Mới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ông đã trao đổi với chúng tôi.
Ông suy nghĩ gì khi mới đây, một số bài ca về kháng chiến chống Pháp của ông lần đầu được trình diễn?
- Tôi cảm thấy rất hãnh diện, thú vị! Nhưng tôi có tới 40 bài ca kháng chiến, hơi tiếc là còn những bài khác chưa có dịp được giới thiệu. Ở đây có mấy bài với tôi thì thực ra mới chỉ có hành động, chưa có tư tưởng, nhạc tính cũng không mới hơn và chưa có giá trị bằng những bài khác như Chiến sĩ vô danh, Thu chiến trường...
Nhạc sĩ Phạm Duy trong đêm nhạc "Phạm Duy - Người phiêu lãng"
Hy vọng tương lai không xa, khán giả sẽ được lắng nghe một chương trình riêng của Phạm Duy với những bài ca kháng chiến!
- Thực ra tôi không chủ trương được trong việc làm các chương trình biểu diễn các tác phẩm của tôi. Từ trước đến nay đều do bên Công ty Phương Nam thực hiện. Chương trình vừa rồi mang tên Phạm Duy người phiêu lãng cũng vậy, Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN và Công ty Đông Đô thực hiện, tôi là khách mời thôi, cũng không có ý kiến nhiều lắm! Giờ sức tôi yếu rồi, không đảm đương được một chương trình. Tôi hơi tiếc là về nước 11 năm nay rồi, nhưng chưa chủ động được gì trong các chương trình ca khúc Phạm Duy.
Thời gian qua, công việc của ông có thêm nét mới gì chăng?
- Tôi vừa phổ 10 bài thơ Bích Khê, gọi là Dị khúc, 10 bài hát với tôi hết sức lạ. Kiều ca thì tôi đã làm 3 phần, nhưng bế tắc, về đây thì có hứng để hoàn thành. Tôi viết xong rồi, rồi xếp đấy đã. Muốn công bố thì phải tổ chức ghi âm, biểu diễn, những việc này đều cần phải có kinh phí. Tôi cứ sáng tác, còn các công đoạn sẽ thực hiện dần dần. Rất mừng là Cục nghệ thuật biểu diễn mới ký cho phép được biểu diễn trường ca Hàn Mặc Tử - đây là cái mà tôi đã bỏ nhạc trần gian để sang nhạc tâm linh. Tôi thì thích lắm, nhưng với khán giả thì cũng chưa dám chắc.
Xem chừng ông vẫn luôn muốn đẩy ngôn ngữ thi ca, hồn vía dân tộc lên bằng các giai điệu của mình!
- Tôi làm nhiều loại, nhưng vẫn thích những bài có tính nhân loại hơn những bài chỉ có tính dân tộc. Tôi cứ nghĩ nhạc VN mình nên có sự tiếp cận với quốc tế. Làm sao để người ngoại quốc cũng nghe được. Muốn thế, mình phải mượn những yếu tố xây dựng tác phẩm mà người phương Tây họ đã làm. Sở dĩ 60 năm nay, bài nào tôi đưa ra cũng được ưa thích theo tôi vì ở đó hội tụ được hai yếu tính: Dân tộc tính và nhân loại tính.
Có lần ông tâm sự rằng đã lắng trong mình rất nhiều các làn điệu âm nhạc truyền thống!
- Tôi nghe và thấm dân ca nhiều lắm! Nhưng cứ đưa nguyên ra thì không được. Mà phải có bí quyết, có yếu tố hoà âm, giai điệu, tiết điệu mượn của Tây phương. Vay mượn để sử dụng cho mình chứ không phải bắt chước họ. Từ đây nhìn trở lại thì có thể thấy, nếu làm âm nhạc mà phụ thuộc vào những hình thức không phù hợp với người VN thì khán giả sẽ thấy có gì đó lố lăng. Nên tôi xác định là làm việc có khoa học, không vội vã, cứ tiến theo sự thẩm âm của người mình. Tôi đi từ từ, đoản khúc, ca khúc, trường ca, tổ khúc, đến Kiều ca thì là opera rồi! 20 năm trước người ta không nghe Kiều ca đâu vì chưa phù hợp, chưa quen, giờ thì nghe rồi!
- Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Báo Lao Động