Nhưng, anh đang tự mâu thuẫn với mình khi phải ôm đầy ấm ức không dám mở lời. Cũng nhiều lần anh định nói nhưng có vẻ như đã quá trễ vì những thói quen không tốt của em đã được lặp lại quá nhiều lần, nhiều lần sai dễ tạo ảo giác là đúng. Mà đã là “đúng” rồi thì nếu anh “cự”, chẳng khác nào lên án… cái đúng!
Lờn từ trong…
Anh chở em đi đường xa, một giờ chiều mới về đến nhà. Vậy mà em bảo: “Anh vào nấu cơm nhanh nhanh cho con nó ăn”. Dù rất mệt và rất bực, nhưng không muốn làm to chuyện, anh cũng lúc cúc vô nấu cơm. Vừa vo gạo, anh vừa nghĩ: “Nếu chồng phản ứng “sao không bảo con tự nấu cơm, nó đã mười mấy tuổi rồi còn gì?”, vợ sẽ kèo nèo “nó là con trai mà anh”, “vậy chồng là con gì?”. Nếu tranh luận như thế, sẽ gây mất vui cho cả nhà, mà cũng chẳng đến đâu. Thôi đành, coi như... cái số của mình phải nấu cơm vậy”.
Anh biết, em thuộc mẫu người hướng ngoại, thích đi chơi với bạn bè. Anh cũng thấy vui vì khi đi chơi về khuya, em rất thoải mái, vui vẻ và còn tỏ ra “biết lỗi”. Anh nghĩ, có thể đó là cách để vợ cảm thấy bớt nhàm chán trong cuộc sống. Nhưng anh băn khoăn: “Một người vợ đi chơi quá nhiều, liệu có ổn? Đã có chồng con, mà vẫn cứ hết mình với các cuộc vui bạn bè thì có được không?”. Em đi chơi nhiều, về nhà trễ, lại mệt lả nên không buồn dọn dẹp nhà cửa. Có hôm anh dọn, có hôm anh không thèm đụng tay vì nghĩ: “Gia đình còn ra thể thống gì nữa khi vợ cứ bày bừa, chồng lọ mọ một mình lau nhà, rửa chén, cọ toa lét. Nhưng nếu anh làm, khi về em sẽ vui vẻ vì thấy nhà sạch đẹp; nếu không, em tỏ ra bực bội vì nhà cửa bừa bộn. Anh làm “cô Tấm” trong nhà để đổi lấy hòa khí vợ chồng, liệu có bền?”.
Phụ nữ thì phải đỏng đảnh để làm kiêu và đàn ông phải chiều để tỏ ra là người chồng biết yêu vợ. Nhưng anh lại lo vì thói đỏng đảnh của em có vẻ đang “leo thang”. Bên nhà vợ có dịp gì cần, anh đều vui vẻ đi cùng vợ về dự, nhưng những dịp anh đề nghị em về quê cùng anh, em viện cớ này nọ để tránh. Anh suýt nổi nóng mấy lần, nhưng lại sợ mất vui, nên nhịn. Thế là bây giờ, việc mời em về quê chồng thật khó. Nhưng đó là nghĩa vụ cơ mà, tại sao anh phải mời, phải năn nỉ?
Minh họa: NOP
…ra ngoài
Anh cảm thấy mình thật nhỏ nhen khi đến những việc tủn mủn như chuyện bề ngoài của em, anh cũng bận tâm và bức xúc. Vợ mặc đầm ngủ ra chợ, chỉ vậy thôi mà anh cũng nổi cáu! Đàn ông gì mà vớ vẩn quá vậy? Không biết có chủ quan không, nhưng anh nghĩ, cái duyên, cái đẹp của phụ nữ nằm ở sự gọn gàng, chăm chút. Luộm thuộm như thế mà ra đường, coi sao được? Bề ngoài của vợ còn là “bộ mặt” của chồng. Vợ như thế ra đường, anh cũng mất mặt lắm. Đúng là chuyện nhỏ của vợ, nhưng anh cứ “lăn tăn” mỗi ngày, cứ cảm thấy bực dọc, cứ cảm thấy không thoải mái, nhưng nhắc nhở thì vợ lại nổi tự ái đùng đùng, bảo anh là “bố chồng khó tính”.
Dù khó chịu như vậy, nhưng anh không tiện nhắc nhở nhiều. Có lẽ vì thế mà em thấy vấn đề không lớn, nên không nghiêm túc sửa chữa. Và rồi em cứ “vô tư” diện đồ ngủ ra chợ!
Anh còn phát hiện ra một chuyện “lờn” lạ hơn nữa, là chuyện em trang điểm quá đậm. Lần đầu gặp em, anh rung động ngay trước vẻ đẹp thuần khiết của gương mặt mộc mạc không phấn son. Anh cảm thấy mình may mắn vô cùng khi lấy được một người vợ như thế. Rồi em bắt đầu trang điểm nhẹ, bảo cho tươi tắn. Anh nghe có lý, vui vẻ hoan nghênh. Em đi dự tiệc, trang điểm đậm hơn, anh thấy em thật rực rỡ giữa đám đông. Nhưng có những lúc, anh nhắc khéo: “Trang điểm cũng đẹp, nhưng anh thích vẻ đẹp mộc mạc hơn”. Em bỏ ngoài tai ý kiến của anh. Sao em không nghĩ đàn bà làm đẹp vì mục đích gì nếu như đàn ông không thấy đẹp?
Nói thật với em, anh cũng thấy rất khó chịu khi những lần nhà có khách, em nói cười, bông đùa quá thoải mái với khách. Dẫu sao, em cũng phải tôn trọng anh – với góc độ là phụ nữ đã có chồng. Anh ước ao vợ mình sẽ chỉn chu trong giao tiếp, biết giữ khoảng cách chừng mực, nhưng không biết nói thế nào cho em hiểu mà không tự ái. Vì không biết nói thế nào, nên anh nín luôn, khiến em cứ giao tiếp suồng sã như thế.
Ảnh: P.Huy
Tiện lại “răng” cho “ốc vít”
Em như dần xa khỏi anh, khi trong anh chất chứa quá nhiều thứ không hài lòng về vợ. Tất nhiên, anh có lỗi vì không cương quyết “siết” em ngay từ đầu, anh dễ dãi thì đành phải chịu hậu quả từ sự dễ dãi của mình. Mọi chuyện đã thành “lờn thuốc” cả rồi, như ốc vít bị tuôn hết cả răng, không còn độ bám nữa.
Nhưng anh vẫn hy vọng, một ngày em sẽ thay đổi.
Anh ước em hiểu, thường ngày, anh vẫn nấu ăn nhưng anh làm việc đó là vì thương em vất vả chứ đâu phải nhiệm vụ! Em đừng “được nước làm tới” và mặc định nhiệm vụ của chồng là nấu cơm phục vụ gia đình.
Anh cũng biết việc đi chơi cùng bạn bè là chính đáng, chẳng có gì xấu. Nhưng nếu em đã chọn gia đình, thì em phải chấp nhận hy sinh một phần sở thích riêng của mình vì một người phụ nữ đã có gia đình chắc chắn phải khác một cô gái độc thân. Vừa trông con, chồng em sẽ vừa bồn chồn, ấm ức vì gia đình vắng bóng người phụ nữ. Nếu em chịu nhìn nhận khách quan một chút, có thể suy nghĩ đó sẽ níu chân em ở nhà với chồng con nhiều hơn.
Anh chỉ dám mong em thỉnh thoảng làm siêng lau dọn nhà cửa và hiểu rằng, nhà cửa bề bộn một phần do bản thân mình không chăm sóc, đừng nổi cáu khi lỗi đó thuộc về mình.
Có lẽ, anh thật nhỏ mọn khi nhắc đến chuyện chăm chút ngoại hình của em. Những chuyện đó nhỏ thôi nhưng vì là chuyện hàng ngày nên cũng gây mệt mỏi lắm.
Có thể nói, nguyên do lớn nhất để chuyện “ốc vít” tuôn hết cả “răng”, không còn siết được nữa là sự dễ dãi của người chồng đã khiến người vợ lầm tưởng rằng mọi thứ vẫn “đâu vào đó”, khiến tình trạng ngày càng xấu đi. Anh biết, những gì anh vừa chia sẻ đã trở thành thói quen trong sinh hoạt của em, nhưng mong em suy nghĩ lại, thay đổi được chút nào hay chút ấy.
PNO