Cuộc sống gia đình hiện đại với muôn vàn lo toan đã khiến sự lãng mạn ban đầu tan biến. Sự rạn nứt lớn dần khiến nhiều cặp vợ chồng cảm thấy “không thể chịu đựng nổi” và vội vã ly hôn.
Nhưng cũng không ít cặp vợ chồng đã cứu vãn được cảnh “tan đàn xẻ nghé” khi cùng nhau lùi lại quãng thời gian của sự thử thách, tìm hiểu, yêu đương lãng mạn… và cuối cùng họ đã nhận ra được giá trị đích thực của cảm xúc, của sự hy sinh, chấp nhận nhau trong cuộc sống chung.
Học cách chấp nhận nhau
Nhiều thống kê gần đây cho thấy, tỉ lệ ly hôn của những cặp vợ chồng trẻ ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong khoảng thời gian 5 năm đầu của cuộc hôn nhân, khi đứa con đầu lòng ra đời, sự rạn nứt xuất hiện vô cùng nhiều.
Những cuộc “ly hôn xanh” cũng vì thế mà gia tăng. Theo lý giải của các nhà tâm lý, đó là giai đoạn khó khăn khi mà hai con người khác nhau với những sở thích, cá tính khác biệt cùng sống chung dưới một mái nhà. Trong khi mà cả hai người còn đang trong giai đoạn phải “học cách” thích nghi với nhau, học cách thông cảm, chấp nhận nhau thì sự ra đời của một đứa bé với bao lo toan lại khiến họ trở nên xa cách nhau hơn.
Điều này nghe qua có vẻ như phi lý vì đáng lẽ sự ra đời của đứa con chung sẽ gắn kết hai vợ chồng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý phân tích rằng, sự xa cách ở đây chính là do sự thiếu hụt thời gian dành cho nhau. Người vợ bận mải với việc chăm sóc đứa bé nên sự chăm sóc, quan tâm đến người chồng sẽ nhạt nhòa đi.
Thậm chí, có những cặp vợ chồng “ăn chay” hàng tháng liền khi đêm đêm đứa trẻ mãi không chịu ngủ, đến khi đứa bé ngủ thì cũng là lúc hai vợ chồng mệt nhoài thiếp đi lúc nào chẳng hay. Khoảnh khắc riêng tư, âu yếm giữa hai người ngày càng ít đi cho đến một lúc nào đó, họ - đặc biệt là người chồng – cảm thấy trống vắng, cô đơn ở ngay chính nhà mình. Sự chán nản, ức chế đương nhiên sẽ dẫn đến cãi vã, ngoại tình.
Khi sự rạn nứt đến độ “chán nhau”, thậm chí cảm thấy “không thể chịu đựng nổi”, có những cặp vợ chồng sẽ vội vã đưa nhau ra tòa mong nhanh chóng giải thoát khỏi “địa ngục”. Có một số trường hợp khác thì mặc kệ, trên danh nghĩa vẫn còn là người trong một nhà nhưng thực chất việc ai người ấy lo, mỗi người đều có một “khoảng trời riêng”.
Cả hai giải pháp này đều được cho là tiêu cực và người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là đứa trẻ, dù sống trong một gia đình thiếu bố hoặc mẹ, hay sống trong một gia đình có đủ bố mẹ mà không hạnh phúc, chịu đựng nhau. Giải pháp tối ưu nhất mà các chuyên gia tâm lý khuyên trong trường hợp này là hãy “ly hôn thử”. Đó là khoảng thời gian mà hai người cùng quay trở lại thời gian sống riêng, độc lập trong các mối quan hệ... Sau khoảng thời gian thử xa nhau ấy, cả hai cùng chiêm nghiệm, thử thách để nếu thấy thực sự còn cần nhau, còn tiếp tục yêu thương, chia sẻ, thông cảm và chấp nhận nhau thì sẽ quay về.
“Chép lại” chuyện tán tỉnh, hẹn hò…
Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý, song song với việc “ly hôn thử”, sống độc lập thì các cặp vợ chồng rạn vỡ cũng nên cùng nhau lùi lại, lặp lại những giai đoạn đã qua như sự tán tỉnh, hẹn hò thời yêu đương. Đó là giải pháp cứu vãn hôn nhân.
Cặp vợ chồng ly thân có thể quay trở lại thời kỳ như chưa từng kết hôn, thi thoảng cùng nhau đi ăn, đi uống café, đi picnic... để tìm hiểu nhau, khám phá cảm xúc của bản thân. Thực chất họ chưa hẹn hò lại với nhau mà là quay lại giai đoạn thử thách, mỗi người sống theo cách riêng và cân nhắc xem có nên quay lại không. Thi thoảng đi chơi, không phụ thuộc vào nhau, không can thiệp vào cuộc sống của nhau... có thể giúp họ tìm lại cảm giác yêu thương đã bị đánh mất.
Một số trường hợp khác, song song với sự ly thân, sống độc lập họ còn cùng nhau hẹn hò, quay lại giai đoạn trước đây khi mà hai người đã ở thời kỳ gắn kết sâu sắc về mặt thể xác. Tuy nhiên, việc quay lại giai đoạn này tỏ ra có hiệu quả với nam giới hơn là với phụ nữ. Phụ nữ khó mà cảm nhận được những cảm xúc lãng mạn, yêu thương khi mà không có những trải nghiệm lại về cảm xúc như là sự tán tỉnh, hẹn hò lãng mạn.
Trong khi đó, đàn ông lại dễ cảm nhận được sự lãng mạn, yêu thương trong mình khi mà trải nghiệm sự gắn kết về mặt thể xác. Đó cũng chính là sự khác biệt cơ bản giữa đàn ông và phụ nữ, để khơi lại nguồn cảm xúc lãng mạn, đàn ông thiên về xu hướng gắn kết thể xác, nhục dục; trong khi phụ nữ lại có đòi hỏi nghiêng về sự chia sẻ tình cảm, tinh thần.
“Đứa trẻ đâu có đòi hỏi cha mẹ phải quan tâm đến nó 24/24 giờ mỗi ngày. Vì vậy, vợ chồng vẫn có thời gian dành cho con và vẫn có thời gian cho nhau nếu biết tổ chức cuộc sống một cách hợp lý. Điều này không đòi hỏi những kỹ năng mới mà chỉ tái tạo những khả năng họ từng có trước đây, tức là làm lại cái họ đã từng làm lúc ban đầu.
|
giadinh.net.vn