Những diễn biến kịch tính tại phiên tòa xét xử vụ án Lê Văn Dân đã được đạo diễn thể hiện qua tập 71 bộ phim "Lựa chọn số phận". Bằng nhiều thủ đoạn, âm mưu nhưng bà Yến vẫn không thể ngăn cản Thẩm phán Cường xét xử lại vụ án mạng 5 năm về trước.
Phiên tòa được diễn ra trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của cơ quan an ninh.
Mọi tình tiết bản cáo trạng được đưa ra trước các bị cáo, nhân chứng và cơ quan truyền thông. Tất cả đều vẫn không có gì tiến triển so với phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đó. Nhưng sự xuất hiện của bị cáo Lê Văn Cao đã làm thay đổi mọi thứ.
Với sự bảo vệ của công an ngay ngoài cổng, Cao thuận lợi có mặt tại phiên tòa làm chứng. Thẩm phán chủ tọa yêu cầu cách ly giữa bà Yến và nhân chứng để vụ xét xử được công minh. Bà Yến bị cho ra một phòng riêng và nhân chứng Cao đã khai lại toàn bộ sự thật trong vụ án của 5 năm trước.
Lê Văn Cao có mặt tại phiên Tòa và đưa ra những lời khai vô cùng quan trọng.
Cao cho biết, Dân không hề cố ý bắn bác Tiến mà khi đó bà Yến đã có tác động, ngã vào Dân nên mới bắn trúng người. Toàn bộ sự việc đã được ghi lại trong camera hành trình chiếc xe của Cao và cũng đã được nộp lại tại Tòa.
Đây là một chi tiết vô cùng quan trọng và sẽ quyết định động cơ, phương thức giết người của bị cáo Lê Văn Dân. Hơn nữa, Cao cũng cho biết từ trước đến nay không dám ra Tòa nói lên sự thật là vì bị bà Yến đe dọa và sợ ảnh hưởng tới mẹ già.
Phó Chánh án Phán cũng có mặt và cảm thấy hài lòng về phiên tòa mà Cường làm chủ tọa.
Phó Chánh án Phán đứng dưới quan sát cũng thấy rõ sự khôn khéo của Cường trong cách xét hỏi và cũng cảm thấy vô cùng tâm đắc với phiên tòa lần này. Mặc dù kết quả có thể làm ảnh hưởng đến hồ sơ xét thưởng Huân chương lao động của ông sắp tới.
Là một người cũng luôn đau đáu về nghề nghiệp của mình, trong buổi chia tay, Phó Chánh án Phán đã có một bài thơ khiến những người Thẩm phán trẻ tuổi như Cường và các đồng sự khác có cái nhìn thấu đáo hơn về nghề. Được có, mất có nhưng cái còn lại và tồn tại vĩnh viễn là cái tâm của một người "cầm cân nảy mực":
Đây sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên của cuộc đời làm nghề của ông Phán.
Thu ơi, thu đến đừng đi nữa,
Cho ta ngừng hoài niệm những yêu thương.
Nắng nhạt chiều heo may về khe khẽ,
Ta bâng khuâng giữa trốn công đường.
Phiên hôm kia nhạt nhòa trong nước mắt,
Hai vợ chồng tranh cãi chuyện nuôi con.
Có nghĩa gì khi gia đình tan vỡ,
Toan tính chi những thua thiệt mất còn.
Phiên hôm sau cũng là của mình đây,
Vẫn bộn bề những trĩu nặng ngổn ngang.
Biết tìm đâu thêm một ngày nhạt nắng,
Ta vu vơ giữa sắc lá thu vàng.
Nghe những tâm sự chân thật của một người cha, người chú đi trước, Thẩm phán Cường tự dặn lòng những khó khăn trong thời gian qua cũng chẳng là gì. Không khó khăn đâu phải là cuộc đời, không thử thách đâu phải là nghề nghiệp. Vinh quang, tự hào và ý nghĩa nhất khi vẫn còn được cơ hội phấn đấu, cố gắng để được cống hiến với nghề, với đam mê của mình.
Cường suy tư với bài thơ đầy ý nghĩa của Phó Chánh án Phán.
Chính nghĩa sẽ báo đáp với những người biết lẽ phải, biết sống và làm việc theo pháp luật. Nhưng cũng chính luật trời sẽ dồn những kẻ bất lương, sống trên mồ hôi, xương máu của kẻ khác. Và Long đại ca chính là người chịu hậu quả đầu tiên.
Cầm theo valy tiền của Thắng bom, Long đại ca lên đấu thầu mỏ vàng và tranh chấp địa bàn với những giang hồ trên biên giới nên bị giết ngay tại chỗ. Còn Thắng bom sau khi bị Trang tố cáo với công an đã phải chạy trốn và gom tiền để tẩu thoát ra nước ngoài.
Thắng bom đang trốn cảnh sát thì nghe tin Long đại ca bị giết.
Đến đây người xem có thể thở phào nhẹ nhõm trong suốt cả một quãng hành trình dài thấy công lý, chính nghĩa bị lép vế so với những thế lực đầy tiền và quyền. Đúng như lời cố Thẩm phán Minh đã từng nói: "Sai một ly không chỉ đi một dặm mà có khi còn đi cả một cuộc đời của một con người. Vì thế, người Thẩm phán không được phép mắc sai lầm, gánh nặng lương tâm, gánh nặng trách nhiệm, sự áp lực cuộc sống. Không nhiều, mỗi thứ một ít, mỗi ngày một ít. Ai biết, ngày kia cọng rơm nào sẽ đè chết con lạc đà".
Theo Công Lý