Nhậu nhẹt tưng bừng
Sau mỗi kì thi hay học kỳ hay đại học căng thẳng, nơi tập trung nhiều teen nhất chính là các quán bar, hộp đêm ồn ào và ầm ĩ. Tại đây, họ được thoải mái bộc lộ cảm xúc cá nhân, la hét, nhảy nhót và sử dụng các chất có cồn. Nhưng bao nhiều người lường hết được tác hại từ việc đó gây ra? T.Nam (17 tuổi, Bình Thạnh) nổi tiếng khắp các sàn nhảy trung tâm suốt một thời gian dài. Vốn là con trai một gia đình khá giả, đông bạn bè, nhiều tiền của nhưng thiếu sự quan tâm của cha mẹ nên mỗi khi có chuyện không vui, Nam lại thoả sức vung tiền cho những trận vui thâu đêm suốt sáng, từ tăng một đến tăng hai, tăng ba. "Ba mẹ chẳng quan tâm, ở nhà làm gì?"- Nam nói.
Việc đi bar liên tục ngốn khá tiền và sức khoẻ, chưa kể đến những hiểm hoạ khác rình rập, từ thuốc lắc cho đến các chất gây nghiện dễ được rỉ tai nhau sử dụng. Các teen girl chơi đêm còn phải đối mặt với nguy cơ dễ bị lạm dụng khi xung quanh không tìm được người đủ tỉnh táo. Và bạn biết việc điều khiển xe với nồng độ cồn cao gây nguy hiểm thế nào rồi phải không?
Nhậu nhẹt là cách xả stress không thông minh chút nào! (Ảnh minh họa)
Đua xe
Nhiều teen boy lại có thú vui vi vu lượn phố mỗi khi cảm thấy nhiều áp lực trong công việc. Nhưng việc dạo phố hóng gió dễ biến tướng thành các cuộc đua chỉ sau vài câu khích tướng. Cuối tuần, tại các khu vực đường xá rộng rãi hay vùng ngoại ô, không thiếu các trận bão đêm gây kinh hoàng cho người đi đường và nguy hiểm cho chính các tay đua liều mạng. Một số trong đó đua vì tiền, một số chỉ đua để giải toả cảm xúc. "Mình chạy cho vui thôi, nhiều khi chán chẳng cảm thấy điều gì là nguy hiểm nữa. Mỗi khi lên ga, tất cả tâm trí chỉ tập trung vào con đường trước mắt, bao nhiêu nỗi buồn đều vụt bay hết!" - Tuấn (lớp 12 trường R) chia sẻ.
Đập phá đồ đạc
Nhiều teen có cách giải stress tuy không nguy hiểm nhưng lại cực kỳ... tốn kém. T.Huy (16 tuổi) sở hữu lượng sản phẩm công nghệ kha khá, từ các kiểu điện thoại đời mới đến những sản phẩm công nghệ cao. Nhưng mỗi lần cảm thấy bực mình vì những chuyện không như ý, Huy sẵn sàng vung tay ném tan tành không cần suy nghĩ, "chỉ đến khi nhìn thấy mọi thứ vỡ tan lăn long lóc xuống sàn thì cảm giác mới dịu lại được"- Huy nói. Tương tự, N.Thư (Lớp 11 NTMK) cũng có cách tỏ thái độ khá ồn ào. Mỗi khi có ai làm Thư bức xúc, cô nàng lại vơ hết sách vở trên bàn quăng tới tấp xung quanh, kèm theo những lời nói hậm hực lúc nóng nảy. Không hiểu việc này có tác dụng gì, nhưng thường thì bạn bè chỉ có tránh xa để khỏi chuốc họa vào thân.
Gây tổn thương cơ thể
Nguy hiểm nhất, có những teen dùng cơ thể để giải stress bằng việc tự gây tổn thương chính bản thân mình. Phát hiện trên tay M.Ngọc (trường TVK) có những vết xước nhẹ, và ngày càng nhiều theo thời gian. Khi tìm hiểu thì được chính chủ nhân chia sẻ "Một lần trong lúc quá chán nản, tớ xô ngã một cái ghế, chẳng may xước phải cái đinh đưa ra ngoài chảy máu. Nhìn máu ra nhiều quá, tớ hết hồn, lo đi tìm bông băng nên quên mất mình đang buồn chuyện gì luôn. Sau này thì thành thói quen, cứ mỗi lần buồn thì cứa tay..."
Những vết xước sẽ lành, nhưng chẳng bao giờ bạn xoá hết được những dấu sẹo mãi ám ảnh lên chính cơ thể mình. Hãy nhớ rằng một cơ thể được cha mẹ sinh ra nuối nấng đáng giá rất nhiều so với việc nuông chiều theo một cơn giận nhất thời, bạn nhé. Giữ cho mình bình tĩnh trước những khó khăn cuộc sống cũng là cách bạn chứng tỏ rằng mình đã trưởng thành, đúng không? Cuộc sống không bao giờ hết vất vả, nhưng lúc nào cũng có mặt trời sau cơn mưa cơ mà!
PLXH