Thí sinh Lê Thị Nhung trong đêm thi 27-4 - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng |
Không chỉ có vậy, bà cụ chuyên vận áo bà ba màu đất, quần lãnh thô, dép nhựa, tóc búi củ tỏi, lại có thể “còn nhớ và chơi được chút đỉnh đàn mandolin” - tài lẻ mà suốt 50 năm qua, tám người con và cả hội cháu chắt không hề phát hiện ra!
Người phụ nữ ở tận trong vùng sâu của ấp Bưng Môn, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẵn sàng lội bộ hàng mấy cây số để ra tới đường cái, đón xe buýt về Sài gòn tham gia thi hát.
Lọt được vào tới vòng chung kết của cuộc thi, bà được khán giả gọi bằng cái tên thật trìu mến “ngoại”. “Ngoại” từng khiến nhiều người “giật thót” khi bỗng dưng quên lời ca khúc Đêm đông (tác giả Nguyễn Văn Thương) trong lúc chương trình đang được truyền hình trực tiếp vào đêm 23-4, lí do được “ngoại” giải thích là bởi “Khán giả cổ vũ nhiệt tình quá làm tôi…run nên chẳng còn nghe thấy nhạc nữa”.
Và với số phiếu bình chọn 33,66%, thí sinh Lê Thị Nhung đã về nhất trong đêm chung kết đầu tiên trong tiếng reo vang “Ngoại ơi, cố lên” từ hàng ghế khán giả.
Đêm 27-4 vừa qua, trong đêm thi chủ đề nhạc dân ca, cách mạng, “ngoại” lại xuất sắc đứng hạng nhất với tổng số bình chọn lên đến 37,99%.
Trước khi đêm chung kết 2 diễn ra, NSND Trần Hiếu đến bên bà hỏi thăm bà có run không, bà bảo “Tui run quá chú ơi”, NSND Trần Hiếu cầm tay bà trấn an: “Ngoại đừng có run. Không run! Không run! Cứ cháy hết mình. Coi khán giả như con cháu trong nhà thôi”.
Sau hai đêm thi vào ngày 23 và 27-4 vừa qua, đêm chung kết thứ ba với chủ đề “Thể hiện mình” sẽ diễn ra lúc 20g30 ngày 2-5 tại Nhà hát truyền hình HTV, truyền hình trực tiếp trên HTV9 và HTVC - Thuần Việt.
Tuổi Trẻ Online