Hơn một tháng sau thảm họa của “Kiều @“ - bộ phim chuyển thể từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, khán giả Việt lại tiếp tục đón nhận thảm họa thứ 2 mang tên “Kiều” của Mai Thu Huyền. Trước khi ra mắt, “Kiều” của Mai Thu Huyền được kỳ vọng sẽ khá hơn “Kiều @“, sẽ thổi được cái hồn trong tác phẩm tuyệt bút của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng hóa ra, phim lại gây thất vọng nặng nề cho người xem.
“Kiều” của Mai Thu Huyền dán nhãn 18+, được giới thiệu là phóng tác từ Truyện Kiều, nhưng thực chất chỉ sử dụng một phần cốt truyện gốc. Phim khai thác cuộc đời Kiều từ thời điểm bán mình chuộc cha cho tới lúc từ giã Thúc Sinh. Theo đó, Thúy Kiều (Trình Mỹ Duyên) được Mã Giám Sinh (Long Đẹp Trai) bán vào lầu xanh với giá 400 lượng vàng. Vì có linh hồn Đạm Tiên (Mai Thu Huyền) bay theo phù hộ mà không gã đàn ông nào có thể chạm được vào Kiều.
Thế nhưng, trong số khách làng chơi vẫn có Hiền Bá (Hiếu Hiền) say mê và muốn chiếm đoạt cô bằng được. Tuy nhiên, nàng đã sớm trao trái tim mình cho chàng lái buôn lụa giỏi văn thơ Thúc Sinh (Lê Anh Huy). Vốn đã có vợ là Hoạn Thư (Cao Thái Hà), Thúc Sinh vẫn tán tỉnh rồi dẫn Kiều bỏ trốn. Phát hiện ra chồng ngoại tình, Hoạn Thư nghĩ ra cách đánh ghen tàn bạo khiến cuộc sống của cả hai trở thành địa ngục.
Phim chủ yếu xoay quanh hai mối quan hệ tay ba: Hiền Bá - Kiều - Thúc Sinh, Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư. Song, diễn biến tâm lý của từng nhân vật trên màn ảnh lại trở nên vô hồn, vô cảm đến mức người xem phải bất ngờ đến bật cười. Đa phần ý kiến sau khi bước ra khỏi rạp đều cho rằng, phim có kịch bản quá non nớt, dàn diễn viên diễn xuất đơ cứng, cảnh nóng thể hiện sống sượng đến mức rẻ tiền. Làn sóng phê phán của khán giả sau khi xem phim lớn đến mức nữ diễn viên Cao Thái Hà (thủ vai Hoạn Thư) phải khóa Facebook cá nhân và không có thêm bất cứ phát ngôn nào trước truyền thông.
Mặc dù biên kịch kiêm đạo diễn hình ảnh của "Kiều" - ông Phi Tiến Sơn giải thích rằng, “Kiều” được xây dựng theo cách kể chuyện mới, với mục đích tiếp cận tầng lớp khán giả trẻ nhưng có vẻ như điều này vẫn không thể lấy lại được sự đón nhận từ công chúng.
Nhất là ở nhân vật Đạm Tiên do Mai Thu Huyền đảm nhận lại trở nên phi logic đến buồn cười. Nhân vật này được xây dựng khi Kiều thắp nén hương tưởng nhớ, Đạm Tiên đã xuất hồn và đi theo Kiều trong mọi bước đường của cô. Đạm Tiên dùng phép thuật đưa dao cho Thúy Kiều để phòng thân, cứu cô khỏi “cánh mày râu” háo sắc, và cũng ép Kiều phải khơi dậy lòng hận thù, thậm chí là giết người. Ấy vậy mà cô không biết biến ra cái chìa khóa cho Kiều tự mình trốn thoát khỏi thanh lâu hay biến ra luôn vàng để cô chuộc cha luôn từ đầu cho lẹ. Nếu nói về chuyện “duyên âm” trong truyền thuyết của mấy ông bà thầy bói thì Đạm Tiên chính là nhân vật này, nhất quyết không cho Kiều có người yêu.
Vẫn biết nhân vật Đạm Tiên là sự sáng tạo nhằm mang tới những nét mới lạ cho phim, nhưng vô tình lại triệt tiêu những đấu tranh tâm lý, diễn biến nội tâm, cùng nỗ lực của Kiều trước những truân chuyên kiếp người. Không chỉ vậy, Đạm Tiên còn khiến Thúy Kiều trở nên nhạt nhòa trong một tác phẩm mà Kiều mới là nhân vật chính. Điểm gây chán chường ở “Kiều” còn là cách kết phim nửa vời do không giải quyết được mâu thuẫn đặt ra.
Nhân vật Đạm Tiên do Mai Thu Huyền đảm nhận được xây dựng phi logic, khiến vai Kiều của Trình Mỹ Duyên trở nên nhạt nhoà.
Nhìn nhận một cách khách quan, từ kịch bản, cách cài cắm nút thắt cho tới diễn xuất của diễn viên trong “Kiều” đều không có một yếu tố nào cứu vãn được bộ phim. Nữ chính Trình Mỹ Duyên xinh đẹp, là gương mặt mới của điện ảnh Việt nhưng chưa thể lột tả được nội tâm vai diễn mà khán giả cần thấy. Diễn viên Lê Anh Huy trong vai Thúc Sinh, Cao Thái Hà trong vai Hoạn Thư cũng có những phân cảnh sống sượng đến mức gây chán nản. Người tốt nhất trong dàn diễn viên chính là NSND Lê Khanh khi chị gánh cả bộ phim không khác gì Hoạn Bà gánh cả gia tộc họ Hoạn.
Thực tế, khi phóng tác hay chuyển thể một tác phẩm văn học, khái niệm sáng tạo luôn là vấn đề được đề cao. Và với Truyện Kiều lại là đề tài rất khó để phóng tác hay chuyển thể. Bởi như theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng nói, khi làm "Kiều", ông sẽ đi theo hướng cải biên, có câu chuyện ngày nay nhưng cũng bắt buộc phải có Nguyễn Du. “Có Nguyễn Du” được xem là yếu tố quan trọng, bởi có Nguyễn Du mới có Truyện Kiều. Mà để có Nguyễn Du thì buộc phải hiểu sâu sắc chữ nghĩa mà Nguyễn Du đã viết.
Quay ngược lại “Kiều” của Mai Thu Huyền, cô thất bại ngay từ kịch bản không hiểu chữ nghĩa của Nguyễn Du. Ý tưởng phát triển câu chuyện Thúc Sinh - Kiều trong "Kiều" của Mai Thu Huyền vốn không hề tệ. Nhưng phim thành tệ vì biến Kiều thành nhu nhược, Thúc Sinh thành phi logic, bỏ quên cốt tủy của thương nhớ trong khi lạm dụng cảnh ái ân thô thiển, sống sượng. Kết hợp với diễn xuất, kỹ xảo, kỹ thuật dựng, phục trang kém và chi tiết lộn xộn, phim càng xem càng trở nên không thể cứu vãn được.
Trình Mỹ Duyên đảm nhận vai Kiều, gây ấn tượng bởi vẻ xinh đẹp nhưng nét diễn vẫn chưa thể lột tả được nhân vật.
Đã đến lúc phim chuyển thể cần được giữ đúng giá trị
Phóng tác, chuyển thể các tác phẩm văn học lên màn ảnh vẫn là tham vọng của nhiều nhà làm phim. Song, không phải cứ có tham vọng sẽ thành hiện thực.
Như đã nói ở trên, hiểu được tác phẩm và thổi được cái hồn của tác phẩm vào kịch bản phim mới là bước đầu tạo nên thành công. “Kiều” được nhận xét “mười phân dở mười”, trở thành thảm họa của điện ảnh Việt ngay khi vừa ra mắt. Còn trước đó, chúng ta từng liên tục bàn tán đến bộ phim điện ảnh “Cậu Vàng” được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao, cũng chịu kết cục không kém gì “Kiều”.
Cùng một tham vọng, cùng một ý đồ mang tác phẩm văn học lên màn ảnh, sáng tạo để trở nên gần gũi, dễ tiếp cận nhiều tầng lớp khán giả hơn. Nhưng cái “hồn” của tác phẩm lại bị bỏ quên khiến bộ phim trở nên thê thảm về chất lượng. Bởi vậy, thay vì liên tục đi chuyển thể, phóng tác tác phẩm thành phim, có chăng chúng ta nên dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng để sản phẩm không trở nên kệch cỡm khi gửi đến khán giả.
An An (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)