Sở hữu hai giải thưởng được xem là danh giá nhất hiện nay – Bài hát Việt (giải Ca khúc của năm 2008 với bài Chênh Vênh), Cống hiến (giải nhạc sĩ của năm 2010), hàng chục tác phẩm được đánh giá cao cùng một lượng fan không nhỏ cả nước và ngoài nước, có vẻ như Lê Cát Trọng Lý đã có đầy đủ những điều kiện cần thiết để bước trên vị trí ngôi sao.
Thế nhưng, cô vẫn thầm làm việc sớm tối đi về với những sân khấu nho nhỏ từ vài chục tới vài trăm khán giá. Hỏi, cô nói: “Tôi không đi tìm khán giả”, nhưng vẫn khẳng định: “Tôi không muốn chia sẻ âm nhạc với tất cả mọi người”.
Nhận kỷ niệm chương và giấy chứng nhận Nhạc sĩ của năm trong lễ trao giải Cống hiến tối 5/4 tại Nhà hát Thành phố (Tp. HCM), Lý bất chợt lóng ngóng đến tội nghiệp so với chỉ vài phút trước đó, khi cô ôm đàn hát Chênh vênh. Giữa sân khấu rộng, cô cứ đứng nhìn xuống (may mà chưa gãi đầu như ở vài nơi khác), phân vân giữa việc đi vào hay làm gì tiếp theo. Khán giả, vốn đã quen với kiểu cách của các “lễ trao giải” vẫn lặng yên chờ đợi, rồi vỗ tay khuyến khích, càng khiến Lý bối rối hơn. Đến khi MC giục nói vài lời thì Lý… “Em xin lỗi! Em không được chuẩn bị để nói nên… không biết phải nói gì”.
Lê Cát Trọng Lý
Đó không phải là lần đầu tiên cô xin lỗi khán giả ngay trên sân khấu. Đêm nhạc Acoustic tại phòng trà WE trung tuần tháng Ba vừa qua, Lý cũng xin lỗi khán giả vì: “Em đã chuẩn bị bài hát mới để hát cho mọi người nghe. Bài hát cần có phần đệm piano nhưng (chép miệng, lắc đầu) bạn chơi piano vẫn chưa tới nên thôi giờ em hát bài khác vậy”. Những nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm sân khấu thường sẽ không ứng xử như cô mà chỉ việc thản nhiên giới thiệu bài hát tiếp theo rồi lại tiếp bài hát khác cho đến khi nhạc công đến. Song chính từ câu xin lỗi ấy người ta có thể nhìn thấy ở Lý sự chân thành hiếm có trong làng văn nghệ.
Cô không dùng kỹ năng nghề nghiệp mà đang trò chuyện, tâm sự với bạn bè. Cả khi nói về tác phẩm sắp trình bày, Lý cũng không theo khuân mẫu: “Và sau đây là một sáng tác của…” mà cho biết: “Bài em sắp hát có một câu không phải tiếng Việt, không phải tiếng Anh, cũng không phải tiếng gì hết mà em… chế”. Và cô bắt đầu ca khúc Chuyến xe của mình bằng “pà tun bì đa la kha ma ta ri đa” – một “câu kinh” nửa như trong Ẩn giáo, nửa như trong Phật giáo Tây Tạng – tôn giáo mà Lý thừa nhận là rất thích vì sự bình yên của nó. Lý kể, mỗi khi rảnh rỗi, cô thường đọc sách Phật giáo, tìm gặp các vị sư để trò chuyện. Cũng có thể đó là lý do khiến nhạc của cô luôn phảng phất triết lý thiền, về có - không, còn- mất, về hành trình kiếm tìm hạnh phúc của từng cá nhân.
Từng có một nhà báo so sánh Lê Cát Trọng Lý với Trịnh Công Sơn và rằng cô là người hát đồng dao thú vị nhất hiện nay. Tất nhiên đó là nhẫn xét hơi khoa dại, song như nhạc sĩ Trần Huân thừa nhận: “Âm nhạc Lê Cát Trọng Lý rất Tây, dù mộc mạc. Riêng ca từ, cách hát lại đậm màu sắc Phương Đông”.
Nhiều năm mê mẩn theo học violon tại nhạc viên TP. HCM đã cho cô một nền tảng âm nhạc cổ điển châu Âu vững chắc nên cũng không ngạc nhiên lắm khi Lý chủ yếu dùng violon, piano, guitar để trình tấu tác phẩm. Cái sự Tây trong nhạc Lê Cát Trọng Lý cũng giúp các ca khúc của cô gần gũi, dễ cảm hơn với tai nghe khán giả nước ngoài. Những lời khen ngợi của bạn bè quốc tế dành cho Lý khi cô hát ở Trung tâm văn hóa Pháp (L’ Espase) hay khi cô biểu diễn tại Na Uy, các đêm nhạc phòng trà phải đâu chỉ vì cô nhỏ nhắn, xinh đẹp. Ca sĩ Lee Kirby (Anh Quốc) khi quyết định viết lời Anh bản Chênh vênh để biểu diễn trong dự án “Trà đá với Lee Kirby” tại Việt Nam cũng chỉ vì mến mộ tài năng của Lý bên cạnh sự tương đồng trong âm nhạc.
Lê Cát Trọng Lý nhận giải nhạc sĩ của năm tại Lễ trao giải Cống hiến 2010
Song nhạc Tây chỉ là cái nền để tôn vinh hồn Việt, Lý đặt vào tác phẩm cảm thức của một cô gái Á Đông nhiều khát khao bùng cháy nhưng vẫn cứ hoang mang, lạc lõng. Với nhiều bạn gái trẻ đang bước vào đời, đang bắt đầu yêu, Lý đã nói thay đổi lòng của họ.
Còn rất trẻ, nhưng sáng tác lại chứa đầy thân phận, cô đơn… Có bao giờ Lý lo rằng những điều đó sẽ vận vào chính mình?
-Vận vào là nói cái gì đó từ bên ngoài đi vào mình, Còn cảm xúc của tôi là từ chính tôi thể hiện ra nên làm sao còn vận vào được nữa. Nó đã có sẵn vậy rồi mà. Hơn nữa, nếu đó đã là số phận thì mình có thể tránh được sao? Thế thì ta cứ chấp nhận những gì mà cuộc sống mang đến, cố gắng thích ứng với nó, vui với nó, thưởng thức nó thì mình sẽ vui vẻ, thoải mái hơn.
Các tác giả nữ thường mang bản thân vào tác phẩm, tôi tạm gọi đó là “ăn” chính mình. Lý có thế không? Nếu chẳng may Lý “ăn” hết vốn thì sao?
Đúng là tác giả nữ thường có khuynh hướng như thế, nhưng tôi không “ăn” mình. Những gì tôi viết ra chỉ có một phần nhỏ của tôi, phần lớn còn lại là nhờ tích lũy được từ cuộc sống, từ những người xung quanh. Nhiều thứ có thể sử dụng được ngay, nhưng nhiều thứ khác thì vẫn phải chờ chín muồi. Thực ra, bài hát của tôi không phải những câu chuyện có đầu có đuôi mà là các mảnh cảm xúc khác nhau. Mà cảm xúc thì vô chừng lắm, gọi là bất tận cũng đúng nên tôi không ngại chuyện một ngày mình hết vốn, chỉ ngại mình đánh mất cảm xúc, đánh mất đam mê thôi.
Trọng Lý trên sân khấu Bài hát Việt
Tôi vẫn không hiểu sự mâu thuẫn giữa việc Lý muốn chia sẻ tác phẩm với tất cả mọi người nhưng lại không đi tìm họ…
Tôi biết khán giả của mình lúc nào sẽ có mặt ở đâu mà tìm? Tuy nhiên, tôi cũng chưa từng nói rằng mình sáng tác chỉ cho bản thân hoặc cho một cộng đồng nhỏ những người yêu mến mình. Vì muốn chia sẻ với tất cả tôi cứ đi. Đi từ Nam ra Bắc, ra cả nước ngoài. Khán giả muốn gặp tôi sẽ luôn biết ở đâu. Nhưng nói chung cũng phải tùy duyên nữa. Có duyên thì chắc chắn sẽ gặp mà!
Có phải đó là do Lý từ chối xuất hiện ở một số nơi?
Tôi biết rất nhiều nghệ sĩ tận dụng mọi cơ hội để đến với khán giả. Nhưng tôi coi trọng sự cần thiết hơn. Chẳng hạn, có một số nơi mượn tiếng từ thiện mời tôi đến diễn chỉ là vì muốn có Lê Cát Trọng Lý, vì một số lý do cũng không tiện nói, trong khi thật ra bất kỳ ca sĩ nào cũng có thể làm được. Ngược lại, ví dụ thôi nhé, bà của anh đang bệnh và rất muốn nghe Lý hát một lần, thì tôi sẵn sàng đến hát để bà vui. Một số bạn khác nhờ làm nhạc thì tôi làm. Nói chung, không phải là mình xuất hiện bao nhiêu lần, trước bao nhiêu người mà quan trọng là sự xuất hiện lại điều gì tích cực cho ai. Chắc chắn trong số các nghệ sĩ, có nhiều người cũng nghĩ như tôi vậy.
Trên Blog của Lý nhiều năm trước, tôi đọc thấy Lê Cát Trọng Lý đã kết hôn. Là sao nhỉ?
Hồi đó, tôi mới 18 tuổi, còn nhỏ xíu mà đi thi hát nên mọi người mới bày ghi tình trạng hôn nhân là đã kết hôn. Ngày xưa, ba tôi cũng đi hát nên ông không muốn con gái theo con đường “xướng ca vô loài” nhiều cám dỗ, lắm thị phi này. Tôi phải tranh đấu dữ lắm mới theo nghiệp hát được, nhưng tất nhiên để đổi lại thì mình càng phải thận trọng để đừng làm ba mẹ phiền lòng. Tôi có người yêu, chỉ là phải ở xa nhau thôi.
Tôi hơi ngạc nhiên vì so với lúc Lý đứng trên sân khấu Cống hiến 2010 nhận giải Nhạc sĩ của năm, Lê Cát Trọng Lý lúc này hoạt bát hơn hẳn?
Tôi rất ngại phải nói điều gì đó trước đông người, bởi những gì muốn nói thì đã nói trong nhạc rồi. Chúng ta thường cố gắng trò chuyện để hiểu nhau, nhưng trong nhiều trường hợp vẫn chẳng hiểu nhau được mấy. Có những người ở bên mình đã lâu, tưởng là rất hiểu mình, nhưng rồi một ngày phát hiện ra là người ta vẫn chẳng hiểu gì cả. Những lúc như thế, tôi có cảm giác rất lạ - người ta vẫn là bạn thân, nhưng lại quá xa lạ. Như khi một người nghe tôi hát, chắc chắn điều người đó cảm nhận và hiểu không giống cái trong đầu tôi.
Nhưng như thế chẳng phải là “bất đồng ngôn ngữ” sao?
Có quan trọng gì đâu. Người nghe hãy cứ hiểu điều họ muốn hiểu, miễn là điều đó tích cực cho cuộc sống. Trên mạng FaceBook có Hội những người không hiểu Lý hát gì, tôi cũng không phàn nàn. Có những người bảo nghe nhạc tôi vài bài sẽ mệt, nhưng cũng có người khác bảo nhạc của tôi càng nghe càng thấm. Ta không thể bắt người khác yêu mình, cũng không thể đúc khuôn suy nghĩ của mọi người nên hãy cứ chấp nhận sự đa dạng của mọi người nên hãy cứ chấp nhận sự đa dạng của cuộc sống. Sự phong phú đó thú vị đấy chứ!
PNO