Những thông tin liên quan đến giới cầu thủ như vậy lại xuất hiện thường xuyên trên mục Pháp luật của các tờ báo trong suốt thời gian qua.
Sẽ có nhiều người nói rằng đó chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, không thể quy kết như một vấn đề của cả làng bóng đá. Song, nếu như những sự kiện đó liên tục diễn ra với tần suất cao như vậy, thì những nhà quản lý bóng đá cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.
Hình ảnh phản cảm như thế này lại diễn ra đúng vào dịp ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3 (Nguồn: HTV). |
Tuy nhiên, đã không có một cuộc hội thảo, hay họp bàn nào được tổ chức để mổ xẻ những vụ việc nêu trên. Bởi dường như những người làm bóng đá đã đá quả bóng trách nhiệm cho các cơ quan pháp luật.
Thực tế, chúng ta đã nhiều lần đề cập tới những lổ hổng trong công tác đào tạo, khi chỉ chú trọng đến yếu tố chuyên môn, mà bỏ qua khâu giáo dục nền tảng đạo đức – văn hóa cho các cầu thủ trẻ. Do đó, những sự kiện đau lòng kể trên được coi là hệ quả tất yếu của sự buông lỏng ấy.
Sự kiện mới nhất đang gây bức xúc dư luận là vụ nữ trọng tài Mai Hoàng Trang bị hai cầu thủ của đội Hưng Thịnh Phú hành hung trong một trận đấu tại giải hạng A của TP.HCM (buồn thay khi vụ này diễn ra đúng dịp 8/3).
Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) đã tỏ ra nghiêm khắc khi ngay lập tức đình chỉ thi đấu hai cầu thủ trên, đồng thời kiến nghị Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) treo giò vĩnh viễn cầu thủ Văn Quyền, người trực tiếp hành hung trọng tài Trang.
Thế nhưng, điều đáng nói là ông bầu của đội Hưng Thịnh Phú chính là phó chủ tịch của HFF, và trước khi những hình ảnh đáng xấu hổ nói trên được phát rộng rãi trên sóng truyền hình quốc gia, vị phó nói trên còn cam đoan là các cầu thủ của ông không hành hung, mà chỉ lao tới tranh luận, còn trong lúc hỗn loạn thì trọng tài Trang đã… té ngã! (báo Tuổi Trẻ ngày 6/3).
Rõ ràng, nếu như những người có trách nhiệm cứ dung túng cho các hành vi sai trái thì chẳng trách những vụ việc đau lòng như thế vẫn tiếp diễn.
Một ví dụ nữa: Năm ngoái, dư luận cũng từng ồn ào trước vụ một tuyển thủ quốc gia có hành vi phản cảm là vái lạy trọng tài trong một trận đấu ở V-League. Sau đó, VFF đã tuyên bố treo giò cầu thủ này 6 trận. Nhưng đến khi cầu thủ đó dọa giải nghệ thì VFF lại giảm án xuống còn 3 trận.
Với những án phạt theo kiểu giơ cao đánh khẽ kiểu như thế, chẳng trách tình trạng cầu thủ vô lễ với trọng tài, với khán giả không ngừng gia tăng. Mà trong số những cầu thủ vi phạm thì có rất nhiều người đang mang danh tuyển thủ quốc gia, được xem là thần tượng của lớp trẻ.
Trong khi đó, ai cũng biết ở Việt Nam thì bóng đá có tác động lớn như thế nào đối với xã hội. Chỉ cần nhìn cảnh hàng triệu người đổ ra đường mỗi khi đội nhà thắng trận, hay cảnh người hâm mộ đội mưa rét hàng giờ liền để kiếm cho được tấm vé vào sân cổ vũ cho đội tuyển (dù chỉ là ở những giải đấu thuộc “ao làng” Đông Nam Á) là sẽ thấy.
Chính vì vậy, sẽ là rất đáng trách nếu như những người làm bóng đá tiếp tục bàng quan trước việc “tin thể thao được đăng tải ở mục pháp luật” như trong thời gian qua. Hãy nên coi đó là một vấn đề hệ trọng chẳng kém chuyện tìm thầy cho đội tuyển Việt Nam, nếu như không muốn rũ bỏ câu nói “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc” mà ông Alfred Riedl đã nhận xét cách đây cả chục năm.
Chiều 3/3, nữ trọng tài FIFA Mai Hoàng Trang (chuẩn bị đi làm nhiệm vụ ở vòng loại Olympic) đã bị hành hung khi đang điều khiển trận đấu giữa đội Hưng Thịnh Phú và đội U-17 TP.HCM trên sân Tao Đàn ở Giải bóng đá hạng A TP.HCM.
Sau khi rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu cầu thủ Văn Quyền của đội Hưng Thịnh Phát, trọng tài Trang đã bị các cầu thủ đội này xúc phạm bằng những lời lẽ vô văn hóa. Trong lúc hỗn loạn, trọng tài Trang đã bị cầu thủ Phan Trần Quý xô ngã, và ngay lập tức cầu thủ Văn Quyền đã lao vào đánh mạnh vào gáy cô.
Ngày 7/3, Liên đoàn bóng đá TP.HCM đã ra quyết định cấm thi đấu bốn trận và treo giò hai năm đối với cầu thủ Trần Quý, đồng thời kiến nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam treo giò vĩnh viễn cầu thủ Văn Quyền.
Giải bóng đá hạng A TP.HCM nằm trong chương trình “Tầm nhìn châu Á” do Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tài trợ. Ngày 26/3 tới đây, ông chủ tịch AFC Mohamed bin Hamman sẽ tới dự khán trận chung kết của giải.
Cô Mai Hoàng Trang (sinh năm 1980) là nữ trọng tài FIFA duy nhất của Việt Nam, đang được bồi dưỡng để đi làm nhiệm vụ tại Olympic London 2012.
VietnamPlus