Chẳng những thế, có bao nhiêu "tinh hoa" của bản thân, họ lại “cống hiến” hết ngoài đường. Về nhà, chồng thì thiếu sức sống, vợ lại “thả nổi” nhan sắc, chẳng buồn chăm chút…
Đầu tư “lệch”
Anh Tường Minh (phó phòng một công ty thiết kế phần mềm tại Q.3, TP.HCM) nổi lên như một ngôi sao tại nơi làm việc của mình. Với phụ nữ, anh tâm lý, ga-lăng hết cỡ, được nhiều chị em quý mến. Với đồng nghiệp nam, anh luôn vui vẻ, chu đáo và nhiệt tình giúp đỡ người khác. Anh cũng được các sếp quý mến vì vừa làm tốt chuyên môn, lại năng động trong công tác đoàn thể. Anh còn hát hay và khiếu kể chuyện cười rất duyên. Thế nên, anh đi đến phòng nào cũng được chào đón vì luôn mang đến không khí vui vẻ, hào hứng. Câu mà anh Minh thường nhận được từ các đồng nghiệp nữ là: “Chắc vợ anh Minh sướng lắm, ở nhà, anh chiều vợ phải biết!”. Thực tế lại không phải vậy. Ở công ty là thế, nhưng ở nhà, nhiều lần anh bị vợ lên cơn bực dọc quát: “Anh đi đâu thì đi đi, ngồi một đống thù lù, nhìn bực bội quá”. Đương nhiên, lúc đó anh cảm thấy rất oan ức: tại sao ở công ty ai cũng muốn được mình góp chuyện, ở nhà lại bị vợ hắt hủi, bảo là ngồi một đống? Đúng là “bụt chùa nhà không thiêng”. Anh quên mất, khi về nhà anh lại là con người khác: chỉ ngồi đọc báo, xem tivi, vợ nhờ làm gì cũng cù cưa miễn cưỡng. Quan niệm gia đình là nơi nghỉ ngơi, nên ở công ty anh năng động bao nhiêu, về nhà anh lại ì ra bấy nhiêu. Anh lười đến mức ăn trái cây xong để vỏ nguyên trên bàn, kiến bu đen. Cứ vậy mà vợ anh không nổi điên lên mới lạ.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Tương tự, anh Phùng Quân (công tác tại một nhà xuất bản) được nhiều người ở cơ quan quý mến vì anh luôn vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Cứ thấy việc là anh làm, dù lắm khi chẳng phải việc của anh. Thế nhưng, cái nụ cười thường trực trên môi ấy về đến nhà là anh… tắt. Anh từng chia sẻ với đồng nghiệp: “Về nhà tớ cười không nổi vì thấy vợ lúc nào cũng “mặt sưng mày sỉa”, tớ cứ muốn đi uống bia xong về là ngủ luôn, khỏi phải đối diện với “bà chủ hộ”. Anh Quân lý giải, không phải anh không muốn vui vẻ với vợ như vẫn vui vẻ với đồng nghiệp, nhưng về đến nhà là anh không thể vui nổi. Anh quên rằng, nếu ở nhà mà anh cũng thấy việc là làm, thấy phụ nữ là lăng xăng giúp đỡ, không khí trong nhà anh sẽ khác hẳn và anh cũng sẽ dễ tươi cười hơn.
Chuyện “đầu tư” trật chỗ không chỉ diễn ra với nam giới. Chị Lan Hoa (làm việc ở một công ty PR lớn) là tâm điểm chú ý của các đồng nghiệp. Vóc dáng đẹp, lại biết cách ăn mặc và luôn tươi cười nên chị đến đâu là mang lại sức sống cho nơi đó. Đặc biệt, cánh đồng nghiệp nam rất “hâm mộ” chị. Hiểu lợi thế ngoại hình của mình, Lan Hoa làm điệu bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào, chỉ trừ lúc… ở nhà. Ngày nghỉ cuối tuần, nhiều đồng nghiệp nữ đến nhà chị chơi, đã phát hoảng không tin nổi vào mắt mình: một người phụ nữ tóc tai bù xù, mặt không trang điểm hóa ra nhợt nhạt, bận bộ đồ ngủ nhàu nhĩ. Nói dễ hiểu là, tất cả sự đầu tư nhan sắc của chị Hoa đều dành hết cho những lúc chị ra khỏi nhà. Ở nhà, chị buông xuôi. Kể cả nụ cười tươi như hoa và sự xởi lởi, ngọt ngào thường thấy ở công ty, chồng chị cũng hiếm khi được hưởng. Vì vậy mới có chuyện, mỗi lần chị mua mỹ phẩm xịn là anh tỏ ra khó chịu. Chị bảo: “Em làm đẹp không phải cho anh thì là cho ai?”. Anh nhấm nhẳng: “Cho anh lúc nào? Toàn làm đẹp ở đâu ấy”. Chưa hết, có lần chồng chị bất ngờ hỏi: “Sao anh thấy, với người ngoài thì em nhỏ nhẹ, ngọt ngào là vậy, nhưng cứ nói chuyện với anh là hùng hùng hổ hổ, cứ chực cãi nhau?”. Chị nói ngay: “Vì anh đó! Cái kiểu hay bắt bẻ, gàn gàn của anh khiến em vậy đó”. Chị cứ nghĩ là tại chồng, sao chị không nghĩ phần lỗi cũng còn do mình?
Tình cảm không dưng mà đến
Chính anh Tường Minh cũng công nhận: “Về đến nhà là mệt phờ râu, hơi đâu mà lăng xăng làm này làm kia”. Sao anh không bình tâm để xem xét: mỗi ngày, thời gian anh dành cho công ty chắc chắn nhiều hơn thời gian gặp mặt vợ con, nhưng trong vài tiếng đồng hồ ở nhà đó, anh cứ vật vờ như người hết hơi, không buồn nói chuyện, con nhỏ muốn chơi đùa cùng bố, anh cũng nổi cáu, đừng nói đến việc anh giúp việc nhà. Như vậy, ở nhà anh lãnh điểm trừ đều đều, vợ chán là phải.
Đàn ông vẫn thường nghĩ “công việc, sự nghiệp” mới quan trọng, là ưu tiên hàng đầu. Thế nên, có bao nhiêu sức lực, cố gắng, họ dễ dồn hết ở nơi làm việc. Đâu phải ngẫu nhiên mà các đồng nghiệp, đặc biệt là các đồng nghiệp nữ mến mộ anh Minh. Họ “kết” anh vì anh đã chịu khó ngắm và khen họ đẹp; họ ngưỡng mộ anh vì anh chịu khó dành thời gian giúp đỡ họ, vì anh luôn tỏ ra ga-lăng, chiều chuộng họ. Vậy mà, về tổ ấm của mình, anh chỉ xem như đó là chỗ ngả lưng để lấy lại năng lượng cho một ngày cống hiến mới ở… công ty! Với cách sống như thế, anh lại đòi hỏi vợ anh phải xinh tươi, niềm nở với anh như mấy cô nữ đồng nghiệp ở cơ quan thì thật phi lý. Đơn giản, để có được điều gì tốt đẹp, người ta luôn phải góp phần tạo ra nó. Nếu lên công ty mà anh cũng uể oải, không muốn cười, không buồn nói, thử hỏi các cô ở công ty có “nhìn anh là thấy ngán”?
Minh họa: NOP
Tương tự, anh Phùng Quân chỉ quảng giao với… người ngoài. Cái tâm lý “lấy được cô ấy, thì mặc nhiên cô ấy suốt đời là vợ của mình, không cần đầu tư lấy lòng nhau nữa” thật sai lầm. Tất nhiên, một người phụ nữ yêu và lấy một người đàn ông vì người đàn ông ấy đáng yêu, nhưng khi trở thành chồng rồi, người đàn ông đó không còn tỏ ra đáng yêu nữa, tình cảm chắc chắn cũng phai nhạt theo. Anh kể chuyện cười khiến chị em ở cơ quan nghiêng ngả, nhưng có bao giờ anh kể chuyện cười để làm vui lòng vợ? Anh chỉ căn cứ vào chuyện “vợ lúc nào cũng mặt sưng mày sỉa” để tìm cách xa lánh, rồi than thở “giá mà vợ mình vui vẻ bằng một nửa cô đồng nghiệp trên cơ quan”.
Trong khi đó, cánh phụ nữ tuy xem trọng nhan sắc, nhưng lại là nhan sắc dành cho người ngoài! Nhịp sống công nghiệp khiến chị em thời nay bận rộn hơn và cũng có nhu cầu chăm chút bề ngoài kỹ lưỡng hơn. Nhưng, họ kỹ ở ngoài đường bao nhiêu thì lúc ở nhà, họ xuề xòa bấy nhiêu. Cũng như chị Lan Hoa, chị Thanh Mai (trưởng phòng marketing một công ty sản xuất đồ dùng nhà bếp) bước ra đường là “ngon lành cành đào” bởi nhan sắc được chăm chút rất kỹ lưỡng, nhưng ở nhà thì… may chăng chồng chị mới nhìn quen mắt, chứ người ngoài mà thấy là… choáng! Chị lại xem đó là “thực tế khách quan”, theo cách “rất phụ nữ”: “Chồng con mình chứ có ai đâu mà ngại, sửa soạn mệt lắm. Suốt cả ngày đủ thứ việc ở chỗ làm rồi, về nhà lại lo cho chồng con tối mắt tối mũi, thời gian đâu mà sửa soạn nhan sắc nữa”.
Lời biện hộ của chị Mai thoạt nghe cũng có lý, nhưng nếu nhìn “toàn cục”, chị cần phân bổ lại sự đầu tư. Bởi lẽ, hạnh phúc của mỗi người, đặc biệt là người phụ nữ chủ yếu ở gia đình. Gia đình yên ấm mới là hạnh phúc đích thực. Khi chị dồn hết sự thể hiện bề ngoài ra xã hội, thì dù chồng chị không nói ra, mỗi ngày anh vẫn phải “ngậm bồ hòn” với ngoại hình lôi thôi của vợ, lâu dần sẽ chán. Mà người đàn ông khi đã chán vợ thì chuyện gì xảy ra sau đó ai cũng hiểu.
Từng “giật mình” khi nhận ra tình cảm vợ chồng cứ ngày một xa cách vì vợ lo việc vợ, chồng lo việc chồng. Nếu xác định hạnh phúc gia đình là ưu tiên số một, thì ít ra cũng dành 30 – 40% sức khỏe, nụ cười, hành động để “xây tổ ấm”. Anh Trần Quang Đạo (chủ một cửa hàng xe gắn máy trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú nhuận, TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm: "Đơn giản, người vợ ra ngoài làm ăn, luôn tươi vui, xinh đẹp, ngọt ngào với mọi người, tôi là chồng, tôi chỉ cầu được 30% của những thứ ấy khi nàng gặp tôi. Ngược lại, tôi cũng thấy việc cắm đầu kinh doanh khiến mình về nhà không còn sức đâu mà vui với vợ con, có chăng là đưa được thêm tiền về giúp nàng vui chút đỉnh. Tôi đã tự dặn mình, tiền bạc chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để tạo nên hạnh phúc gia đình. Vì vậy, sẽ không dồn “toàn lực” cho việc kinh doanh nữa. Còn thời gian, còn sức khỏe thì mới mong làm điều gì đó giúp vợ con vui khi cả nhà gặp mặt nhau. Với tôi, hạnh phúc gia đình cũng là “món” cần được đầu tư, có đầu tư nhiều mới “sinh lợi” cao”.
PNO