Suốt một thập kỷ qua, Giải Ngoại hạng Anh đang bị chìm trong "đêm trường đô hộ" của rất nhiều thế lực nước ngoài. Không có thái độ trân trọng với môn thể thao lâu đời của Anh Cát Lợi, các tỷ phú Mỹ coi các CLB Anh chỉ như các “trại chăn nuôi” với phương châm duy nhất: Bắt nó phải đẻ ra tiền...
HLV Ferguson, cầu thủ Rooney trò chuyện với các ông chủ nhà Glazer trên sân Wembley ngày 27.5.
Người lãi
Bóng đá châu Âu hiện tại đang “sặc mùi dầu mỏ” khi ở bất cứ đâu, từ Anh, Pháp, Tây Ban Nha tới Nga, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có bóng dáng của những tỷ phú dầu mỏ với cách đầu tư vào đội bóng theo kiểu tiêu tiền vô tội vạ như để khoe khoang cái sự giàu có. Các tỷ phú Mỹ cũng chẳng thiếu tiền, nhưng tư duy của họ thì rất thực dụng.
Chính vì cách nghĩ ấy mà các tỷ phú Mỹ chỉ thích đầu tư vào Giải Ngoại hạng Anh chứ không dàn trải khắp nơi như những “đồng nghiệp” buôn dầu mỏ. Đơn giản bởi Giải Ngoại hạng Anh hội tụ đầy đủ các yếu tố mang lại lợi nhuận cao mà người Mỹ cần: Lối chơi pha trộn giữa sức mạnh, sự cống hiến và tính giải trí; khán giả nhiệt tình, sôi động, còn giới truyền thông thì luôn “thích” săm soi, bới móc chuyện đời tư của các ngôi sao... Tóm lại là cơ man thứ có thể biến thành tiền.
Trong con mắt của các cổ động viên M.U thì “đám con buôn” nhà Glazer rất đáng ghét. Nhưng họ vẫn cứ hoan hỉ khi M.U vẫn đạt được những thành công lớn trên sân cỏ như vô địch Champions League 2008 hay lập kỷ lục 19 lần vô địch Ngoại hạng Anh ở mùa trước.
Đi tiên phong trong việc đầu tư vào Giải Ngoại hạng Anh là gia đình Glazer khi họ mua Manchester United (M.U) vào năm 2005 với giá 790 triệu bảng. Sau 6 năm quản lý, điều hành, nhà Glazer đã biến M.U thành một cỗ máy kiếm tiền siêu việt với hàng loạt các hợp đồng quảng cáo, tài trợ rất giá trị.
Năm 2010, M.U trở thành câu lạc bộ thể thao có giá trị nhất thế giới với tài sản ước tính 2,7 tỷ bảng. Không những thế, M.U còn đạt được những thành tích vĩ đại nhất trong lịch sử của mình (về mặt bóng đá với hàng chục chiếc cúp). M.U đã chính thức trở thành một sự kết hợp hoàn hảo của tư duy kinh tế Mỹ cộng với những niềm hứng khởi từ những đôi chân ngoại hạng.
Kẻ lỗ
Thấy nhà Glazer làm ăn được, các tỷ phú Mỹ cũng đua nhau bỏ tiền đầu tư vào Giải Ngoại hạng Anh, như Tom Hicks, George Gillett, John Henry (Liverpool), Randy Lerner (Aston Villa), Stan Kroenke (Arsenal). Nhưng trong số này, không phải ai cũng đạt được thành công tương tự.
Bộ đôi Hicks - Gillett mua Liverpool năm 2007 thông qua khoản vay có trị giá 237 triệu bảng của Ngân hàng Hoàng gia Scotland. Nhưng cách nghĩ “đội bóng chỉ như một món hàng” để mua đi bán lại khi có giá khiến hai “nhà đầu tư” này thất bại thảm hại. Không chịu mua ngôi sao để nâng cấp đội hình, không kiếm được hợp đồng quảng cáo nào cho ra hồn, Hicks và Gillett đẩy Liverpool lún sâu vào khủng hoảng về chuyên môn, còn bản thân họ thì ngập trong nợ nần đến mức bán cả đội hockey Texas Rangers đi để dãn nợ cũng không xong và cuối cùng đành nhượng lại Liverpool cho đồng hương John Henry.
Giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa bóng 2011- 2012 sẽ bắt đầu khởi tranh từ ngày 13.8.2011. Ở trong những vòng đấu đầu tiên chúng ta sẽ sớm được thưởng thức những trận cầu căng thẳng, hấp dẫn giữa các ông lớn như Arsenal-Liverpool, M.U-Arsenal...
Tệ hơn cả Hicks và Gillett, sau khi mua Aston Villa năm 2006 với giá 62,6 triệu bảng, ông chủ người Mỹ Randy Lerner đã hùng hồn tuyên bố: “Tôi yêu bóng đá, yêu Aston Villa với lịch sử và truyền thống lâu đời (thành lập năm 1870). Tôi sẽ tăng cường lực lượng để đội trở lại thời hoàng kim”.
Nhưng nói một đằng làm một nẻo, “tình yêu” của Lerner thể hiện qua việc... bán hết ngôi sao này đến ngôi sao khác như Milner, Barry, Young... cho các đội bóng lớn với giá cao để kiếm tiền chứ chẳng hề quan tâm tới phong độ trồi sụt của đội bóng. Hệ quả tất yếu là Aston Villa giờ đã mất giá thê thảm, còn các cổ động viên chỉ mong gã Lerner kia “biến” khỏi sân Villa Park càng sớm càng tốt.
Có lẽ sự quan tâm của những nhà tư bản Mỹ với Giải Ngoại hạng Anh chỉ đơn giản là: Lỗ hay lãi?
Dân Việt