Vốn quen thuộc với hình ảnh một anh chàng điển trai, nam diễn viên Khương Ngọc khiến khán giả khá bất ngờ với tạo hình Trần tướng quân trong bộ phim Thiên mệnh anh hùng. Với vết sẹo choán hết nửa khuôn mặt cùng một mắt chột, một mắt lồi, tạo hình của anh khiến nhiều khán giả yếu bóng vía phát sợ.
Tạo hình của Khương Ngọc
Để có được một hình ảnh như vậy, Khương Ngọc cho biết, anh mất hơn một giờ chuẩn bị trước mỗi cảnh quay để gắn sẹo và đeo mắt giả.
Một bộ phim khác cũng gây ấn tượng mạnh ở phần hóa trang là Lời nguyền huyết ngải của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Các nhân vật thầy Hoàn Sinh (NSƯT Thành Lộc) bí ẩn, Chiêu Dương (Yu Dương) - cô bé bị ma ám lúc dễ thương, lúc đáng sợ hay bà vú (NSND Như Quỳnh) luôn lo lắng, sợ hãi… đều có tạo hình hết sức đặc biệt, giúp làm toát ra đúng tinh thần của một bộ phim kinh dị.
Thành Lộc trong Lời nguyền huyết ngải
Gần đây, vai diễn một người vợ bị ma ám của Ngô Thanh Vân trong phim Ngôi nhà trong hẻm nhận được đánh giá cao, một phần cũng nhờ vào hóa trang.
Điện ảnh thế giới từng tạo ra nhiều nhân vật điển hình nhờ vào tài hóa trang, như vai diễn của Brad Pitt trong phim Curious case of Benjamin Buton. Trong vai một nhân vật có số phận đặc biệt, sinh ra trong hình hài một ông già và càng ngày càng trẻ lại, Brad Pitt mất từ 2-4 tiếng hóa trang trước mỗi cảnh quay.
Brad Pitt từ trẻ đến già
Để tạo gương mặt lúc 16, 17 tuổi, lúc như ông già, đội ngũ hóa trang đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của vi tính cùng các chất liệu đặc biệt. Phim xứng đáng đoạt giải Oscar hóa trang xuất sắc năm 2008.
Tương tự, nhân vật Võ Tắc Thiên (Lưu Hiểu Khánh đóng) trong phim Tình sử Võ Tắc Thiên, đi qua các giai đoạn từ một cô gái 18 cho đến khi thành bà lão 80, cũng cho thấy nghệ thuật hóa trang một cách tài tình.
Lưu Hiểu Khánh hóa thân thành nhân vật từ 18 đến 80 tuổi
Nghề thầm lặng
Gắn bó với nghề hóa trang từ hơn 20 năm nay, chị Thanh Bình đã trải qua vô số những vui buồn cùng nghề này. Đến với nghề qua một khóa học trung cấp nhưng chị cho biết muốn tốt, người hóa trang phải tự học tập, tìm tòi là chính.
Đối với những người không chuyên, hóa trang cũng tương tự như trang điểm. Theo chị Bình, hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Trang điểm chỉ đơn thuần là tôn vẻ đẹp, trong khi hóa trang là cách tạo hình nhân vật cho phù hợp với tính cách, hoàn cảnh.
"Cùng là đẹp nhưng một cô gái điếm phải đẹp khác một cô nhân viên văn phòng", chị Bình nói. Vì thế, trước mỗi yêu cầu hóa trang, việc đầu tiên chị làm là đọc kỹ kịch bản để biết nhân vật cần gì.
Chị Thanh Bình hóa trang cho nhân vật trong phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực
"Người hóa trang luôn phải trang bị kiến thức, vốn sống. Bạn có thể tích lũy những điều này qua phim ảnh, sách vở và cả những trải nghiệm của chính mình", chị nói.
Một trong những yêu cầu quan trọng trong hóa trang, theo chị Bình, là chất liệu. Chị kể, với phim Mùa len trâu, chị phải chế một cái thẹo tiệp với màu da của nhân vật. Hay với phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực, chị phải đặt mua râu giả từ nước ngoài cho nhân vật lính Tây, bởi chất liệu râu giả trong nước thô, cứng hơn, không hợp với râu tóc người phương Tây vốn mảnh và mềm.
Một trong những ca khó, để lại cho chị nhiều ấn tượng nhất là trong phim Mê thảo thời vang bóng. Ở cảnh cuối khi cố diễn viên Đơn Dương ngồi gảy đàn, máu rỉ ra đầu ngón tay. Để làm được điều này, chị đã phải đặt một cái ống cực mảnh dẫn đến đầu ngón tay của diễn viên mà khán giả khó phát hiện trên màn ảnh.
Nhân vật trong phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực
Lilian Trần, chuyên gia hóa trang trong phim Lời nguyền huyết ngải cũng chia sẻ, việc hóa trang cho nhân vật thầy Hoàn Sinh khiến chị mất rất nhiều thời gian. Theo đó, đội ngũ hóa trang sẽ đắp silicon lên mặt anh dựa theo phác thảo, phủ một lớp da đầu bằng cao su mỏng để che phần tóc thật, trước khi đội tóc giả lên.
Cực là vậy nhưng ở Việt Nam, nghề hóa trang lại chưa từng được vinh danh tại bất cứ giải thưởng điện ảnh nào. Chị Bình trầm ngâm: "Thế giới có giải thưởng dành cho hóa trang, nhưng Việt Nam thì chưa. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi làm vì lòng yêu nghề".
Đất Việt