Không có "đầu gấu" và chân sút phạt
Ăn vạ có lẽ là một trong những nghệ thuật ăn gian xưa nhất của bóng đá thế giới. Mỗi khi đội nhà lâm vào thế bế tắc, cầu thủ có xu hướng ngã nhào ở trước và trong khu cấm địa đối phương để kiếm quả phạt. Tại Real Madrid, khu vực cách khung thành đối phương 30m trở lại là phạm vi “có thể ngã” để kiếm những quả phạt trực tiếp cho những chân sút phạt thượng thừa như Ronaldo hoặc Alonso trổ tài.
Barcelona không có những chân sút phạt cự phách như thế, hoặc có nhưng họ cũng không phát huy được khả năng trong lối chơi của Pep Guardiola. Trong tổng cộng hơn 100 bàn của Barca mùa này, có chưa đến 1/20 pha lập công đến từ các quả phạt. Phóng viên Diego Torres của nhật báo El Pais rất nhiều lần bỏ công xem Barca tập luyện đã chỉ ra: trong 3 buổi tập do Pep Guardiola điều hành trong ngày, các bài tập đá phạt rất ít, thậm chí gần như là không có. Khi cầu thủ Barca bị phạm lỗi, họ có xu hướng đưa quả bóng thật nhanh vào cuộc chứ không giao trọng trách sút phạt cho một cầu thủ cụ thể nào. Suốt 3 mùa vừa qua, không biết bao nhiêu lần Barca lao lên ghi bàn khi đối phương còn đang… cãi trọng tài hay loay hoay với chuyện lập hàng rào.
Dưới thời Dream Team của thập niên 1990, Barca cũng gồm nhiều cầu thủ kỹ thuật như hiện nay, nhưng họ cũng có những cầu thủ “gấu”, chơi chém đinh chặt sắt như Ronald Koeman, Miguel Angel Nadal hay chính Pep Guardiola. Ngày nay, Barca “tuyệt chủng” mẫu cầu thủ ấy. Cầu thủ chơi tiền vệ phòng ngự - vị trí đòi hỏi thể lực và sức mạnh – của Barca là Sergio Busquets, một anh chàng mảnh khảnh và luôn cố tránh những pha vào bóng theo kiểu năm ăn năm thua với đội bạn. Phía trên Busquets là bộ tứ Xavi – Iniesta – Messi – Pedro với chiều cao trung bình… 1,69m. Đầu mùa 2010/11, Pep tiếp tục triệt để với chính sách “lùn dần” khi đẩy đi cầu thủ cao nhất là Zlatan Ibrahimovic (1,95m) để mang về David Villa (1,75 mét). Điều đó khiến Barca thua thiệt khi chạm trán các đội có nhiều cầu thủ to cao, không ngại va chạm.
Câu thẻ, không câu đá phạt
Chính vì toàn bộ các vị trí từ giữa sân trở lên đều không có thể hình tốt, lại rất ngại va chạm nên mỗi lần gặp đối thủ đá rắn, Barca phải tăng tốc độ của các pha bật bóng đến mức tối đa cũng như sử dụng đến “tuyệt chiêu” cuối cùng là té ngã. Barca té ngã không với dụng ý câu đá phạt. Bởi nếu với Real Madrid, M.U hay Chelsea, đá phạt là một cơ hội ghi bàn thì với Barca, nó lại làm giảm nhịp điệu luân chuyển bóng của họ và trong một chừng mực nào đó, còn là một điều phiền toái. Vì thế, khi một cầu thủ Barca chủ động té ngã, điều họ cần không phải là một quả phạt mà là một chiếc thẻ.
Cây bút Juan Velhis của tờ El Mundo cam đoan: “Việc các cầu thủ Barca té ngã và nằm sân lâu hơn thường lệ là một kịch bản đã được thảo luận kỹ từ trước”. Hay nói một cách huỵch toẹt: Guardiola đã chỉ đạo các học trò phải làm như vậy. Một pha té ngã (ngã thật hoặc ngã vờ) kèm theo những cái lăn lộn và tiếng kêu đau đớn sau đó sẽ dẫn đến 2 hệ quả: một là cầu thủ bị phạt thẻ (đúng) sẽ chùn chân hơn trong những pha tranh chấp tiếp theo; hai là cầu thủ bị phạt thẻ (sai) sẽ sinh ức chế và có thể lĩnh thêm một chiếc thẻ nữa sau đó.
Thương hiệu ăn vạ của Barcelona
Nếu bạn không tin những nhận định từ Tây Ban Nha, hãy chú ý đến những dẫn chứng ngoài biên giới xứ đấu bò để thấy danh tiếng ăn vạ của Barca đã vang xa đến mức nào. Tờ Wall Street Journal ở Mỹ gọi Barca là: “Một nghệ sĩ thành thục trong việc gây ảnh hưởng đến quyết định của trọng tài.” Tại La Liga mùa này, tỷ lệ đá phạt trung bình của Barca là 17 lần/trận. Real Madrid đá với Barca tổng cộng 5 trận Siêu kinh điển mùa này thì 4 lần họ phải chơi thiếu người. Đó là điều bình thường vì trong 3 năm dưới thời Pep, không mùa nào Barca không được chơi hơn người đối phương ít nhất là 7 lần!
David Villa cũng là một bậc thầy ăn vạ
Lấy trận Barca thắng Real 2-0 tại bán kết lượt đi Champions League làm ví dụ. Đó là trận đấu mà Barca đã phô bày tất cả những gì tinh túy nhất của nghệ thuật ăn vạ: nằm sân ngay khi có thể, gây áp lực tối đa buộc trọng tài phải rút thẻ và trình diễn khả năng đóng kịch. Trong đó, kinh điển nhất là tình huống Pepe đạp vào cổ chân Daniel Alves và bị phạt thẻ đỏ. Băng ghi hình trận đấu cho thấy: chân Pepe chỉ vừa khẽ chạm vào chân Alves, hậu vệ này đã khéo léo xoay trụ để quay chân một vòng trên không trung rồi la lên như cổ chân anh đã bị gãy lìa. Kết quả: Alves leo lên cáng, nhìn Pepe nhận thẻ đỏ rồi… lao vào sân như chưa có chuyện gì xảy ra. Cũng trong khuôn khổ bán kết Champions League mùa trước, Sergio Busquets dù lăn lộn (giả vờ) trên sân cũng không quên hé mắt nhìn qua kẽ tay xem trọng tài đã rút thẻ đỏ cho Thiago Motta của Inter hay chưa.
Về chiếc thẻ đỏ của Pepe, dư luận phản ứng dữ dội. Ngay tại Catalonia, một tờ báo vốn thân với Barca là La Vanguardia cũng phải thừa nhận: “Lẽ ra trọng tài chỉ nên phạt thẻ vàng”. Rio Ferdinand viết trên trang Twitter của mình: “Màn kịch của Alves thật đáng xấu hổ. Rồi môn rugby sẽ cười vào mặt những cầu thủ bóng đá như chúng ta”. Michael Owen thì viết: “Ngay cả khi Alves đứng dậy sau pha bóng ấy, anh ta cũng nên cảm thấy xấu hổ với bản thân”.
Tranh cãi về khái niệm quân tử
Đấy chỉ là ý kiến tiêu biểu của những người hoàn toàn không có hiềm khích với Barca. Còn rất nhiều những phản ứng kiểu như thế trong cộng đồng thể thao sau màn kịch của Alves, một hành động mà tờ Wall Street Journal đã ví von là: “Như thể Desdemona đang trăn trối trên giường bệnh trong cảnh cuối của vở Otello”. Cũng tờ này nhận định: ăn vạ trong thể thao là chuyện xưa cũ, nhưng nâng nó lên thành một nghệ thuật thì Barca có lẽ là đội đầu tiên. So với việc chủ động té ngã của bóng đá Italia những năm 1960, 1970, khả năng ăn vạ của Barca đã được nâng lên một tầm cao, một loại chiến thuật thực sự.
Viết đến đây, người viết liên tưởng đến đoạn Phong Thanh Dương dạy kiếm cho Lệnh Hồ Xung để đấu với Điền Bá Quang trong bộ “Tiếu ngạo giang hồ”. Thấy Lệnh Hồ Xung cứ kiếm cớ ăn vạ để trì hoãn, Phong Thanh Dương bảo Lệnh Hồ Xung hành động như thế có phần hèn hạ. Lệnh Hồ Xung đáp: “Giao đấu với kẻ đê hèn vô liêm sỉ phải dùng thủ đoạn đê hèn chứ!”. Rõ ràng, đá với một đội chỉ lăm le bỏ bóng đá người như Real của Mourinho, ăn vạ là kế sách thích hợp.
Nhưng nếu Barca gặp một đội khác không phải là Real của Mourinho thì sao? Trước câu hỏi: “Sẽ ứng xử ra sao khi giao đấu với chính nhân quân tử”, Lệnh Hồ Xung đáp sẽ ứng xử… tương tự vì tính mạng mới là quan trọng nhất. Và Barca cũng nghĩ vậy. Trong trận derby Catalonia với Espanyol tại La Liga sau khi loạt 4 trận El Clasico khép lại, Daniel Alves còn mang đến một màn kịch khác: anh ôm cổ, mắt trợn lên như thể nghẹt thở đến nơi dù đối phương chỉ chạm nhẹ hều ở ngực. Những hình ảnh ấy không thiếu tại Barca dưới thời Pep Guardiola. Cũng như Lệnh Hồ Xung trong truyện, Barca giao đấu với mục đích cuối cùng là chiến thắng. Còn khái niệm quân tử hay fair-play, tùy bạn phán xét!
Bongdaplus