Một trong những yếu tố cơ bản để định lượng sức hấp dẫn của một giải đấu chính là số bàn thắng ghi được. Trên phương diện này, V.League 2011 đã đảm bảo được yếu tố ấy khi là mùa giải mà các chân sút thể hiện hiệu suất ghi bàn đáng gờm nhất.
Những cổ máy săn bàn đáng gờm
V.League 2011 tiếp tục cho thấy sự ổn định của các chân sút ngoại từng khẳng định được giá trị bản thân trong những mùa giải vừa qua. Đầu tiên phải kể đến Merlo. Tuy chưa thể san bằng kỷ lục ghi 23 bàn trong một mùa giải do Almeida lập nên vào năm 2008 nhưng với 22 lần lập công ở mùa này, Merlo xứng đáng được nhận những lời khen ngợi tốt đẹp nhất cho sự ổn định. Bởi đây là lần thứ ba liên tiếp, tiền đạo của SHB.ĐN giành danh hiệu Vua phá lưới với hiệu suất mùa sau cao hơn mùa trước.
Không chỉ Merlo, những cầu thủ đã từng chinh chiến ở V.League trong những năm qua như Samson (CS.ĐT, 17 bàn), Evaldo (HAGL, 20), Timothy (HP.HN, 16), Gustavo (V.NB, 14), Gonzalo (HN.T&T, 12)… tiếp tục khẳng định là những cây săn bàn cự phách. Đáng tiếc nhất là trường hợp của Evaldo (20 bàn). Nếu không phải ngồi ngoài ở 3 vòng cuối do chấn thương, ngôi vị Vua phá lưới khó lọt khỏi tay tiền đạo của HAGL. Thậm chí, Evaldo đáng ra còn có thể phá được kỷ lục ghi bàn của Almeida bởi ở thời điểm ấy, tiền đạo này đang hơn Merlo 3 bàn.
V.League 2011 không chỉ là sàn diễn của những chân sút ngoại cũ. Ở đó, các đội bóng cũng đã giới thiệu được những chân sút mới cừ khôi. Đáng kể nhất phải kể đến Lucas (HN.ACB, 16 bàn), Omar (Thanh Hóa, 15 bàn), Thiago (V.HP, 10 bàn), Fagan (SLNA, 10 bàn), Hodges (SLNA, 9 bàn)… Dù chỉ ghi được 7 bàn, nhưng không thể không nhắc đến Kavin (SLNA) như một luồng gió mới ở mùa giải 2011. Nếu không phải dưỡng thương dài hạn thì tiền đạo người Jamaica này cũng có thể đã trở thành một “sát thủ” siêu hạng với số bàn thắng nằm trong tốp đầu của mùa giải.
...Đã đẩy tính cạnh tranh lên cao
Ở V.League 2011, cầu thủ của 14 CLB đã ghi tổng cộng 553 bàn (trung bình 3,03 bàn/trận). Nếu đem đối chiếu với số lần lập công trong cả mùa của các năm 2007 (473 bàn, 2,59 bàn/trận), 2008 (479 - 2,6), 2009 (548 3,01), 2010 (513 - 2,81) thì mùa bóng vừa kết thúc có số bàn thắng cao nhất, một con số kỷ lục trong chục năm qua, kể từ khi giải đấu được chuyển đổi thành mô hình chuyên nghiệp.
Rõ ràng, sự bùng nổ của các chân sút ngoại cùng với sự phụ họa của những nhân tố nội như Công Vinh, Văn Quyết (HN.T&T), Đình Tùng (Thanh Hóa)… đã đẩy tính cạnh tranh của giải đấu lên ở mức cao hơn so với những mùa giải trước. Thước đo cho sự gay cấn ấy không phải chỉ dựa vào chặng nước rút đầy kịch tính và hồi hộp. Ở đó, những màn rượt đuổi nghẹt thở, có tỷ số cao xuyên suốt mùa giải là những ví dụ xác thực nhất.
Hơn hết, khả năng ghi bàn với hiệu suất cao là tiền đề tốt đẹp cho tương lai. Cụ thể, nó báo hiệu sự thăng hoa của V.League trong những mùa giải tới. Rõ ràng, không có gì hứa hẹn cho sức hấp dẫn hơn của giải đấu khi có sự hiện diện của nhiều chân sút xuất sắc. Đó là lý do để có thể tin rằng, tính cạnh tranh của mùa giải tới sẽ còn gay cấn và quyết liệt hơn so với những gì đã được chứng kiến trong mùa giải 2011.
Chân sút nội vẫn giẫm chân tại chỗ
Trái ngược với sự thăng hoa của các ngoại binh, các tiền đạo nội tiếp tục giẫm chân tại chỗ, thậm chí là thụt lùi. Ngoại trừ sự trở lại khá ấn tượng của Công Vinh (10 bàn) cùng với sự ổn định của Đình Tùng (10 bàn so với 7 bàn của V.League 2010), những tiền đạo như Anh Đức (B.BD), Quang Hải (N.NSG), Thành Trung (HP.HN), Được Em (N.SG)… đều chưa thể hiện được như kỳ vọng, khi con số bàn thắng mỗi người ghi được trong suốt mùa giải chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Có nhiều lý do để lý giải cho sự chững lại ấy, chẳng hạn là việc phải mất thời gian hòa nhập do chuyển đến môi trường mới. Nhưng vẫn phải khẳng định, những chân sút nội đã sa sút phong độ một cách rõ rệt. Điển hình là tiền đạo Anh Đức. Cầu thủ của B.BD mùa giải này đã không thể hiện được hình ảnh chói sáng khi chỉ ghi vỏn vẹn có 5 bàn (so với 9 bàn ở V.League 2010).
Bongdaplus