Theo thời gian, ân oán giữa họ ngày càng dày thêm, nhất là khi Chelsea thất thủ tức tưởi trước M.U tại trận chung kết Champions League 2007/2008. Giờ đây, lá thăm may rủi lại đưa họ tương tàn nhau ngay tại vòng tứ kết, bỏ qua những yếu tố nặng tính chuyên môn, chúng ta “đốt đuốc” đi tìm sự tương đồng và khác biệt giữa hai đội bóng ấy.
Những nét tương đồng mang tính tương đối
Hiện tại, cả M.U lẫn Chelsea đều thuộc quyền sở hữu của các ông chủ nước ngoài, nếu M.U do gia đình Glazer (Mỹ) quản lý thì Chelsea do Abramovich (Nga) nắm giữ. Chính nhờ nguồn tài chính dồi dào của ông chủ người Nga, Chelsea đã được nâng cấp bằng những ngôi sao sáng giá trong gần một thập kỉ qua để trở thành đối trọng của M.U.
![]() |
Cuộc đối đầu giữa Chelsea và Arsenal luôn mang lại nhiều cảm xúc. Ảnh: Getty. |
Thế nhưng, dù cả hai đội bóng đang sở hữu rất nhiều cầu thủ nước ngoài nhưng họ vẫn có những cầu thủ người Anh làm trụ cột và là chỗ dựa của đội bóng. Phía Red Devils là những Ferdinand, Scholes, Carrick, Rooney; còn phía The Blues là những Terry, Lampard, Ashley Cole.
Với lực lượng vào loại hùng hậu bậc nhất nước Anh, tuy nhiên cả M.U lẫn Chelsea đều xây dựng lối chơi hướng đến sự hiệu quả hơn là sự hoa mỹ, hào hoa. Trong khi Red Devils đã trở nên già dặn, bản lĩnh và khôn ngoan hơn sau những thất bại cay đắng tại đấu trường châu Âu thì Chelsea vẫn thể hiện sự xù xì, giàu sức mạnh hơn thứ bóng đá sexy mà Abramovich mong muốn.
Đâu là khác biệt
Xét đến truyền thống thì The Blues quá nhỏ bé so với Red Devils, chưa tính đến các giải đấu quốc nội, chỉ riêng đấu trường Champions League thì “Quỷ Đỏ” đã 3 lần nếm hương vị vinh quang (vào các năm 1968, 1999 và 2008) còn Chelsea vẫn chưa có được danh hiệu mà Abramovich khao khát dù có lúc họ đã đến rất gần. Đó chính là lý do vì sao ngày mà Chelsea mới phất lên người ta gọi họ là “trọc phú”, nghĩa là họ thiếu cả bề dày lịch sử để tạo nên một “đại gia”.
Chính lẽ đó, dù Chelsea đã trở nên lớn mạnh cùng sự hậu thuẫn tài chính của Abramovich nhưng giá trị thương hiệu và lực lượng cổ động viên của The Blues trên toàn thế giới, nhất là tại châu Á vẫn không thể sánh với M.U, dù “Quỷ Đỏ” đang nợ đầm đìa từ hậu quả của món nợ vay khổng lồ của nhà Glazer khi thôn tính M.U.
![]() |
Và cũng là sự đối đầu giữa hai chiến lược gia xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh hiện nay. Ảnh: Getty. |
Chính sách phát triển của hai đội bóng cũng khác nhau, khi M.U đang đầu tư và ưu tiên vào phát triển các tài năng trẻ thì Chelsea lại chú trọng vào những ngôi sao đã thành danh. Những tài năng trẻ của M.U như Chicharito, Smalling, Rafael… đang được tạo cơ hội thể hiện và có những đóng góp cho đội bóng thì những tài năng trẻ của Chelsea được đưa về để… cho mượn hoặc bị lãng quên. Ngay cả John Mikel vốn là sự tranh chấp của chính Chelsea và M.U đã khiến tòa án vào cuộc cũng đã đi dần vào bóng tối khi Essien trở lại sau chấn thương.
Điều khác biệt rõ nét nhất chính là sự ổn định trên băng ghế huấn luyện giữa hai địch thủ. Hơn 24 năm qua, Ferguson vẫn ngồi ở vị trí quen thuộc của M.U như một tượng đài sừng sững theo thời gian dù thế giới bóng đá có những đổi thay, dịch chuyển. Ngược lại, gần một thập kỉ quản lý Chelsea, Abramovich đã sử dụng đến 6 HLV, The Blues đã thay thế rất nhiều HLV tên tuổi, cho dù đó là Mourinho tài năng hay Scolari, người đưa Brazil lên ngôi vô địch thế giới năm 2002. Vì thế, nội bộ của Chelsea luôn phức tạp hơn nhiều so với M.U, dù Old Trafford không phải là nơi bình yên tuyệt đối. Mặt khác, cơ chế ở vị trí huấn luyện của hai đội bóng cũng có những khác biệt. Ở Stamford Bridge, HLV chỉ giữ vai trò như một “trainer”, còn Ferguson lại đóng vai trò như một “manager”, ngoài huấn luyện còn đóng vai trò hoạch định chiến lược cho đội bóng.
Sự tương đồng và khác biệt đó là một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn và căng thẳng khi hai đội bóng đối đầu nhau.
Tinthethao