Đắt đỏ nhất thế giới, giàu có nhất thế giới, hấp dẫn nhất thế giới. Những điều tốt đẹp ấy tôn Premiership lên thành giải đấu VIP nhất thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của nó là mỗi năm qua đi, Premiership lại thua lỗ nặng nề hơn và mối đe dọa về một tương lai bất định bao trùm lên hầu hết các CLB.
Báo cáo tổng kết tài chính mùa 2009/10 mới được công bố cho người ta những con số giật mình. Đó là trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2010, tổng doanh thu của 20 đội bóng Ngoại hạng đạt mức kỷ lục 2,1 tỉ bảng. Nguồn thu ấy đến chủ yếu nhờ bản quyền truyền hình và giá vé xem trực tiếp tăng. Tuy nhiên, niềm vui chẳng khỏa lấp được nỗi buồn. Đó là mặc dù đạt doanh thu kỷ lục, Premiership vẫn lỗ kỷ lục ở mức 484 triệu bảng.
Trong 20 đội bóng chơi ở hạng đấu cao nhất nước Anh mùa trước, chỉ 4 CLB là Arsenal, Birmingham, Wolves và West Brom là không thua lỗ. Nhưng trong số này, lợi nhuận của Arsenal đến chủ yếu nhờ kinh doanh bất động sản, chứ không phải nhờ bóng đá. Birmingham và Wolves đều đang phải vật lộn với cuộc chiến trụ hạng. Và nếu tụt hạng tức mất ngay lập tức 20 triệu bảng, chắc chắn họ sẽ thua lỗ. Chỉ West Brom làm ăn ở mức an toàn.
Lương cầu thủ là khoản chi lớn nhất của các đội bóng
Đi tìm nguyên nhân, người ta thấy rằng chi phí chủ yếu và lớn nhất của các đội bóng là tiền lương. Mùa 2009/10, 20 CLB Premiership phải trả tới 1,4 tỉ bảng tiền lương, chiếm tới 68% tổng chi tiêu. Bình quân, mỗi CLB mất tới 70 triệu bảng quỹ lương. Biết nguyên nhân là thế. Nhưng trên thực tế, cắt giảm quỹ lương là điều không thể thực hiện được trong bối cảnh vai trò của giới cầu thủ ngày càng lớn lên hiện nay. Nhìn cảnh M.U chấp nhận trả lương tới 200.000 bảng/tuần để giữ chân Wayne Rooney, hay Man City trả tới 250.000 bảng/tuần để bảo đảm tương lai cho Carlos Tevez, có thể dự báo, lương sẽ chỉ ngày một tăng, chứ không có chuyện giảm.
Thế nên, tìm cách giảm rồi tiến đến chống lỗ thành công nhằm bảo đảm yêu cầu tài chính của UEFA trong 3 năm kể từ mùa tới, Premiership phải tính phương án khác. Một trong những giải pháp dễ nhất, khả thi nhất và đang được thực hiện thành công, đó là tăng giá vé. Hàng loạt ông lớn Premiership đồng loạt tăng giá vé thời gian qua, và nó sẽ mở ra trào lưu trong thời gian tới với phương châm: Khách hàng muốn ăn sang, trả thêm tiền!
Một biện pháp khác, cũng nên được đẩy mạnh, đó là tìm cách khai thác tối đa lợi ích từ giới cầu thủ, thay vì chỉ quan tâm đến hiệu quả thi đấu trên sân. Với thói quen chia đôi giữa cầu thủ và đội bóng, giới cầu thủ sẽ là những “con gà đẻ trứng vàng” theo kiểu Beckham hay Ronaldo, một khi các đội bóng có định hướng rõ ràng trong việc đẩy mạnh mảng quảng cáo.
Man City lỗ nặng nhất
Đúng là càng giàu có, càng lỗ nặng thật. Man City là ví dụ điển hình. Nhìn vào quỹ lương với tổng doanh thu là đủ thấy nhà vô địch FA Cup mùa này làm ăn thua lỗ. Cộng với các khoản chi phí khác như mua sắm cầu thủ, xây dựng cơ sở hạ tầng… Man City chính là CLB Premiership lỗ nhiều nhất năm tài chính ở mùa 2009/10, với 121 triệu bảng trước thuế. Trong số 20 đội bóng Ngoại hạng, chỉ duy nhất Arsenal lãi vượt 1 con số. Cũng chỉ có 2 CLB không chịu cảnh nợ nần, nhưng lại đứng trong nhóm có nguy cơ tụt hạng là Blackpool và Wolves. Số còn lại, ít hay nhiều, đều kinh doanh thất bát và phải đi vay. Nhìn vào số nợ, Chelsea là nhiều nhất với 734 triệu bảng. Tuy nhiên, Chelsea nợ ông chủ của họ, chứ không như M.U khi nhà Glazer đem đội bóng đi thế chấp ngân hàng vay tiền và hiện nợ tới 590 triệu bảng.
BongdaPlus