Anh Moshe, sinh viên làm thêm trong nhà hàng Nhật ở Tel Aviv. Ảnh: K.H.
Khi tôi hỏi Guy Miron, 25 tuổi, sinh viên khoa diễn xuất trường Seminar Hakibbutzim (Tel Aviv, Israel) rằng có sống với gia đình không, anh nhìn tôi lạ lẫm: “Hỏi thật hay đùa đấy? Tớ 24 tuổi rồi, có phải trẻ con 14 tuổi đâu mà ở với bố mẹ”.
Giới trẻ Israel sống tự lập từ rất sớm, hầu hết đều chuyển ra ở riêng khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở lứa tuổi 20, 21 hay khi bắt đầu học đại học ở lứa tuổi 23. Khác với bạn trẻ hầu hết các nước trên thế giới, giới trẻ Israel thường đi theo một lộ trình đặc biệt: học xong trung học, vào quân ngũ (2 năm cho nữ, 3 năm với nam), đi làm 1-2 năm tiết kiệm tiền để đi du lịch khoảng 1 năm, sau đó mới về học đại học. Chính vì thế, họ bắt đầu đại học khi đã khá già dặn, có nhiều trải nghiệm.
Nếu như ở Việt Nam, sinh viên chỉ thuê nhà khi phải sống xa gia đình thì tại Israel, họ chuyển ra ở riêng ngay cả khi trường đại học nằm cạnh nhà bố mẹ. Khi tôi hỏi tại sao giới trẻ Israel ra ở riêng sớm thế, Guy lại phá lên cười: “Chưa hẳn là sớm. Tại Israel mọi người đi học đại học muộn nên bạn nghĩ bọn tớ ra ở riêng sớm thôi.”
Lý do chính để mọi người chuyển ra ở riêng tại Israel cũng như ở những nơi khác là để được tự do làm những gì mình thích. “Các cụ ở nhà có cách sống khác, nhiều khi không chấp nhận những thứ mình làm”, Guy chia sẻ. “Ở cùng bố mẹ đi đâu cũng phải báo cáo, bạn bè đến nhà cũng không được tự do, rồi mẹ lúc nào cũng lo cho mình như mình còn trẻ con”.
Khác với phụ huynh ở Việt Nam thường lo lắng không muốn cho con ra ở riêng, cha mẹ ở Israel hết sức ủng hộ, thậm chí khuyến khích tinh thần sống tự lập.
Itamar và các bạn sinh viên khác chơi nhạc trên đường phố để kiếm tiền. Ảnh: K.H.
Nhiều cách kiếm tiền
Chuyển ra ở riêng cũng đồng nghĩa với việc bạn phải tự trang trải mọi chi phí, tuyệt nhiên không có chuyện xin tiền bố mẹ. Vì vậy, hầu như sinh viên nào ở Israel cũng làm thêm. “Phổ biến nhất là phục vụ bàn, phụ bếp, bartender, nhân viên ở các tổng đài điện thoại, bảo vệ đêm... Nói chung là bất cứ công việc nào có thể làm theo ca, làm đêm, làm cuối tuần hay không trùng với giờ học”, Tom Cohen, 27 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học Tel Aviv danh tiếng cho hay.
Tom hiện có đến 3 công việc làm thêm: Phụ bếp ở hai quán ăn và nhân viên nhập dữ liệu ở Cty giải pháp di động. Khi tôi hỏi tìm việc làm thêm ở đây có khó không, Tom lắc đầu. “Tùy từng nơi, từng việc. Ở Tel Aviv thì dễ lắm, nhất là làm bồi bàn. Bạn chỉ cần đi từ đầu đường đến cuối đường là tìm được việc”.
Theo thông tin tôi tìm hiểu được, phục vụ bàn là công việc cho thu nhập khá cao. Dù các nhà hàng thường chỉ trả mức lương tối thiểu (22NIS/giờ, khoảng 130.000VND/giờ) hoặc không trả lương, nhưng nhân viên phục vụ ở đây thu nhập chủ yếu từ tiền tip. Thông thường, người dân Israel tip khoảng 10% hóa đơn thanh toán. Ở những nhà hàng đông khách, tiền tip có khi lên đến 70 - 100NIS/giờ (khoảng 416.000 - 595.000VND/giờ).
Một góc mái nhà được biến thành quầy bán rượu bia, nước uống với giá cực rẻ. Vé vào cửa mỗi bữa tiệc thường vào khoảng 20-30NIS (khoảng 120.000 - 180.000VND). Một bữa tiệc với khoảng 200 người tham gia là cô đã có thể đút túi khoảng 2.000NIS (khoảng 12 triệu tiền Việt).
Itamar Cohen, sinh viên ngành điện ảnh, đồng thời là tay trống Djembe (một nhạc cụ châu Phi) lại cùng bạn bè thành lập gánh hát rong. Cuối tuần, cả nhóm đóng quân ở các điểm đông người qua lại tại Tel Aviv, biểu diễn kiếm tiền từ khán giả là khách qua đường...
Tiền Phong