho rằng anh coi thường vợ, đưa tiền mà như bố thí. Lần khác, chẳng biết Yến moi thông tin từ đâu ra mà khăng khăng rằng Việt có bồ nhí. Yến còn tìm đến tận địa chỉ mà cô vô tình đọc được trong điện thoại của Việt. Ai dè đó là một... nhà hàng nổi tiếng của giới doanh nhân. Chưa chịu buông tha, cô liên tục cật vấn chồng với lời khẳng định như đinh đóng cột: “Anh bồ bịch với con nhỏ tiếp viên nào ở đó?”.
Mâu thuẫn vợ chồng vì thế từ chuyện “nhỏ như con thỏ” lâu dần thành nghiêm trọng đến mức không còn có thể chấp nhận. Yến quyết tâm lên mạng tìm việc để tự giải phóng mình và nhanh chóng được nhận vào làm việc cho một dự án cộng đồng tại Nha Trang.
Một trường hợp khác: Bản tính trăng hoa của chàng lãng tử Hải Lý (Q.9, TP.HCM) chẳng chút thay đổi ngay cả khi đã lấy vợ. Con đầu lòng chưa đầy năm, anh đã “ngựa quen đường cũ”, bồ bịch nhăng nhít. Bị vợ phát hiện, Lý lại giở chiêu thề thốt, năn nỉ khiến chị Ngọc Hoa - vợ anh dù sắt đá đến mấy cũng phải mềm lòng. Sau lần ấy không lâu, chị Hoa lại bắt gặp trong điện thoại của chồng những dòng tin nhắn mùi mẫn của một cô gái lạ. Lần này, anh chồng biện minh: “Mấy em nhà hàng thích chọc ghẹo anh, em quan tâm làm gì cho mệt”. Thấy chồng vẫn có điểm tốt là thương yêu con, Hoa tự trấn an “đàn ông mấy ai không trăng hoa” để chấp nhận, tha thứ và bỏ qua. Nhưng hết lần này đến lần khác, Hải Lý vẫn chứng nào tật nấy.
Thế là đơn ly hôn có đủ chữ ký hai vợ chồng được gửi đến tòa án quận khi sự chịu đựng của chị Hoa đã vượt ngưỡng. Dù vẫn sống cùng một nhà, nhưng vợ chồng họ là hai thế giới khác biệt. Nhưng mối quan hệ của anh Hải Lý với cô bồ nhí chỉ kéo dài hơn hai năm. Hải Lý bị “người tình bé nhỏ” trở mặt khi việc làm ăn của anh trục trặc, anh không còn nhiều tiền để đáp ứng nhu cầu của cô. Đến lúc ấy anh mới thấy không ai bằng vợ, nhưng tất cả đã muộn.
Bất ngờ “phút 89”
Chuyện cũ cách đây đã sáu năm, nhưng mỗi khi nhắc lại, Hoàng Yến vẫn thảng thốt: “Suýt nữa tôi đã đánh mất hạnh phúc gia đình”. Ôm con ra Nha Trang, không bạn bè, không người thân, chị gọi đến tổng đài tư vấn mong tìm được người tâm sự trong lúc cô đơn. Ai dè vậy lại hóa hay, sau hơn một giờ tỉ tê tâm sự, chị bỗng ngộ ra: “Hình như… mình cũng có lỗi”. Những buổi nói chuyện sau đó với chuyên viên, phần lỗi của chị càng rõ rệt hơn. Vợ gì mà lúc nào cũng nhăn nhó khó ưa, sẵn sàng đá thúng đụng nia. Tối mắt kiềm tiền nuôi vợ con, về nhà gặp bà vợ chỉ biết càu nhàu, chồng không tức giận mới lạ. Nhận ra lỗi nhưng làm sao quay trở về lại là vấn đề nan giải khác.
Trăn trở suốt mấy ngày, chị sực tỉnh với suy nghĩ: “Chủ động hàn gắn là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Nhưng… làm sao để chiến thắng “cục tự ái” và cái tôi, nhất là trong tình huống mình là người chủ động ôm con ra đi”.
Dịch vụ nhắn tin của điện thoại di động chưa bao giờ hữu ích với chị như lúc ấy. Những gì ngại ngùng không dám nói bằng lời, chị “bộc bạch” bằng những dòng tin nhắn. Phần anh, vắng chị, chịu cảnh gà trống nuôi đứa con lớn, anh mới hiểu hơn nỗi niềm của chị khi phải hy sinh sự nghiệp để lo cho gia đình. Nhưng “cái tôi” của anh cũng lớn không kém. Nhận được dòng tin nhắn của vợ, anh như được cởi tấm lòng.
Chuyện nhà chị Yến kết thúc bằng “happy end” (kết có hậu). Anh xin nghỉ phép, dẫn cô con gái lớn ra Nha Trang đón mẹ và em, đồng thời tranh thủ “hấp hôn” để hâm nóng tình yêu. Ngày quay về TP.HCM, để tránh “bổn cũ soạn lại”, vợ chồng Hoàng Yến quyết định gửi thằng nhóc đi nhà trẻ để chị kiếm việc đi làm lại. Mỗi khi nhắc chuyện cũ, anh hay tếu táo: “Không phải tại anh mà cũng chẳng phải tại em, chỉ tại cái việc làm!”.
Chuyện vợ chồng chị Ngọc Hoa không đơn giản như nhà chị Yến. Tại buổi hòa giải, chị cương quyết nói với cán bộ tòa án: “Tôi không chấp nhận sống chung trở lại, vì bất kỳ lý do nào!”.
May mắn giữa họ vẫn còn có những đứa con hết lòng yêu thương bố. May mắn hơn nữa bởi dù giận anh, nhưng quan niệm đó là chuyện của người lớn, chị Hoa chưa bao giờ gieo vào đầu con tư tưởng oán hận ba. Biết chị hết lòng yêu thương con cái, anh quay sang “tấn công” các con. Không chỉ giành nhiệm vụ đưa rước con hằng ngày, anh tình nguyện kiêm luôn vai trò gia sư cho cô con út đang học lớp 1. Cuối tuần, anh kiếm cớ chở con đi nhà sách, đi siêu thị… Nhìn các con hạnh phúc, hớn hở vì luôn có ba bên cạnh, chị Hoa bỗng thấy mềm lòng. “Đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ tha thứ cho sự phản bội. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ông bà mình nói “còn giận là còn thương”. Nếu còn thương, sao không tìm cách hóa giải và tha thứ để giữ được người mình đã từng đầu ấp tay gối?” - chị nói.
Hàn gắn dễ hay khó?
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Kim Bắc - Trung tâm tư vấn Gia đình và ly hôn phân tích: “Hôn nhân đòi hỏi sự tôn trọng lẫn nhau ở cả hai phía. Càng đến ranh giới của sự đổ vỡ, vợ chồng càng phải hết sức cẩn trọng trong từng lời nói đến cách ứng xử. Thiếu bình tĩnh, thiếu sự phân tích thấu đáo hoặc chỉ biết đặt cái tôi cá nhân của mình lên cao, sẽ khó có thể ra được một quyết định đúng đắn. Chấp nhận, tha thứ để hàn gắn sau những rạn nứt là điều luôn được khuyến khích và ủng hộ. Tuy nhiên, để gương vỡ lại lành, phải xuất phát từ tình cảm, từ trái tim chứ không phải vì bất kỳ một lý do nào khác có liên quan đến danh dự, tài sản… hay con cái. Khi đã cạn tình, khi đời sống hôn nhân đã không còn ý nghĩa thì chia tay vẫn là giải pháp tốt nhất để tránh những tổn thương về tinh thần có thể tiếp tục xảy ra, dẫn đến những hậu quả xấu hơn cho hôn nhân, cho con cái và cho chính bản thân mình”.
Quả thật, hàn gắn hôn nhân bên bờ vực thẳm đã khó, việc chung sống với nhau sau đó càng khó hơn. Cầm quyết định ly hôn trên tay, chị Nguyễn Thị Mười (Q.Bình Tân, TP.HCM) rưng rưng: “Chẳng ai muốn đánh mất hạnh phúc gia đình, tôi cũng đã cố hết sức để níu kéo, nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Thời gian ly thân, không tiếp xúc, va chạm nhiều với chồng, tôi nghĩ mình có thể tha thứ để con cái còn cha, còn mẹ. Nhưng quay lại chung sống, chạm mặt nhau hằng ngày tôi mới thấy hết khó khăn. Tôi không bao giờ cảm thấy hài lòng với bất kỳ việc làm nào của chồng. Nếu không thể tha thứ, không thể quên lỗi lầm của chồng thì thà giải thoát cho nhau còn hơn cố sống mà suốt ngày cứ cắng đắng, chì chiết nhau”.
Đã sắp lên chức ông bà ngoại, gia đình anh chị Thanh Tuấn, Thục Quyên là một kiểu mẫu gia đình ai cũng mơ ước. Cuộc hôn nhân của anh chị cũng đã trải qua không ít sóng gió và ít nhất hai lần đứng trước nguy cơ tan vỡ. Bài học “xương máu” chị học được sau những biến cố là: “Nếu đã chấp nhận tha thứ để hàn gắn hôn nhân, tất cả những gì thuộc về quá khứ phải được xếp lại. Không bao giờ nhắc lại lỗi lầm của người bạn đời cho dù vì bất kỳ lý do gì. Điều này tuy đơn giản, nhưng lại không dễ áp dụng khi “đương sự” đối mặt với thực tế. Tìm được hạnh phúc rất khó, vì thế đừng vội buông xuôi để rồi phải hối tiếc vì mình chưa cố gắng hết mức để nắm giữ hạnh phúc”.
PNO