Thông qua hình tượng mang tính ẩn dụ về những con ký sinh trùng sống nhờ vào vật chủ, “Ký sinh trùng” chạm đến những vấn đề cốt lõi của xã hội Hàn Quốc hiện đại nhưng đồng thời cũng rất gần gũi với khán giả toàn cầu. Mang lại nhiều tình tiết khó đoán, bộ phim “Ký sinh trùng” mang lại cho người xem nhiều ám ảnh từ khi bắt đầu xem phim đến khi rời khỏi rạp chiếu.
Ám ảnh sự tàn khốc của khoảng cách giàu nghèo
Bộ phim mang đến nhiều ám ảnh về sự phân hóa giàu nghèo đến tàn khốc trong xã hội.
Bộ phim mở đầu bằng cách giới thiệu trực diện chân dung bốn thành viên trong một gia đình lao động nghèo. Họ ở trong một căn hộ tầng hầm có cửa sổ kính nhìn ra một khu phố đông đúc, nhếch nhác theo hướng “từ dưới nhìn lên”.
Ki Taek (Sang Kang Ho đóng) - chủ của gia đình - là một người đàn ông thất nghiệp. Vợ ông ta - Chung Sook (Chang Hyae Jin) và hai đứa con đang độ tuổi trưởng thành là Ki Woo (Choi Woo Shik) và Ki Jung (Park So Dam) cũng không có nghề nghiệp ổn định. Trải qua nhiều thất bại trong công việc, gia đình họ phải kiếm sống bằng nghề gấp hộp bánh pizza và số tiền kiếm được là rất thấp.
Phim bắt đầu với hình ảnh hai anh em Ki Woo phải tìm cách ăn cắp WiFi "chùa" trong căn hộ tầng hầm chật chội, ẩm thấp. Có thể ban đầu khán giả sẽ bật cười với những hành động hài hước, đáng yêu của hai anh em, nhưng càng xem, nhớ lại tình huống phim ban đầu ấy, lại khiến khán giả như nghẹt thở với hình ảnh một gia đình điển hình cho tình cảnh bấp bênh và thiếu ổn định của những người nghèo trong xã hội.
Hai anh em ngồi ở nơi bắt sóng wifi "chùa" tốt nhất
Khoảng cách giàu nghèo được đạo diễn thể hiện một cách tinh tế qua những hình ảnh đối lập và tương phản dữ dội. Những khoảng cách không thể xóa nhòa về giai cấp và khiến con người dần dần tha hóa.
Sự đối lập đầu tiên chính là nơi sinh sống của hai gia đình. Một căn hộ tầng hầm bẩn thỉu của gia đình Ki Taek, nơi bọn họ phải nhìn lên và chứng kiến cảnh một kẻ say rượu đái bậy trước nhà; Một ngôi biệt thự biệt lập trên đồi của gia đình Park được bao quanh bởi rừng cây cối được tỉa khéo léo và có tầm nhìn tuyệt đẹp lên bầu trời.
Điều này được thể hiện một lần nữa trong cảnh đêm mưa. Khi căn hộ tầng hầm của gia đình chìm ngập trong nước thải như có một trận lụt lớn. Nhưng ở ngôi biệt thự trên cao của gia đình Park lại yên bình và lãng mạn trong màn mưa.
Đó là một ví dụ tuyệt vời của việc gợi lên sự khác biệt giai cấp thông qua không gian và ánh sáng. Một ví dụ để lại cho người xem hai chữ “ám ảnh”.
Ám ảnh cái kết kinh hoàng
Sự phân hóa này còn được thể hiện ở sự đối lập trong suy nghĩ và hành vi của người giàu và kẻ nghèo. Ông Park và vợ mình tuy tỏ ra tử tế và dù cố giấu vẫn để lộ sự kỳ thị và thành kiến. Đặc biệt, cũng là đỉnh điểm họ không chịu nổi mùi toả ra trên cơ thể của những người nghèo. Đỉnh điểm trong sự chịu đựng của họ đối với cái mùi đó. Đỉnh điểm sự khinh miệt, thành kiến của họ dành cho những người nghèo. Cũng chính đỉnh điểm đó đã tạo nên cái kết kinh hoàng.
Một trong những nhận xét ngắn gọn mà đầy đủ nhất, tờ Variety đã gọi Parasite là phim "không thể phân loại với nhiều cung bậc cảm xúc: bi hài, slasher, kinh dị, tội ác... Bộ phim mở đầu với nhiều tiếng cười, sau đó thay bằng tiếng gầm gừ rồi kết thúc với tiếng thét tuyệt vọng...".
Bộ phim dài hơn 2 tiếng, mang đến cho khán giả sự ám ảnh và tại Việt Nam bộ phim đã thu về hơn 15 tỷ đồng sau 4 ngày công chiếu với hơn 200 nghìn lượt người ra rạp.
Hà Giang (Theo Nld.com.vn)