Tình bạn công sở luôn có 2 mặt. Một mặt, nó giúp bạn có được những khoảng thời gian thú vị ngay tại môi trường công sở, bên cạnh những bạn bè tốt có thể giúp bạn hoàn thành tốt công việc, thư giãn, giảm stress và nâng cao hiệu quả công việc một cách tối đa.
Những điều cân nhắc khi xây dựng tình bạn công sở
Tình bạn nơi công sở là yếu tố không thể tách rời trong môi trường làm việc tích cực - (Ảnh minh họa)
Nhưng mặt khác, có khá nhiều lý do tại sao bạn không nên kết hợp giữa cuộc sống cá nhân và công việc bởi những xung đột về lợi ích, quan điểm cá nhân, những rắc rối trong đời sống riêng tư không liên quan đến công việc cũng không hề diễn ra nơi công sở.
Nói như thế không có nghĩa là bạn nên cư xử thô lỗ với đồng nghiệp hay sống tách biệt với mọi người ở công ty và cũng không có nghĩa là bạn phải kết thân với tất cả mọi người tại nơi làm việc.
Đương nhiên, trò chuyện một cách lịch sự với bạn bè, đồng nghiệp có thể giúp bạn tạo lập được những mối quan hệ tích cực, giúp cho cuộc sống hằng ngày của bạn dễ chịu hơn. Bạn nên đồng ý đi nhậu với họ sau giờ làm việc, chia sẻ với họ khó khăn trong cuộc sống hoặc cùng nhau đi cắm trại, du lịch... bởi tình bạn nơi công sở là một yếu tố cần thiết trong môi trường làm việc của bạn.
Tuy nhiên, khi xây dựng mối quan hệ bạn bè thân thiết nơi công sở, để tránh những xung đột không đáng có, bạn nên cân nhắc đến những yếu tố sau:
- Văn hóa công ty
Mỗi công ty có nét văn hóa khác nhau với những quy tắc xử sự áp dụng riêng. Một doanh nghiệp có quy mô lên tới hàng trăm nhân viên không thể cùng áp dụng văn hóa doanh nghiệp như với những công ty nhỏ lẻ, dưới 10 người.
Đa phần các công ty đều có những đặc trưng văn hóa riêng và bạn nên đánh giá được nét riêng ấy để quyết định mức độ gần gũi, thân cận với đồng nghiệp cũng như những giới hạn nên có.
- Chú ý đến phân cấp
Một trong những nguyên tắc để hình thành nên tình bạn công sở là sự bình đẳng, ngang hàng trong quan hệ công việc. Với những người này, bạn không cần phải quá cẩn trọng khi thiết lập mối quan hệ thân thiết.
Tuy nhiên, nếu người bạn tiềm năng đó có khả năng trở thành quản lý hoặc cấp dưới của bạn trong tương lai gần, điều này có thể dẫn đến những thiên vị, ưu đãi hoặc cố gắng để lấy lòng sếp mới. Tình bạn thân thiết lúc này sẽ ít nhiều làm suy giảm nghiêm trọng tính chuyên nghiệp, sự tôn trọng và phân định rõ thẩm quyền giữa các bạn. Bởi vậy, bạn nên cân nhắc đến phân cấp thẩm quyền cả hiện tại và tương lai trước khi tính đến mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp nào đó.
- Cá tính
Để xây dựng mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp, bạn nên chú ý đến cá tính, tính cách của cá nhân ấy, xem liệu họ có thực sự thích kết bạn hay không. Với những người thích chia sẻ, có đời sống hướng ngoại, thích chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống với mọi người xung quanh, bạn sẽ không gặp khó khăn gì trong việc kết thân. Tuy nhiên, với người nhút nhát, ít nói chuyện hoặc sắp nghỉ hưu và có xu hướng sống hướng nội, họ lại không đánh giá cao tình thân giữa đồng nghiệp.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến cá tính, sở thích của mọi người, tôn trọng ngôn ngữ cơ thể và những hành vi trong đời sống thường nhật để đưa ra đánh giá riêng. Có người thích những cái ôm thân thiết lúc gặp gỡ, khi chúc mừng gia đình có chuyện vui hay được thăng chức. Nhưng lại có người hài lòng chỉ với cái bắt tay và nụ cười thân thiện mà thôi.
Chú ý những điều này, bạn sẽ biết mình nên kết thân với ai và làm cách nào để tạo lập mối quan hệ tốt đẹp ấy.
- Lựa chọn sự kiện
Đương nhiên, việc lựa chọn để mời đồng nghiệp tham gia các hoạt động hướng ngoại, tạo lập mối quan hệ còn phụ thuộc vào loại sự kiện mà bạn có kế hoạch tổ chức hoặc tham gia. Với hoạt động này, các chuyên gia tư vấn khuyên rằng, bạn nên chọn những sự kiện mang tính cộng đồng, công cộng hơn là những việc cá nhân, riêng tư. Bởi với những sự kiện mang tính cộng đồng, bạn dễ tạo lập quan hệ thân thiết với người mà bạn đã "nhắm trước", cùng hòa vào không khí chung để từ đó xây dựng tình bạn.
- Mâu thuẫn lợi ích
Một trong những rủi ro cần tính đến khi quyết định thiết lập tình bạn thân thiết nơi công sở là liệu mối quan hệ đó có ảnh hưởng tới hiệu quả công việc và danh tiếng của bạn tại công ty hay không. Đồng nghiệp đó có thể theo tôn giáo khác hoặc có sở thích kỳ quặc đến mức ảnh hưởng đến nhận thức của bạn về họ. Nhận thức khác biệt của họ khiến bạn dễ gặp khó khăn trong quá trình làm việc với họ. Có lúc, bạn lại khoan dung hơn với một đồng nghiệp làm việc kém hiệu quả.
Một nhân tố khác là sự tin tưởng của bạn đối với đồng nghiệp mà bạn muốn kết thân. Họ sẽ không chia sẻ với người khác câu chuyện của cá nhân bạn hay những tin đồn xung quanh cuộc sống của bạn...
Tình bạn nơi công sở là yếu tố không thể tách rời trong môi trường làm việc tích cực. Có điều, bạn cần chắc chắn rằng, bạn đã suy tính đến những yếu tố này trước khi thiết lập một tình bạn văn phòng thân thiết.
Bưu điện VN