Platini là thành viên đội tuyển Pháp vô địch châu Âu 1984 và 3 lần được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu. Ông có các biệt danh: Platoche, Le Roi (Nhà vua).
Platini xuất thân trong một gia đình người Ý di cư sang Pháp. Cha Michel Platini, ông Aldo Platini là một cựu cầu thủ và là một huấn luyện viên bóng đá. Chính ông Aldo là người đã có công khơi dậy những tiềm năng bóng đá của cậu con trai. Có một điều ít ai biết rằng nguyên nhân khiến Platini có khả năng đi bóng uyển chuyển và mềm dẻo như một vũ công samba là do ông trưởng thành từ bóng đá đường phố. Mãi đến năm 11 tuổi, tức là sau 6 năm chơi bóng ngoài đường, Platini mới gia nhập CLB bóng đá địa phương AS Joeuf.
Năm 1969, khi đó mới 14 tuổi, Michel Platini đã có màn trình diễn tồi tệ tại một giải đấu dành cho cầu thủ trẻ. Không nản chí, Platini miệt mài tập luyển và đã phát triển rõ rệt sau 2 năm. Tháng 9 năm 1972, khi 17 tuổi, Platini gia nhập đội hình dự bị của Nancy và ngay lập tức chứng tỏ được giá trị của bản thân. Với thành tích ấn tượng, Platini ngay lập tức được đôn lên đội hình một. Tuy nhiên hoa hồng vẫn chưa đến với Michel Platini. Trong trận đấu đầu tiên ở đội hình một, Platini được vào sân từ băng ghế dự bị trong trận gặp Valenciennes và bị nhận rất nhiều vật thể lạ ném từ khán đài. Mọi chuyện chưa dừng ở đó, vài ngày sau, trong trận đấu ở đội hình hai, Platini bị một cú vào bóng ác ý dẫn đến chấn thương mắt cá khá nặng. Trở lại sau chấn thương, Platini trở thành cầu thủ quan trọng nhất của Nancy trong mùa bóng 1973-1974, ghi được 17 bàn thắng mà rất nhiều trong số đó là từ pha đá phạt trực tiếp, giúp Nancy vô địch giải hạng nhì, thăng hạng nhất.
Sau khi hết hợp đồng với Nancy, Inter Milan, St.Etienne và Paris Saint German đều lao vào cuộc đua giành chữ ký của Platini. Ngay cả Nancy cũng không muốn Platini ra đi. Cuối cùng Platini ký hợp đồng kéo dài 3 năm với St.Etienne, CLB tha thiết muốn có Platini nhất. Platini được St.Etienne rước về với kỳ vọng sẽ lập lại được thành tích của đội bóng trong mùa 1976 khi lọt vào chung kết cúp C1 châu Âu. Tuy nhiên có thể nói Platini đã làm thất vọng St.Etienne khi chỉ giúp CLB một lần vô địch quốc gia Pháp cùng với hai lần lọt vào chung kết Cúp QG Pháp trong hai năm liên tiếp 1981 và 1982.
Năm 1982, Platini chuyển đến Bà đầm già Juventus. Có thể nói sự nghiệp của Platini phát triển rực rỡ nhất là dưới màu áo Juventus. Tuy nhiên ít ai biết được rằng khi mới đến Bà Đầm Già, các cầu thủ nước ngoài mà trong đó có Platini đã chịu sự tỵ nạnh và chén ép của những ngôi sao trong nước. Lạ nước lạ cái, chưa thích nghi với lối chơi cũng như cuộc sống mới, Platini đã thi đấu khá tệ trong mùa bóng đầu tiên và trở thành mục tiêu chỉ trích của báo chí Ý. Dưới quá nhiều sức ép, thậm chí Platini đã định rời khỏi Juventus vào mùa đông năm ấy, tức là chưa đầy 6 tháng chơi cho Bà Đầm Già. Nhưng Platini đã ở lại, hợp cùng tiền đạo người Ba Lan Boniek, tạo thành thế lực ngôi sao nước ngoài và tạo một cuộc cách mạng buộc Juventus phải thay đổi lối chơi. Kết quả là Juventus giành chiếc Cúp QG và lọt vào chung kết cúp C1.
Đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Platini có lẽ không phải là chức vô địch Euro 1984 mà là trận chung kết cúp C1 châu Âu tại Brussel Bỉ. Trong cuộc ẩu đả giữa cổ động viên Juventus và Liverpool trước trận đấu trên sân Heysel, nơi không đáp ứng tốt các điều kiện an toàn, một bức tường đã sập xuống làm 39 cổ động viên chết, sáu trăm người bị thương. Trận đấu không bị hoãn lại mà chỉ thi đấu muộn với bàn thắng duy nhất ghi được từ cú sút phạt đền thành bàn của Platini. Người tạo ra quả phạt đền không ai khác là Boniek.
Cay đắng trong màu áo Lam ...
Tài năng của Platini thật sự chín muồi tại World Cup 1982. Một bàn thắng từ pha đá phạt trực tiếp của Platini trong trận đấu vòng loại quan trọng với Hà Lan, đã giúp Pháp “mua” được chiếc vé tới Tây Ban Nha.
Đội Pháp đến World Cup 1982 với tư thế của một ứng cử viên vô địch nhưng họ đã bị chặn lại tức tưởi ở vòng bán kết bởi Tây Đức. Trong trận đấu đó đã có một bức ảnh Platini chỉ tay lên trời rất nổi tiếng. Đó không phải là hành động ăn mừng bàn thắng mà là một cử chỉ cầu xin khẩn thiết, một hành động đòi công lý đối với trọng tài Charles-Coerver sau khi ra một quyết định không chính xác mà sau này vẫn còn lưu lại trong kho tàng truyền miệng lịch sử World Cup. Dù Pháp thua nhưng Platini được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.
Bốn năm sau, đối với Platini, mọi chuyện đã thay đổi nhưng chỉ có “kẻ thù” không đổi. Platini đã có tất cả trong màu áo CLB nhưng vẫn lại là Tây Đức ngăn ông chạm tới giấc mơ cao nhất dưới màu áo Lam. Ông đã ghi bàn thắng cuối cùng trong sự nghiệp quốc tế, sút hỏng một quả luân lưu trong trận tứ kết Pháp – Brazil và cuối cùng Pháp lọt vào bán kết. Tất cả diễn ra trong sinh nhật lần thứ 32 của Michel Platini. Nến sinh nhật, bánh sinh nhật rồi cũng tàn, quà sinh nhật cũng đã mở, sinh nhật hạnh phúc rồi cũng qua. Thêm một tuổi, Platini nhận thêm một niềm đắng tại World Cup. Loại Brazil ở tứ kết để rồi gặp lại Tây Đức ở bán kết. Nợ cũ chưa trả lại vay thêm nợ mới, một lần nữa Pháp lại thua. Một lần nữa Platini không vượt qua được Tây Đức.
Và vinh quang trên đỉnh châu Âu...
Xen giữa 3 lần đoạt Quả bóng vàng châu Âu là Chức vô địch châu Âu kèm theo một Quả bóng vàng và danh hiệu vua phá lưới tại Euro 1984. Platini cùng các đồng đội khiến người dân Pháp ngất ngây nhất khi giành chiến thắng tuyệt đối tại giải đấu tổ chức ở quê hương. Ghi bàn trong tất cả các trận đấu (tổng cộng 9 bàn), ghi bàn từ mọi tư thế: đánh đầu, sút xa, sút gần và phạt trực tiếp..., giúp Pháp toàn thắng cả 6 trận tại giải, Platini đã làm được một điều mà chưa một huyền thoại nào, dù đó là Pele, Maradona, Cryff hay Beckenbauer làm được. Thật không ngoa khi nói rằng Euro 1984 là đỉnh cao trong sự nghiệp quốc tế của Michel Platini. Ở tuổi 29, độ tuổi chín muồi nhất trong đời cầu thủ, Platini đã buộc châu Âu phải quỳ phục và trao vương miện cho nước Pháp. Nhưng có lẽ đọng lại nhất trong tâm trí mọi người về Platini tại Euro 1984 là bàn thắng vào lưới Tây Ban Nha trong trận chung kết. Không ai có thể quên được hình ảnh thủ môn Luis Arconada quá bất ngờ trước cú sút của Platini đã để bóng chui qua người đi vào lưới.
Ngày 29-4-1987, trong trận vòng loại Euro 1988 với Iceland, Michel Platini thi đấu trận cuối cùng dưới màu áo tuyển Lam. Một tháng sau, khi đưa Juventus đến chức vô địch Serie A, Michel Platini chính thức nói lời từ biệt sân cỏ. Đó là trận đấu với Brescia dưới cơn mưa tầm tả tại Serie A vào ngày 29-5-1987.
Sau khi giải nghệ, Michel Platini nhận cương vị HLV tuyển Pháp từ 1988-1992, nhưng đó là thời gian đáng quên đối với vị HLV trẻ khi Pháp ko thể dự World Cup 1990 và bị loại ngay từ vòng bảng Euro 1992.
Con đường danh vọng mở ra trước mắt Platini khi ông được FIFA cất nhắc. Liên tục thăng tiến trong guồng máy FIFA, được chủ tịch FIFA Sepp Blatter ủng hộ, Platini tự tin ra ứng cử vào chiếc ghế chủ tịch UEFA. Ngày 26-1-2007, Michel Platini đã thắng đương kim chủ tịch UEFA Lennart Johansson, người ở bên kia chiến tuyến với số phiếu bầu 27 so với 23.
Để kết lại bài có thể lấy câu phát biểu của ông Michel Platini khi nhậm chức chủ tịch UEFA. "Bóng đá là một trò chơi trước khi là một món hàng. Là một môn thể thao trước khi là một thị trường, một màn trình diễn trước khi là công việc. Bóng đá là một kho báu, một trò chơi đơn giản và phổ biến mà tất cả mọi trẻ em trên thế giới đều muốn chơi. Tôi đã chuẩn bị để bảo vệ và bảo tồn kho báu này".
Các CLB đã qua: AS Nancy (175 lần khoác áo 98 bàn thắng); St.Etienne (107 lần khoác áo 58 bàn thắng); Juventus (147 lần khoác áo 68 bàn thắng)
Sự nghiệp quốc tế: 72 lần khoác áo đội tuyển Pháp ghi 41 bàn thắng
Các danh hiệu cá nhân:
+ 1976: Cầu thủ xuất sắc nhất nước Pháp
+ 1977: Cầu thủ xuất sắc nhất nước Pháp, Quả bóng đồng châu Âu
+ 1983: Vua phá lưới Serie A (16 bàn), Quả bóng vàng châu Âu, Onze vàng
+ 1984: Vua phá lưới Seire A (20 bàn), Cầu thủ xuất sắc nhất Euro 1984, Vua phá lưới Euro 1984 (9 bàn), Quả bóng vàng châu Âu, Onze vàng, Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA
+ 1985: Vua phá lưới Serie A (18 bàn), Quả bóng vàng châu Âu, Onze vàng, Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA
+ 1991: HLV xuất sắc nhất trong năm do FIFA trao tặng
+ 2006: Cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử nước Pháp
Các danh hiệu với đội bóng:
+ 1978: Vô địch cúp QG Pháp (Nancy)
+ 1981: Vô địch nước Pháp (St.Etienne)
+ 1983: Vô địch cúp QG Ý (Juventus), Á quân Cúp C1 châu Âu (Juventus)
+ 1984: Vô địch siêu cúp châu Âu (Juventus), Vô địch Serie A (Juventus), Vô địch châu Âu (tuyển Pháp)
+ 1985: Vô địch cúp C1 châu Âu (Juventus), Vô địch Cúp liên lục địa (Juventus)
+ 1986: Vô địch Serie A (Juventus), HCĐ World Cup 1986 (tuyển Pháp)
Cho tới nay Platini là cầu thủ duy nhất 3 lần liên tiếp đoạt được Quả bóng vàng châu Âu trong 3 năm 1983, 1984 và 1985 khi thi đấu cho Juventus.
Internet