Đó là một câu hỏi khó và không phải ai cũng tìm được câu trả lời. Nhiều bạn thường xuyên đau đầu vì không biết làm một đề tài, một đồ án nhỏ, hay một bài tiểu luận của riêng mình, sao cho thật sáng tạo, hấp dẫn, và đáp ứng mọi yêu cầu mà giáo viên đưa ra. Cũng có bạn đã đi làm, nhưng lúc nào cũng than phiền: “Làm thế nào để mình có thật nhiều ý tưởng để làm việc tốt?”, “Nếu có ý tưởng mới, mình sẽ kinh doanh hiệu quả hơn, chứ không như bây giờ”, “Mình đang đi theo lối mòn, trở nên cũ rích và nhàm chán, nhưng mình không biết làm sao để cải thiện. Mình suy nghĩ mãi nhưng không có bất kì ý tưởng nào”… Đó là những lời phàn nàn thường xuyên xuất hiện của một bộ phận giới trẻ tri thức ngày nay
Cuộc sống ngày càng hiện đại khiến ta phải liên tục cập nhật và đổi mới, sáng tạo, sao cho không “dậm chân tại chỗ” so với mọi người. Nếu chỉ biết ù lì, an phận, thì có lẽ con người chúng ta không đạt đến trình độ khoa học kĩ thuật như ngày nay. Sự sáng tạo luôn là điều mà mọi người mong muốn được sở hữu. Tuy nhiên, làm cách nào để kích thích não bộ hoạt động liên tục để luôn có những ý tưởng mới?
* Dành ra 30 phút để suy ngẫm mỗi ngày: Hãy khiến não bộ hoạt động thường xuyên bằng việc dành thời gian để suy ngẫm về bản thân, các mối quan hệ xung quanh, con người và cuộc đời… Từ những việc đơn giản thế thôi, bạn cũng có thể đúc kết ra được vài điều gì đó, và trí óc của bạn dần dà trở nên nhạy bén trong việc quan sát, tổng hợp tin tức, phân tích và nhận định.
* Liệt kê ra những điều “điên rồ” nhất mà bạn đã từng nghĩ tới: Chẳng hạn như tại sao con người không tự tạo ra một đôi cánh nhân tạo để tự bay, hay là biết đâu sao Thổ có sự sống mà không ai biết? Có thể một vài điều tưởng chừng như chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng từ đó bạn có thể khám phá ra nhiều cái mới và kích thích trí tưởng tượng của mình. Những thiên tài thường có những suy nghĩ tưởng chừng như “không thể thực hiện được”, nhưng rồi họ đã khiến cả thế giới thay đổi chỉ vì những ý tưởng đó.
* Tập cách ghi chép - nghe nhìn - đọc hiểu: Việc ghi chép không bao giờ thừa, vì bạn không thể nhớ hết những gì bạn nghĩ. Nhiều khi có vài dòng ý tưởng thoáng qua trong đầu mà bạn chẳng để tâm lắm, lại là những điều cực kì đắt giá và hữu ích cho bạn, việc lắng nghe, quan sát cũng quan trọng, bạn có thể phân tích được đúng hay sai, lợi hay hại, từ đó đúc kết được kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Việc đọc - hiểu cũng quan trọng, từ những cái có sẵn, bạn sẽ nảy ra nhiều ý tưởng mới mà chính bạn cũng không tin là mình có sự sáng tạo đến như vậy.
* Học hỏi, trau dồi khả năng diễn đạt, thể hiện: Tại sao những người khác lại có ý tưởng liên tục, sáng tạo liên tục, còn bạn lại không? Vấn đề ở đây là họ biết diễn đạt trọn vẹn điều mình nghĩ tới, một cách dễ hiểu nhất. Bạn cũng có rất nhiều ý tưởng, chỉ là do bạn chưa khơi ra được trọn vẹn, và không thể hiện nó theo chiều hướng chính xác. Để làm được, bạn cần phải kiên nhẫn và liên tục học hỏi.
* Thu nạp thông tin: Những thông tin chẳng bao giờ thừa, dù cho bạn thấy nó không giúp được gì cho việc học của bạn, hay chẳng khiến tương lai bạn khá hơn… Nhưng đừng vội nhìn nhận. Hãy cứ liên tục thu nạp thông tin, qua điện thoại, báo mạng, sách, tạp chí, hay đơn giản là thông qua các cuộc trò chuyện với bạn bè. Tán gẫu, nói chuyện phiếm, bình luận vô thưởng vô phạt…, nhưng từ chính những điều đó sẽ khiến bạn tìm ra được cách giải quyết một vấn đề gì đó, hoặc một ý tưởng tuyệt vời có ích cho bạn.
Ý tưởng không là một điều gì đó quá xa xỉ hay cao siêu, nó đến từ những điều đơn giản nhất, trong một hoàn cảnh tình cờ nhất. Vấn đề ở đây là bạn phải biết cách tập luyện sao cho những ý tưởng mới luôn phát sinh trong chính bản thân mình. Chúc bạn thành công.
Mực tím